Hãy giữ món quà Bác Hồ tặng cho thiếu nhi Thủ đô
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:03, 03/06/2021
“Quần thể Cung thiếu nhi Hà Nội bao gồm tòa nhà Pháp cổ, nơi Bác Hồ ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và dãy nhà 6 tầng do KTS Lê Văn Lân thiết kế với kiến trúc rất độc đáo. Đây là món quà Bác Hồ tặng cho thiếu nhi Thủ đô khi chính phủ cách mạng tiếp quản tòa nhà Ấu trĩ viên từ thời Pháp thuộc nên rất quý giá. Nghệ sĩ, biên đạo múa Nguyễn Văn Bích, nguyên Phó Giám đốc Cung thiếu nhi Hà Nội nhấn mạnh khi trò chuyện với phóng viên tạp chí Người Hà Nội.
Nghệ sĩ, biên đạo múa Nguyễn Văn Bích. Ảnh: Hoàng Anh.
PV: Gần đây dư luận đặc biệt quan tâm đến câu chuyện Thành phố Hà Nội khởi công xây dựng một cung thiếu nhi mới tại khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm. Bên cạnh niềm vui thiếu nhi Thủ đô sẽ có thêm một địa chỉ để sinh hoạt, vui chơi thì cũng có không ít nỗi băn khoăn về tương lai của Cung thiếu nhi Hà Nội trên phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Là một người dành cả tuổi thanh xuân góp sức vào sự trưởng thành, lớn mạnh của ngôi nhà của tuổi thơ, ông có cảm xúc và suy nghĩ gì trước câu chuyện này?
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích: Từ năm 1950 đến năm 1955, tôi có may mắn được tham gia sinh hoạt hướng đạo, lớp Sói Con, một tuần 2 buổi tại Ấu trĩ viên (tên gọi của Cung Thiếu nhi Hà Nội thời Pháp thuộc). Sau khi đất nước thống nhất, từ chiến dịch Hồ Chí Minh trở về, tôi đã chính thức trở thành thành viên của Cung thiếu nhi Hà Nội, từ năm 1976 đến năm 2002, đầu tiên làm việc tại khoa nghệ thuật sau là phó giám đốc. Trong mấy mươi năm ấy, tôi được chứng kiến những bước trưởng thành của ngôi nhà tuổi thơ này, từ Câu lạc bộ thiếu nhi đến Nhà văn hóa thiếu nhi và đến năm 1985 là Cung thiếu nhi Hà Nội; từ hình thức tuyển sinh chuyển sang hình thức chiêu sinh; từ vài ngàn tăng lên vài chục ngàn học viên sinh hoạt, nhất là vào mùa hè. Đây cũng là nơi ươm mầm biết bao tài năng cho đất nước, là các ca sĩ Hồng Nhung, Thanh Lam, Ngọc Khuê…; là những vận động viên tiêu biểu như kiện tướng bóng bàn Quốc Hoàng, Kim Hạnh, kiện tướng cầu lông Hồng Hạnh, “công chúa”cờ vua Hoàng Thanh Trang…; là những tấm gương tiêu biểu trong công tác xã hội như: Trần Kim Lan, Đoàn Hương, Tạ Bích Loan, Phi Tiến Sơn… Nơi đây cũng luôn rộn ràng những liên hoan các dàn hợp xướng thiếu nhi, liên hoan tiếng hát tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật của trẻ em thiệt thòi, tiếng hát trăng rằm, tiếng hát họa mi, tiếng hát tuổi thơ, thi võ thuật, bóng bàn, cờ vua, tin học…; nơi có Đoàn nghệ thuật Măng Non thường xuyên đi biểu diễn quốc tế; nơi từng đón nhiều các nguyên thủ quốc gia khi đến thăm Việt Nam; nơi gặp gỡ, giao lưu của thiếu nhi Hà Nội với các đoàn thiếu nhi quốc tế… Thời tôi làm quản lý, hầu như năm nào vào dịp hè Đoàn nghệ thuật Măng Non đi biểu diễn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước...
Mới đây, khi nghe tin Hà Nội sẽ có thêm một cung thiếu nhi ở phía Tây thành phố, tôi đã rất vui - niềm vui của người bao năm làm công tác thiếu nhi, hiểu được các em rất cần những sân chơi, nơi sinh hoạt bổ ích cho tuổi thơ hồn nhiên của mình. Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đến thế hệ tương lai của đất nước.
Tuy nhiên, niềm vui ấy chỉ trọn vẹn nếu hai cung thiếu nhi đồng thời hoạt động một cách hiệu quả và thực sự là nơi chắp cánh những ước mơ của tuổi thơ. Song, tôi đã không khỏi băn khoăn, trăn trở khi giờ đây vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng về số phận của ngôi nhà tuổi thơ có gần 70 năm tuổi đời nằm trên phố Lý Thái Tổ sẽ ra sao.
PV: Đó là những băn khoăn, trăn trở gì, thưa ông?
