Góp phần làm sáng tỏ tiểu sử và thành tựu thơ Hồ Xuân Hương
Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 05:11, 19/10/2022
PGS. TS Vũ Nho là chủ nhân của 116 đầu sách gồm cả sách dịch, viết chung và riêng về văn chương và giáo dục. Ở tuổi 75, cây bút dồi dào năng lượng này vẫn không ngừng làm việc để có thêm những tác phẩm trình công chúng... Cuốn sách mới nhất của ông “Hồ Xuân Hương đời và thơ” vừa ra mắt như một minh chứng cho niềm say mê của “lão nông tri điền” trên cánh đồng chữ. Cùng Người Hà Nội lắng nghe những chia sẻ của ông để hiểu sâu hơn về tập sách này.
PV: Ông từng nói sau cuốn sách“Trên sóng và trong lòng bè bạn” sẽ “gác bút” để nghỉ ngơi. Thế nhưng chỉ chưa đầy một năm sau ông lại miệt mài với những trang bản thảo của tập sách mới. Hẳn rằng ông phải có nhiều duyên cớ?
PGS.TS Vũ Nho: Vâng, duyên cớ thì có nhiều. Nhưng có thể tóm tắt: Thứ nhất, UNESCO vinh danh hai nhà thơ lớn của Việt Nam là Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương. Thứ hai, về tiểu sử, thơ văn của bà chúa thơ Nôm có nhiều điểm mờ, khuyết thiếu. Ấy là chưa kể lại mâu thuẫn. Thứ ba, tôi kính nể bà Hồ Xuân Hương, một tài năng, một kì nữ của Việt Nam và thế giới. Thứ tư, cuốn sách “Giải mã bí ần nữ sĩ Hồ Xuân Hương” của nhà thơ, nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng cung cấp nhiều tư liệu mới. Và cuối cùng, may sao, tôi sẵn có các cuốn sách của các tác giả Hoa Bằng, Đào Thái Tôn, Lê Trí Viễn, Xuân Diệu, nhómTrí thức trẻ… Tôi viết cuốn sách này góp một phần vào việc làm sáng tỏ tiểu sử, thành tựu thơ Nôm và thơ chữ Hán to lớn của bà Hồ Xuân Hương.
PV: Hồ Xuân Hương là nữ sĩ tài năng,độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam và đã có nhiều những nghiên cứu, trang viết về bà. Vậy, khi chọn “bà chúa thơ Nôm” để ra sách, ông có lo ngại sẽ bước vào những “lối mòn” của người viết trước?
PGS.TS Vũ Nho: Thật ra tôi không hề đắn đo hay lo ngại gì cả! Đối với văn học trung đại, nếu chỉ phát hiện được một vài tư liệu mới về tác giả, nhiều khi làm đảo lộn các kết luận trước đó. Mỗi nhà nghiên cứu trong phạm vi hiểu biết và tư liệu của mình, chỉ có thể góp một phần làm sáng tỏ thân thế và sự nghiệp của đối tượng nghiên cứu. Tôi viết cuốn sách này trên tinh thần tiếp thu thành quả của người đi trước, đồng thời làm rõ thêm những điều mà họ chưa có điều kiện làm. Mỗi người có một cách đi và một con đường riêng. Bởi thế mà chẳng có lối mòn nào cả.
PV:Theo như nhan đề “Hồ Xuân Hương đời và thơ” thì cuốn sách đề cập tới nữ sĩ Hồ Xuân Hương cả ở khía cạnh cuộc đời và tác phẩm?
PGS.TS Vũ Nho: Đúng vậy, về cuộc đời của bà Hồ Xuân Hương, như tôi đã viết trong sách là nhiều chỗ mờ, nhiều chỗ khuyết thiếu, thậm chí mâu thuẫn. Tôi đã chọn các vấn đề: Người cha, Năm sinh năm mất, Nhan sắc và học vấn, Hai lần lấy lẽ,; Giao du với bạn bè; Phần mộ; Tư liệu mới về tiểu sử; Niên biểu tóm tắt. Xin nói là tôi không phải là người đầu tiên nói về các vấn đề này. Nhưng tôi căn cứ vào tài liệu các tác giả đã viết để minh định và làm cho người đọc không phải băn khoăn hay nghi ngờ.
