Đưa dâu qua cầu Bến Hải

Truyện - Ngày đăng : 16:22, 30/04/2021

Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu
Đám đưa dâu qua cầu Bến Hải
Cầu vừa bắc xong sơn còn tươi rói
Đôi bờ xanh lúa mới đã ngậm đòng
Nhìn hai họ qua cầu mà nước mắt rưng rưng
Mà sung sướng vui tràn như trẻ nhỏ,

Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa - Cam Lộ
Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau
Gió lâng lâng con sóng vỗ chân cầu
Mà thắt ruột câu hò xưa tê tái
“Bước đến Hiền Lương sao chặng đường dài nghẹn lại
Đáo tới Bến Hải sao gác mái tình duyên…”

Đám cưới hôm nay cũng tự nhiên như là hoa, là lá
Như là chị lấy chồng, như là tôi lấy vợ
Mà hay chưa bỡ ngỡ như chiêm bao
Tôi nhìn sông, nghe sông chảy rì rào
Ai hát đó tưởng như lời tôi hát
Ngắm mây bay, tôi thấy trời bát ngát
Chân người đi rộn rịp quá, người ơi!

Không chỉ là tôi, ai cũng thế, bồi hồi
Ai cũng thế, niềm vui này, tuyệt đỉnh!
Chúng ta đã trải qua ngàn trận đánh
Để bây giờ đất nước được vẹn nguyên
Cho con đò khỏi “gác mái tình duyên”
Và chiếc cầu “chặng đường thôi nghẹn lại”.
Chừng vui quá nên cô dâu bối rối
Mắt thẹn thùng, chen trong đám chị em
Tóc cài hoa với chiếc áo thanh thiên
Mới nắng đó đã đỏ lừ đôi má
Chàng trai bâng khuâng, tay đung đưa trong gió
Sông long lanh, nước sánh đôi bờ
Tiếng nói cười như chim hót sau mưa.

Cảnh Trà
Thôn Hiền Lương - Vĩnh Linh
20/7/1975
Thơ thế hệ nhà thơ chống Mỹ cứu nước
Nxb Hội Nhà văn, 2014


Đưa dâu qua cầu Bến Hải
Cầu Hiền Lương xưa
Lời bình của Phạm Đình Ân

Đã có nhiều bài thơ hay về đại thắng mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là ngày 30 tháng 4 chói ngời lịch sử, kèm theo không ít bài bình xuất sắc. Đưa dâu qua cầu Bến Hải thuộc số những bài thơ rất đáng lưu ý. 

Đây là chuyện kể về một cuộc đưa dâu không bình thường. Đưa dâu qua cầu Bến Hải khi hai miền Nam - Bắc mới giao lưu thông suốt trong và sau năm 1975 là sự kiện hạnh phúc đặc biệt, hiếm có đối với một đôi lứa, hai gia đình, liên quan trực tiếp đến sự kiện về niềm vui trọng đại của đất nước, dân tộc. 

Tại thôn Hiền Lương - Vĩnh Linh năm 1975, tác giả vào vai nhân vật xưng tôi để thuật lại câu chuyện. Chứng kiến sự việc, nhân vật tôi vừa là cá nhân, vừa là người đại diện cho bà con hai phía bờ Bắc - Nam. Trước tiên, mở ra trước mắt nhân vật trữ tình và độc giả là một khung cảnh tươi đẹp: Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu, nhóm người đưa dâu bước qua cái cầu mới Hiền Lương sơn còn tươi roi rói, Nam - Bắc đôi bờ xanh lúa mới đã ngậm đòng. Tất cả góp chung niềm sung sướng vui tràn cùng quê hương, trời đất (sông tưng bừng, gió lâng lâng con sóng vỗ, sóng chảy rì rào, mây trời bát ngát…). Trai gái kết hôn, lúa mới đang ngậm đòng, niềm vui trùng khớp thiên thời địa lợi nhân hòa…

Tuy nhiên, nếu khúc tình ca Câu hò bên bến Hiền Lương đã ngân vang ám ảnh một thời, bày tỏ niềm ước mong cháy bỏng của lứa đôi về ngày sum họp, thì bài thơ Đưa dâu qua cầu Bến Hải như lời đáp lại, rằng niềm ước mong chính đáng kia đã trở thành sự thật mĩ mãn và hôm nay tình yêu được dẫn đến hôn nhân, bất hạnh phải lùi xa, hạnh phúc đã trở về.

Nếu chỉ nói hân hoan, vui sướng một chiều thôi thì hẳn là khó tránh khỏi giản đơn, giả tạo. Bởi lẽ ra, chỉ hai năm, nhưng hai miền đã phải cắt chia trong khổ đau tổn thất vô vàn suốt hai chục năm. Vui đám cưới nhưng không thể không xót xa thắt một câu hò xưa tê tái. Biết bao đôi lứa yêu nhau ngày trước - bằng tuổi bố mẹ, cô dâu, chú rể hôm nay - đã không kịp xe duyên, lỡ làng suốt cả cuộc đời, thậm chí kẻ mất người còn, không tìm thấy xác… Bởi thế, chủ thể trữ tình chứng kiến cùng mọi người đã nhìn hai họ mà nước mắt rưng rưng, nghẹn ngào đó sao. Tuy nhiên, xúc cảm tích cực vẫn là âm hưởng chính của bài thơ. Những từ ngữ chọn lọc khiến thơ đa dạng sắc điệu, nói được các ngõ ngách của xúc cảm mới, tâm lý lạ của một cuộc đưa đón dâu hiếm hoi tại một địa điểm, thời điểm lịch sử có một không hai trước đó và không thể lặp lại sau này.

Hai cặp câu dưới đây như là cố ý của tác giả nói lên toàn bộ tinh thần của bài thơ:

Không chỉ là tôi, ai cũng thế, 
bồi hồi
Ai cũng thế, niềm vui này 
tuyệt đỉnh!
(…)
Sông long lanh, 
nước sánh đôi bờ
Tiếng nói cười như chim hót 
sau mưa.

Bài thơ hay ở tứ, ý, thi ảnh độc đáo, thêm nữa là cách trình bày giản dị, tươi sáng, được bao phủ bởi cảm thức văn hóa dân gian, có vẻ đẹp chân mộc nhưng cũng đủ mức tinh tế khi dựng một câu chuyện bằng thơ về một cuộc đưa dâu thú vị, làm toát lên ý nghĩa cao đẹp, sâu sắc, rộng lớn hơn một cuộc đưa dâu bình thường.

Lời bình Phạm Đình Ân