Trường THCS Trực Đại, Trực Ninh (Nam Định) 60 năm ghi dấu một chặng đường: Bài 1- Về miền đất học
Tin tức - Ngày đăng : 11:23, 11/07/2022
Chuỗi thành tựu trường đạt được xứng đáng như vết son tô thắm thêm trang vàng truyền thống “đất học” Thành Nam văn hiến "địa linh nhân kiệt".
Thư ngỏ nhân Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THCS Trực Đại- Trực Ninh (Nam Định)
Trường THCS Trực Đại, Trực Ninh (Nam Định) 60 năm ghi dấu một chặng đường: Bài 2- Hai lần Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương
Ban Giám hiệu Trường THCS Trực Đại chụp ảnh kỷ niệm tại một sự kiện giao lưu truyền thống
“Làng giáo viên”
Biết chúng tôi đang tìm đường đến Trực Đại, một cụ già nhanh nhảu nói: "Các chú hỏi nhà ai tôi chỉ cho. Người xã đó đi học, thoát ly nhiều thường có khách hỏi thăm. Chú đi thẳng khoảng 01 km nữa đến Trực Đại. Nhà nào trong xã cũng đua nhau cho con học. Hoàn cảnh éo le mấy họ cũng cố xoay cho con tới lớp. Anh họ tôi có 8 con trai đến 7 người học trên đại học, một người học cao đẳng. Cả 8 người đang công tác, sinh sống ở Hà Nội nhưng khi bố mẹ khuất núi họ bảo nhau mua mảnh đất ở quê xây nhà thờ. Mỗi dịp giỗ chạp, lễ tết tất cả con cháu về quê ôn lại quá khứ thời đi học của từng thành viên".
Khi chúng tôi chưa hết ngỡ ngàng, một bà cụ đi ngang chen lời: “Các anh chạy qua cầu 12 sẽ đến ngay… “làng giáo viên” của xã. Gọi là “làng giáo viên” bởi số lượng công dân trong làng đã, đang dạy học trong và ngoài địa phương rất đông. Nhiều gia đình mấy đời nhà giáo. Có nhà từ bố mẹ đến con trai, con gái, con dâu, con rể đều đứng trên bục giảng,…”- cụ bà tâm đắc.
Trực Đại là miền quê thuần nông nằm bên dòng Ninh Cơ thơ mộng; cách tỉnh lỵ TP. Nam Định hơn 20km, có phong trào học tập ít nơi làm được. Từ cuộc sống lam lũ một nắng hai sương của người nông dân mà lâu nay, lớp trẻ cứ lớn lên là ý thức gắng học. Họ coi trọng "con chữ" hơn bất cứ thứ gì. Những khát khao con trẻ mong thoát khỏi nỗi cơ cực như ông, bà phơi nắng, mưa giữa đồng ruộng được gửi gắm, nhen nhóm ngay từ ngày còn ngồi trên ghế trường cơ sở. Tinh thần lập thân bằng con đường khoa cử được truyền nối qua nhiều đời trong các dòng họ người Trực Đại. Có gia đình mẹ làm ruộng, bố quanh năm phụ hồ cũng chỉ chắt chiu cho con cắp sách vào trường. Không ít người thành danh Giáo sư, Tiến sỹ, Bác kỹ, kỹ sư,… từng được nung nấu trong những giọt mồ hôi chát mặn của đấng sinh thành.
Nhiều học sinh lúc ngồi trên ghế nhà trường nghe tấm gương anh, chị vượt khó học giỏi mà được khích lệ noi theo. Những câu chuyện chăm cho sự học ngày càng bồi đắp thêm bề dày kỳ tích đáng kinh ngạc của ngôi trường cơ sở nơi vùng quê yên ả, từng nâng bước xiết bao ước mơ thành hiện thực. Để hôm nay, thầy và trò nhà trường lại hãnh diện ngân cao tiếng hát tự hào về một thời rất đỗi vinh quang nhưng cũng thấm đẫm gian nan người đi trước.
