Ðọc sách ''Ði tìm một vì sao'': Những bài học thiết thực về công tác cán bộ
Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 13:56, 05/07/2022
Tầm nhìn chiến lược
Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt trên chiến trường miền Nam (năm 1970), Trung ương Đảng đã có kế hoạch đưa những cán bộ trẻ được đào tạo bài bản vào tiền tuyến lớn (còn gọi là đi B). Mục đích là vừa tiếp sức cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vừa để tôi rèn cán bộ trong khói lửa đạn bom, tạo nguồn cốt cán sau này. Đó là một trong nhiều công việc của Đảng ta thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ: “Cán bộ là gốc của mọi công việc...”.
Trong bối cảnh ấy, Phạm Quang Nghị và một số sinh viên khoa Văn, khoa Sử (Trường Đại học Tổng hợp) được tuyển chọn đi B, được bồi dưỡng kỹ năng cầm bút và cầm súng. Tác giả viết: “Kết thúc lớp bồi dưỡng viết văn, chúng tôi tiếp tục trải qua khóa huấn luyện quân sự tại Trường 105. Trường còn có tên gọi không chính thức là “Trường huấn luyện biệt kích”, có nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện bí mật để đưa cán bộ vào chiến trường miền Nam”.
Sau 5 năm lăn lộn ở chiến trường (1971 - 1975), Phạm Quang Nghị chuyển ra miền Bắc làm việc tại Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương). Một thời gian sau, ông được cử đi học 3 năm Triết học tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc V. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về đảm nhiệm các công việc tại Ban Tuyên huấn Trung ương, kiêm giúp việc các đồng chí lãnh đạo Ban. Ông trải lòng: “Tôi luôn cảm thấy mình thật may mắn được làm việc bên những nhà lãnh đạo tư tưởng, văn hóa, những “cây bút”, “cây nói” bậc thầy”. Quá trình chiến đấu, học tập và công tác giúp ông trưởng thành lên nhiều.
Năm 1981, Phạm Quang Nghị được Trung ương lựa chọn vào lớp nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, trực thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (gọi tắt là AON). Nơi đây “là cái nôi đào tạo cán bộ lãnh đạo cấp cao không chỉ cho Liên bang Xô viết mà còn cho các nước xã hội chủ nghĩa và các Đảng Cộng sản trên toàn thế giới”. Lớp nghiên cứu sinh được Trung ương đánh giá “là quan trọng, phải có đủ sức khỏe để phục vụ lâu dài”.
Thấm thoắt 4 năm tại Học viện AON trôi qua, với học vị Phó Tiến sĩ Triết học, ông về Ban Tuyên huấn Trung ương, tiếp tục làm Thư ký đồng chí Đào Duy Tùng, lúc đó là Thường trực Ban Bí thư. Năm 1987, Phạm Quang Nghị được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Nhà giáo dục Chính trị Trung ương (nay là Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng), sau đó là Phó Trưởng ban, rồi Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương.
Năm 1993 - 1994, Phạm Quang Nghị được cử đi học lớp cán bộ nguồn tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Năm 1996, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Lúc ấy, Phạm Quang Nghị cùng Đặng Duy Báu và nhiều cán bộ có trình độ Phó Tiến sĩ tốt nghiệp ở AON đều đang ở độ tuổi 46, 47 - độ tuổi sung sức nhất của đời người. Như vậy, rõ ràng Đảng ta đã “nhìn xa, trông rộng”, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược trong các giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam.
Làm điều dân muốn
Trong thời gian đảm nhiệm các chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sau đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phạm Quang Nghị đều ý thức sâu sắc và đặt lên hàng đầu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Lấy dân làm gốc”, “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Với tư duy biện chứng và tác phong gần gũi nhân dân, sâu sát công việc, ông đã giải quyết nhiều vấn đề tưởng như không thể giải quyết được.
Trong trang viết với tiêu đề hóm hỉnh “Món ăn khai vị”, kể lại việc khiếu kiện của người dân thị trấn Đồng Văn, đòi trả lại đất chùa Cảnh Phúc, tác giả - Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, vừa chân ướt chân ráo về nhận công tác vài tuần, đã “lặng lẽ làm một cuộc vi hành để tự mình tìm hiểu sự việc”. Sau đấy, ông triệu tập ngay cuộc họp cán bộ chủ chốt để giải quyết vụ việc khiếu kiện đòi đất kéo dài hơn chục năm. Kết quả như ông kể: “Cho đến tận bây giờ, mỗi lần tôi ghé thăm chùa Cảnh Phúc sau khi được phục dựng lại, bà con nơi đây vô cùng hân hoan, vui vẻ, đặc biệt là khi kể lại câu chuyện đấu tranh quyết liệt đòi đất xây chùa năm xưa...”. Khi đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, ông chọn “khâu đột phá” là chấn chỉnh tiêu cực tại khu di tích lịch sử và danh thắng chùa Hương. Bởi lẽ, đây là “vấn đề nóng” khiến người dân cả nước bức xúc, cần phải giải quyết, làm lành mạnh môi trường văn hóa cho nhân dân.