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích: Tôi không khỏi trăn trở trước giả thiết: nếu chỉ có cung thiếu nhi mới ở Cầu Giấy hoạt động thì mới đáp ứng được nhu cầu của thiếu nhi đang sinh sống tại các quận huyện phía Tây thành phố như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức… Còn thiếu nhi các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Long Biên... cũng như các thế hệ phụ huynh sẽ không khỏi bị hụt hẫng vì cái nếp sinh hoạt năng khiếu đã được duy trì trong suốt gần 70 năm qua tại địa chỉ đỏ 36 - 38 Lý Thái Tổ chỉ còn lại trong ký ức cùng biết bao tiếc nuối.
Cùng với đó, trong nhiều năm qua đã có không ít thông tin về việc xây cung thiếu nhi mới thay thế cho cung thiếu nhi hiện thời vì lý do cơ sở vật chất của cung này đã xuống cấp. Thế nhưng, theo như tôi được biết, từ nguồn kinh phí không nhỏ của thành phố, Cung thiếu nhi Hà Nội đã được sửa chữa, tu bổ nhiều lần, trong đó có đợt sửa chữa, tu bổ gần đây nhất cách đây 2 năm. Dãy nhà 6 tầng do kiến trúc sư Lê Văn Lân thiết kế nối với tòa nhà Pháp cổ ôm chứa câu chuyện lịch sử: Bác Hồ ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 vẫn vững chãi với thời gian, như là một biểu tượng cho sự quan tâm đến thế hệ tương lai của Bác Hồ và Thành phố Hà Nội trong suốt hơn 6 thập kỷ qua.
Gần đây cũng có ý kiến cho rằng hoạt động của Cung thiếu nhi kém hiệu quả. Theo tôi, đây là vấn đề cần nhìn thẳng vào thực tế để tìm ra nguyên do tháo gỡ.
PV: Vậy những vướng mắc mà Cung thiếu nhi Hà Nội đang gặp phải trong hoạt động hiện nay là gì và ông có kiến nghị gì?
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích: Đó là vướng mắc về cơ chế tự chủ hoàn toàn mà Cung thiếu nhi phải thực hiện từ năm 2020, đúng vào năm dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện và hoành hành. Dịch bệnh khiến đơn vị không thể chiêu sinh. Vì cơ chế tự chủ hoàn toàn mà đơn vị không được tiếp tục cho thuê các dịch vụ chiếu phim, rạp hát, dịch vụ xung quanh, khu vui chơi… - một nguồn thu xã hội hóa, hỗ trợ ngân sách Nhà nước trong nhiều năm qua. Vì vậy, thời gian gần đây, đời sống của cán bộ công nhân viên gặp rất nhiều khó khăn.
Dãy nhà 6 tầng của Cung thiếu nhi Hà Nội do kiến trúc sư Lê Văn Lân thiết kế vẫn vững chãi với thời gian, như là một biểu tượng cho sự quan tâm đến thế hệ tương lai của Bác Hồ và Thành phố Hà Nội trong suốt hơn 6 thập kỷ qua. Ảnh: Hoàng Anh.
Theo tôi, cần cân nhắc xem lại cơ chế tự chủ hoàn toàn đối với một đơn vị hoạt động mang tính đặc thù như Cung thiếu nhi Hà Nội. Bởi lẽ, đây là phúc lợi cuối cùng dành cho thiếu nhi, là nơi nâng niu, ấp iu cho những tâm hồn trong trẻo, thơ ngây của trẻ thơ nên rất cần một môi trường thực sự trong lành chứ đừng quá xô bồ, quá cơ chế thị trường. Cùng với đó, những người gắn bó cả cuộc đời để xây đắp những ước mơ của tuổi thơ cũng cần có một tâm hồn ăm ắp niềm vui để thảnh thơi gieo trồng mầm xanh tương lai chứ không thể gánh cái cơ chế tự chủ hoàn toàn, suốt ngày âu lo chuyện cơm áo gạo tiền. Vì vậy, nhiều thế hệ cán bộ, phụ huynh, và các thiếu nhi trưởng thành chúng tôi đề xuất nên có nguồn ngân sách hỗ trợ lương cơ bản cho cán bộ, công nhân viên hiện vẫn đang làm việc tại cung.
Khi có được cơ chế hoạt động phù hợp, tôi tin rằng ban giám đốc cũng như cán bộ công nhân viên tâm huyết của Cung thiếu nhi Hà Nội sẽ đổi mới cách thức quản lý, dốc lòng, dốc sức nối tiếp truyền thống để dựng xây ngôi nhà này tiếp tục ăm ắp những tiếng cười của trẻ thơ. Theo tôi, không gì bằng: đồng thời với việc xây cung thiếu nhi mới là việc giữ lại Cung thiếu nhi Hà Nội ở địa chỉ 36 - 38 Lý Thái Tổ. Đó chính là giữ lại cho các em thiếu nhi Thủ đô món quà mà Bác Hồ đã trao tặng, bằng tất cả tình yêu, niềm tin mà ngày ngày chúng ta vẫn nói: Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai, Hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em!...