Chân dung 3 ứng viên nữ PGS trẻ nhất năm 2022
Tin tức - Ngày đăng : 00:00, 03/11/2022
Ứng viên nữ trẻ nhất vượt qua vòng xét duyệt cuối cùng là Trần Nguyễn Phương Lan, sinh ngày 16/08/1986; quê ở phường Trường An, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; Phương Lan là ứng viên phó giáo sư ngành Hóa học.
Năm 2008, Phương Lan tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ Hóa học tại Trường ĐH Cần Thơ. Sau khi tốt nghiệp đại học, Phương Lan làm nhân viên kiểm soát chất lượng tại Nhà máy Sữa Sài Gòn trước khi trở thành giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Cơ khí, Khoa Công nghệ, Trường ĐH Cần Thơ vào tháng 7/2009.
Năm 2011, Phương Lan học thạc sĩ tại Trường ĐH Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Đài Loan; sau đó chuyển tiếp chương trình tiến sĩ vào tháng 09/2012 cũng tại trường này. Năm 2015, Phương Lan được cấp bằng tiến sĩ ngành Kỹ thuật Hóa học.
Từ tháng 9/2016 tới nay, Phương Lan tiếp tục công việc giảng dạy Bộ môn Kỹ thuật Cơ khí, Khoa Công nghệ, Trường ĐH Cần Thơ.
Các hướng nghiên cứu chính của ứng viên này gồm: Nghiên cứu về lĩnh vực nhiên liệu sinh học từ các nguồn phụ/phế phẩm nông nghiệp; Tổng hợp vật liệu có nguồn gốc từ phụ/phế phẩm nông nghiệp và ứng dụng trong xử lý môi trường; Nghiên cứu về thiết bị ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ hóa học.
Đến nay, Phương Lan đã hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó là chủ nhiệm 2 đề tài cấp cơ sở và là thư ký 1 đề tài cấp quốc gia.
Ngoài ra, Phương Lan cũng đã công bố 53 bài báo khoa học, trong đó có 42 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; là tác giả chính 4 bài ISI (từ sau khi tốt nghiệp tiến sĩ).
Ứng viên nữ phó giáo sư thứ hai sinh năm 1986, đã vượt qua vòng xét duyệt cuối cùng là Nguyễn Thị Thu Hà, sinh ngày 14/06/1986, thuộc ngành Hóa học, làm việc tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thu Hà quê ở xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; tốt nghiệp cử nhân ngành Hóa học tại Trường ĐH Công nghệ Hóa học Quốc gia Ivanovo, Liên bang Nga. Tới năm 2011, Thu Hà được Trường ĐH Công nghệ Hóa học Quốc gia Ivanovo cấp bằng thạc sĩ Hóa học. Năm 2014, Thu Hà được Bộ Giáo dục và Khoa học, Liên bang Nga trao bằng tiến sĩ ngành Hóa học; chuyên ngành Hóa lý.
Từ tháng 1/2016 đến nay, Nguyễn Thị Thu Hà là giảng viên Khoa Hóa học, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội.
Về thành tích nghiên cứu khoa học, ứng viên này đã hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, 1 đề tài cấp Bộ với vai trò chủ nhiệm và đảm nhận vai trò thư ký khoa học 2 đề tài NAFOSTED (Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) đã nghiệm thu.
Thu Hà là tác giả/đồng tác giả của 68 công trình khoa học, trong đó có 30 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI; đồng tác giả 1 bằng độc quyền sáng chế đã được chấp nhận đơn hợp lệ và có văn bản xác nhận khả năng bảo hộ của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ.
Hướng nghiên cứu chủ yếu của ứng viên này là ứng dụng các phương pháp hóa học tính toán trong nghiên cứu các vấn đề: cơ chế, bản chất vi mô của quá trình hấp phụ, và nghiên cứu lý thuyết cơ chế phản ứng trên xúc tác dị thể; cấu trúc electron và tính chất của các vật liệu tiên tiến định hướng ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng và quang xúc tác.
Ứng viên phó giáo sư nữ cùng sinh năm 1986 còn lại là Vũ Bích Ngọc, sinh ngày 02/03/1986, ứng viên phó giáo sư ngành Sinh học, công tác tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Bích Ngọc quê ở xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 2008, Bích Ngọc tốt nghiệp cử nhân ngành Sinh học, chuyên ngành Sinh lý học người và động vật tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM.
Đến năm 2012, ứng viên được Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM cấp bằng thạc sĩ ngành Sinh học, chuyên ngành Sinh học thực nghiệm hướng sinh lý động vật. Năm 2017, Bích Ngọc nhận bằng tiến sĩ Sinh học cũng tại trường này.
Từ tháng 7 năm 2019 đến nay, Bích Ngọc là Trưởng phòng Trung tâm đổi mới sáng tạo và sản xuất thực nghiệm của Viện Tế bào gốc; giảng viên thỉnh giảng tại Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM.
Hướng nghiên cứu chủ yếu của ứng viên này gồm: Nghiên cứu cơ bản về sinh học tế bào, cơ chế bệnh lý trên động vật; Công nghệ tế bào trong vật liệu y sinh học; Ứng dụng công nghệ tế bào trong điều trị lý thoái hóa và tổn thương (bao gồm các bệnh về cơ, xương, khớp, tim mạch, tiểu đường, phổi).
TS Vũ Bích Ngọc đã hoàn thành 22 đề tài/dự án nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên; công bố 55 bài báo khoa học, trong đó 49 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín.
Bích Ngọc từng nhận được bằng khen "Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam Việt Nam 2017 trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học" của Thủ tướng chính phủ; giải thưởng Quả cầu Vàng năm 2017 trong lĩnh vực Sinh học - Công nghệ sinh học.