Học sinh tham gia hoạt động tuyên truyền "Công dân toàn cầu chung tay vì một Trái Đất không rác thải nhựa"
Trường THCS Trực Đại đóng tại vị trí trung tâm xã, thôn Trung Khuân, bao năm nay mệnh danh “lò” đào tạo học sinh giỏi. Thầy Đỗ Thục Phán- Hiệu trưởng nhà trường, thổ lộ: Trường luôn quan tâm đầu tư về đội ngũ và cơ sở vật chất cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Giáo viên đa số tâm huyết, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi. Chất lượng, kết quả các đội tuyển của trường duy trì, nâng cao từng năm học. Nhiều năm liền đồng đội học sinh giỏi của trường xếp thứ Nhất toàn huyện. Năm học 2021-2022, trường đạt 104 giải, tiếp tục xếp thứ 1/21 trường của huyện. Lãnh đạo nhà trường thường xuyên chỉ đạo công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Nhờ đó, chất lượng các bộ môn ngày càng được cải thiện. Những môn thi hoặc kiểm tra do Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo, chất lượng chung của khối thường đạt và vượt so với bình quân của huyện, đặc biệt là các môn Ngữ văn và Toán các khối lớp. Chất lượng hoạt động giáo dục nhà trường luôn xếp trong tốp đầu các trường THCS toàn huyện.
Để có kết quả học tập tốt, trường triển khai thực hiện tích cực các cuộc vận động, phòng trào thi đua, như: "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”; phong trào “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”; “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”; phong trào "Tuổi trẻ học đường làm theo lời Bác"; "Xã hội hóa học tập";... Nhà trường luôn chú trọng duy trì số lượng học sinh, áp dụng có hiệu quả các biện pháp nâng cao tỉ lệ phổ cập giáo dục các bậc học phổ thông. Công tác phổ cập giáo dục và nâng cao tỉ lệ theo học các bậc học các loại hình trong năm học nhà trường triển khai một cách nghiêm túc, đạt hiệu quả cao trong suốt năm học, được Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp và Phòng GD&ĐT huyện công nhận đạt phổ cập giáo dục mức độ 3 năm 2021.
Từ sự quan tâm của chính quyền địa phương nên cơ sở vật chất (CSVC) nhà trường được đầu tư hiện đại. Năm học 2021-2022, UBND huyện xây dựng một đơn nguyên mới với tổng số tiền là 15 tỉ đồng. Mặt khác, trường còn làm tốt công tác xây dựng, bổ sung, quản lý, sử dụng CSVC thiết bị dạy học; tiết kiệm các khoản chi thiết lập 20 phòng học trực tuyến. Cha mẹ học sinh nhiệt tình ủng hộ các nội dung kế hoạch năm học của trường, đầu tư xây mới nhà vệ sinh; mua sắm, bổ sung các công trình và thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục,..
Ứng phó kịp thời diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid19, trường có 100% giáo viên dạy trực tuyến, góp phần duy trì nề nếp, củng cố kiến thức kĩ năng, phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học.
Trong tiến trình phát triển, Trực Đại hình thành nhiều nét văn hóa độc đáo. Trong đó, có truyền thống ham học như mạch nguồn bền sâu âm ỉ chảy trong đời sống tinh thần cộng đồng cư dân. Những giá trị cốt lõi nhân văn tự ngàn xưa vẫn luôn được cháu con nâng niu, tiếp nối. Ngọn lửa hiếu học được lớp lớp học sinh thắp lên dưới mái trường THCS- nơi nuôi dưỡng, hun đúc hiền tài cho quê hương, đất nước. Để thu được thành quả vượt trội, ít người biết các bậc tiền bối nhà trường từng trải qua quãng thời gian đầy khốn khó… Bài 2: Hai lần Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương