Thanh Trì (Hà Nội): Hành lang đê Sông Hồng đang bị đe dọa?
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 13:30, 28/10/2022
Theo ghi nhận của phóng viên, bãi tập kết đất trên nằm ở phía dưới chân đê Hữu Hồng thuộc thôn Đồng Trì (xã Tứ Hiệp) do Công ty Cường Thịnh Phát là chủ sở hữu. Anh N.V.T (một người dân sinh sống trên địa bàn) cho biết: đất ở bãi được chuyển từ tỉnh Phú Thọ mang về Hà Nội, tôi không biết bãi tập kết trên là của doanh nghiệp nào vì không thấy treo biển tên; tôi không hiểu chủ đất họ làm gì mà có máy sàng đất ở đây, hoạt động suốt ngày đêm gây tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây. Hơn nữa, bãi tập kết này lại ở ngay chân đê, ảnh hưởng lớn đến hành lang an toàn của hệ thống đê điều trên địa bàn xã.
Trước những phản ánh của người dân, tòa soạn Người Hà Nội chuyển thông tin ghi nhận được đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để kịp thời can thiệp, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều (nếu có) để đảm bảo an toàn hành lang đê cũng như sự an toàn của người dân sinh sống vùng ven đê.
Tòa soạn Người Hà Nội sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có phản hồi từ cơ quan chức năng…
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho thấy, trong tháng 7 và 8 (thời kỳ cao điểm của mùa mưa lũ năm 2022), các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì và Ứng Hòa để phát sinh 20 vụ vi phạm pháp luật đê điều; nâng tổng số vụ từ đầu năm 2022 đến nay lên 60. Mặc dù cơ quan quản lý đê đã lập biên bản, chuyển hồ sơ, đề nghị xử lý theo thẩm quyền nhưng đến thời điểm này, các địa phương mới xử lý 11 vụ phát sinh trong năm 2022 và 7 vụ xảy ra từ trước năm 2021. Trước tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tổng kiểm tra, rà soát, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn; chủ trì phối hớp các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm xử lý, giải tỏa vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc tồn đọng trên địa bàn theo thẩm quyền.