Triển lãm “Con đường”: Góp thêm những “sắc thái mới” cho dòng tranh dân gian
Mỹ thuật - Ngày đăng : 21:13, 07/10/2022
Triển lãm do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Latoa Indochine tổ chức nhằm phục hồi và bảo tồn những giá trị nghệ thuật dân gian.
Đến với triển lãm công chúng được thưởng thức gần 100 tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bởi nhóm nghệ sĩ tại Latoa Indochine. Các tác phẩm được chia thành 3 nhóm chính: Tranh dân gian, tranh về danh nhân Nguyễn Trãi và tranh Phật giáo.
Mảng tranh dân gian dựa trên các đề tài quen thuộc của các dòng tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng nhưng được làm mới hoàn toàn trên chất liệu sơn mài khắc (kết hợp giữa sơn mài và khắc).
Mảng tranh về danh nhân Nguyễn Trãi là kết quả của dự án chuyển thể bức tranh chân dung Nguyễn Trãi sang chất liệu sơn mài khắc. Dựa trên bức tranh về Nguyễn Trãi chất liệu bột màu trên nền vải của tác giả P.D.TUE vẽ năm 1917, nhóm Latoa Indochine đã chuyển thể thành công bức chân dung sang chất liệu sơn mài với kinh phí xã hội hóa 100%.
Mảng tranh về Phật giáo nổi bật là hai bức “Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn Đồ” và “Hương Vân Đại Đầu Đà”. Bức phóng tác “Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn Đồ” dựa trên bức vẽ từ thế kỷ XIV miêu tả sự kiện Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, rời khỏi động Vũ Lâm trở về được vua Trần Anh Tông cùng các quan ra nghênh đón. Còn bức “Hương Vân Đại Đầu Đà” cũng dựa trên chất liệu phong cách tranh dân gian nhưng miêu tả giải đoạn về sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông từ hành cung Vũ Lâm về Kinh đô và chính thức về núi Yên Tử tu tập lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà.
Với cách thể hiện đặc biệt mới mẻ, nhóm Latoa Indochine mang đến cho những người yêu nghệ thuật một góc nhìn thú vị, đầy sáng tạo về dòng tranh truyền thống của dân tộc, đồng thời, góp phần phát triển một nét văn hóa xưa lên tầm cao mới, hòa quyện giữa dân gian bình dị trong dòng chảy hiện đại, cấp tiến.
Các hình ảnh trong tranh sơn mài khắc đều được thể hiện sắc nét, có chiều sâu và khi quan sát kĩ sẽ thấy tầng tầng lớp lớp màu được mài rất tỉ mỉ. Tất cả những điều đó khiến tranh dân gian trở nên đẹp hơn, hiện đại, sang trọng hơn, giá trị văn hóa nghệ thuật cũng được nâng lên một tầm cao mới.
Ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch Latoa Indochine cho biết các tác phẩm này là thành quả của các nghệ sĩ Latoa Indochine sau một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tác, thử nghiệm về tranh dân gian, sơn mài với trăn trở làm sao để giữ gìn, lan tỏa được di sản văn hóa mà cha ông để lại, đồng thời nâng tầm giá trị tranh dân gian Việt Nam trên chất liệu sơn mài khắc. “Đây là hành trình mà Latoa Indochine đã ấp ủ từ lâu, một hành trình được xây dựng bởi những con người yêu, trân quý nét đẹp văn hóa dân tộc” – ông Phạm Ngọc Long nhấn mạnh.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội khẳng định: “Triển lãm “Con đường” là một sự kiện rất ý nghĩa góp phần quan trọng trong dự án bảo tồn tranh dân gian Việt Nam. Bảo tàng Hà Nội và Latoa Indochine mong muốn qua triển lãm sẽ đưa công chúng trở về, cảm nhận và trân quý dòng tranh dân gian từng vang bóng một thời để từ đó cùng nhau gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống trên chặng đường phát triển mạnh mẽ của thời cuộc”.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 31/12/2022.