Thời gian ở Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo xử lý nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc, trong đó có việc “cắt ngọn”, tháo dỡ một số công trình xây dựng vi phạm nghiêm trọng kỷ cương phép nước mà người dân mong muốn lãnh đạo thành phố phải “xắn tay” mới giải quyết được. Xin kể lại một việc liên quan mà tác giả có lẽ vì lý do tế nhị đã không nêu trong sách. Một lần, ông cho mời một vị lãnh đạo đầu ngành của thành phố lên gặp. Ông hỏi: “Cái nhà xây trái phép trong công viên có phải là của đồng chí không?”. Anh này vội chối ngay (nhận thì gay to vì đó chính là nhà của anh ấy): “Thưa Bí thư, nhà đó không phải của tôi”. Ông chỉ đạo: “Thế thì ngày mai, đồng chí tổ chức các lực lượng chức năng tháo dỡ ngay đi!”. Người đó “đành phải” khẩn trương thực hiện. Vậy đó, một khi công trình vi phạm của lãnh đạo thành phố cũng bị xử lý thì việc phá dỡ các công trình vi phạm khác sẽ không còn là việc khó khăn nữa...
Lý và tình hòa quyện
Luân chuyển qua nhiều cương vị công tác khác nhau, Phạm Quang Nghị luôn tỏ rõ phong cách của một cán bộ lãnh đạo kiên định và tự trọng, sắc sảo và khiêm tốn, năng động và trách nhiệm. Ông viết: “Làm lãnh đạo thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh... Chỉ khư khư giữ ghế, sẵn sàng hy sinh lợi ích chung để giữ sự an toàn cho bản thân; những cán bộ như thế sẽ là những vật cản đường cho sự phát triển đi lên của đất nước”. Ông luôn sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ lợi ích chân chính của cán bộ và nhân dân, ngay cả trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa yêu cầu xử lý với các quy định hiện hành.
Nhiều người rất tâm đắc với nhận xét của ông trong bối cảnh nhiều cơ chế, chính sách tỏ ra lạc hậu trước thực tế: “Không phải mọi sự làm trái đều gây ra hậu quả xấu. Đó là sự thật”, và “Cuộc sống luôn đòi hỏi phải có những con người dám vượt lên đi trước”. Cũng chính vì thế, ông đã giải quyết hoặc tác động tới việc giải quyết đúng đắn rất nhiều vụ việc liên quan của các cá nhân và tập thể. Tác giả đã dẫn ra nhiều ví dụ hết sức cụ thể. Đó là việc viết bài phản ánh tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về điều chỉnh quy định mức chi phí lễ tang (hồi ấy là quá thấp) khi ông làm việc ở Ban Tuyên huấn Trung ương. Việc giải quyết đơn khiếu nại liên quan Khu di tích Nhà Vương ở Đồng Văn (Hà Giang); việc xóa bỏ độc quyền xuất bản lịch bloc; việc xây dựng tượng đài Chiến thắng Điện Biên khi ông làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Hay việc cấp sổ đỏ cho bà Nguyễn Thị Liên, vợ liệt sĩ lão thành Trần Đình Nhị; việc trả nhà cho ông Dương Trung Quốc, nguyên đại biểu Quốc hội; việc đòi đất ở 42 Nhà Chung; việc liên quan đến tôn giáo ở 178 Nguyễn Lương Bằng, tiếp đến là ở Ba Chẽ, xã An Phú, huyện Mỹ Đức; việc tranh chấp đất giữa hai thôn ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên; việc ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai... khi ông làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Đọc sách “Đi tìm một vì sao”, mọi người cảm nhận và quý mến tác giả không chỉ vì sự phong phú, hấp dẫn của văn chương, mà còn ở cái lý, cái tình hòa quyện, sâu sắc và dung dị của một cán bộ cao cấp của Đảng đã từng “vào sinh ra tử” và hết lòng vì công việc. Những thông tin của một cán bộ từng trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ cao trong Đảng, tới hôm nay vẫn là những bài học mang tính thời sự nóng hổi, bổ ích và thiết thực đối với chúng ta.