Về văn bản thơ của bà, tôi khẳng định Hồ Xuân Hương, tác giả thơ Nôm truyền tụng với Hồ Xuân Hương, tác giả tập thơ chữ Hán và chữ Nôm “Lưu hương kí” là một người. Và giải thích tại sao thơ Nôm của bà mà Anthony Landes thuê người Việt sưu tầm lại không có mặt trong cuốn “Lưu hương kí” do chính bà chọn và nhờ Tốn Phong viết lời tựa. Có lẽ tôi tin rằng đây là điều mà trước tôi chưa ai làm, TS Đào Thái Tôn có giải thích nhưng đáng tiếc là chưa thật thuyết phục lắm.
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về những nội dung quan trọng nhất được đề cập trong cuốn sách này?
PGS.TS Vũ Nho: Thật ra thì một số điều quan trọng về tiểu sử của bà Hồ Xuân Hương như: cha bà là cụ Hồ Phi Diễn hay cụ Hồ Sĩ Danh, năm sinh và năm mất của bà, ông Chiêu Hổ không phải là ông Phạm Đình Hổ thì đã rõ, nhưng ông Chiêu Hổ là ai, ông Mai Sơn Phủ là người thế nào... nhà thơ Nghiêm Thị Hằng đã giải quyết khá rốt ráo. Tôi chỉ góp phần khẳng định thêm.
Còn một số vấn đề cực kì quan trọng khác như Hồ Xuân Hương - tác giả thơ Nôm và Hồ Xuân Hương - tác giả của tập thơ chữ Hán và chữ Nôm “Lưu hương kí” có phải là một người? Phong cách của thơ Nôm trong các bài do Anthony Landes thuê người sưu tầm có gần gũi với phong cách thơ trong “Lưu hương kí”? Những bài thơ Nôm nào chắc chắn là của Hồ Xuân Hương, số lượng là bao nhiêu? Tại sao? Vì sao Hồ Xuân Hương bỏ hầu như hết các bài thơ Nôm mà Landes sưu tầm ra khỏi tập “Lưu hương kí”? Hồ Xuân Hương không chỉ giỏi thơ Nôm mà thơ chữ Hán cũng rất hay, rất độc đáo. Xưa nay đánh giá thơ Hồ Xuân Hương như thế nào? Tại sao khóc ông Trần Phúc Hiển lại không đề tên ông, cũng không đề chức quan của ông là Tham hiệp trấn Yên Quảng mà lại đề “Khóc ông phủ Vĩnh Tường”? Đó là những điều mà tôi đề cập trên cơ sở những nghiên cứu của các học giả tiền bối và những suy ngẫm cá nhân.
PV: Tiếp sau cuốn sách “Hồ Xuân Hương đời và thơ”, liệu rằng ông còn giữ ý định “gác bút” nữa hay không?
PGS.TS Vũ Nho: Thật ra thì tôi vẫn viết phê bình, giới thiệu lai rai. Nhưng để làm sách thì có thể nói là tạm dừng. Vì tôi đang còn những bản thảo hoàn chỉnh như: “Người lính với văn chương” (đã gửi Nhà xuất bản Quân đội nhân dân), “Đồng hành cùng người viết”, “Đổi mới môn Ngữ văn”, “Tiếu lâm Gabrovo” (dịch), “Tất cả trông cậy vào đằng ấy” (dịch) và một số bản thảo bổ sung để tái bản gồm “Thơ cho tuổi thơ”, “Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca”, “Truyện cổ tích dành cho người lớn” (dịch).
PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!