Hà Nội: Thực hiện quy tắc ứng xử đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 16:48, 28/10/2022
Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều hướng đi mới, mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm phát huy hiệu quả của việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử, tạo ra nét văn hóa riêng cho người Hà Nội, đồng thời tăng mức độ hài lòng của công dân đối với các cơ quan thuộc Thành phố. Sau 5 năm triển khai thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử của Thành phố đã tạo chuyển biến tích cực làm thay đổi nhận thức và ý thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân Thủ đô.
Ghi nhận qua kiểm tra, đánh giá triển khai thực hiện quy tắc ứng xử tại 16 quận, huyện, thị xã và 6 sở ngành thuộc địa bàn Thành phố Hà Nội trong hơn một tháng qua cho thấy, nhiều địa phương đã có rất nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong vận dụng quy tắc ứng xử vào cuộc sống. Các mô hình này cần tiếp tục được tuyên truyền, lan toả trên địa bàn toàn thành phố.
Theo ý kiến của Trưởng ban Phong trào Uỷ ban MTTQ Thành phố Hà Nội Nguyễn Tri Phương, bên cạnh việc thực hiện tốt các quy tắc ứng xử trong cơ quan thuộc thành phố, các quận, huyện cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa và đánh giá cụ thể hơn nữa hiệu quả đạt được trong công tác triển khai thực hiện quy tắc ứng xử tại nơi công cộng. Có như vậy mới đạt được hiệu quả đồng bộ, toàn diện trong thực hiện quy tắc ứng xử.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử còn không ít tồn tại. Trong các cơ quan, đơn vị, nhiều nơi vẫn chưa thật sự sát sao trong việc thực hiện quy tắc ứng xử; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng hoặc thực hiện nghiêm túc nội dung 10 điều trong quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội. Ở các nơi công cộng, tình trạng xả rác còn diễn ra thường xuyên tại đường phố, công viên, nơi công cộng; tại cộng đồng dân cư, việc cãi cọ, lớn tiếng với nhau thường xuyên xảy ra; nhiều điểm kinh doanh, các cây xăng, người dân còn chen lấn, không xếp hàng hoặc nhường nhịn nhau. Trên địa bàn thành phố cũng xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người dân gây bức xúc dư luận, dẫn đến hiệu quả thực hiện quy tắc ứng xử chưa đạt như mục tiêu thành phố đề ra.
Phát biểu chia sẻ trong buổi kiểm tra, đánh giá triển khai thực hiện quy tắc ứng xử của thành phố tại huyện Phú Xuyên vào ngày 28/10, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Bùi Minh Hoàng cho biết, hiện nay chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân của Hà Nội có sự thay đổi, sụt giảm đáng kể so với những năm trước (từ vị trí trong top dẫn đầu hiện nay Hà Nội đang ở vị trí thứ 30/63 tỉnh thành). Mong muốn chung của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô là nhận được sự hưởng ứng vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô trong triển khai thực hiện tốt quy tắc ứng xử. Như vậy, Hà Nội sẽ tiếp tục hấp dẫn được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cũng như lấy lại vị trí dẫn đầu đã từng có trong những năm trước đây về chỉ số hài lòng của công dân. Đây cũng là vấn đề những người làm văn hóa luôn trăn trở, làm thế nào để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, để Hà Nội mãi xứng đáng là “chốn kinh sư mãi muôn đời” và niềm tự hào của người Việt Nam.
Trưởng Phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lại Đỗ Quyên cho biết huyện uỷ, UBND huyện Phú Xuyên luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao các phòng ban, đoàn thể triển khai thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử của thành phố, gắn với các phong trào thi đua thực tế của từng đơn vị; thực hiện quy tắc ứng xử gắn với việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; gắn hoạt động cải cách hành chính với thực hiện quy tắc ứng xử. Tiêu biểu phải kể đến các mô hình “3 tại nhà” ở xã Quang Lãng trong lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội. Mô hình này dành cho người có công, người yếu thế. Cán bộ Phòng Lao động Xã hội của huyện sẽ đến tận nhà hướng dẫn, nhận hồ sơ và sau đó sẽ trả kết quả tại nhà cho công dân.
Bên cạnh đó còn có mô hình “ngày không hẹn”, thực hiện đầu tiên tại xã Hồng Thái, giải quyết thủ tục và trả hồ sơ cho công dân ngay trong ngày, tiết kiệm thời gian đi lại cho công dân. Chính từ những mô hình này đã góp phần quan trọng trong việc đẩy thứ hạng về chỉ số hài lòng của huyện Phú Xuyên lên ngoài sự mong đợi, đứng thứ 3/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội (năm 2021).
Còn theo Trưởng Phòng Văn hoá Thông tin huyện Thanh Oai, kể từ khi đưa hai bộ quy tắc ứng xử của Thành phố vào cuộc sống, nhận thức việc ứng xử văn minh, lịch sự trong giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, và đối với nhân dân trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tốt hơn. Đại bộ phận nhân dân trên địa bàn đều đã nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện quy tắc ứng xử tại nơi công cộng, các điểm di tích, chợ, điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng.
Ngày nay, đến với Phú Xuyên, Thanh Oai, Sơn Tây, Long Biên, Đông Anh hay bất cứ quận, huyện, thị xã nào khác của Thủ đô, chúng ta đều có thể dễ dạng nhận thấy bộ mặt đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh hơn. Thủ đô Hà Nội đã có nhiều thay đổi tích cực.
Ông Bùi Minh Hoàng cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố bao gồm các cơ quan: Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Thành phố Hà Nội, Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, Sở Văn hoá & Thể thao Hà Nội tiến hình khảo sát, đánh giá việc triển khai thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội và quy tắc ứng xử tại nơi công cộng trên địa bàn Thành phố, trong đó Sở Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là cơ quan Thường trực triển khai, tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của Thành phố. Việc tổ chức khảo sát, đánh giá vào thời điểm này có ý nghĩa thực tiễn vô cùng quan trọng và cần thiết. Trên cơ sở đánh giá thực tế, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ có căn cứ tham mưu giúp Thành phố kịp thời có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế triển khai hai bộ quy tắc ứng xử của Thành phố hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.