Trạm thu phí bỏ hoang: “Cái bẫy” cho người tham gia giao thông

Tin tức - Ngày đăng : 21:11, 17/06/2021

Hết thời gian thu phí, chủ đầu tư rút đi nhưng lại “quên” không tháo dỡ khiến cho những trạm thu phí bỏ hoang trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông với không ít vụ tai nạn chết người xảy ra.
Những "cái bẫy" giữa đường
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến các trạm thu phí bỏ hoang. Đơn cử như, 0 giờ 30 phút ngày 28/4/2021, chiếc xe tải do tài xế Nguyễn Xuân Trường (SN 1979, trú tại xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) điều khiển đi tới địa phận xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh bất ngờ đâm thẳng vào các trụ ngăn cách ở Trạm thu phí Cầu Rác rồi lật nằm ngang đường, đầu biến dạng.
Tại hiện trường, đầu xe bẹp nát, bánh găm vào các cột bê tông của trạm, nhiều dải phân cách cứng bị xô nghiêng. Tài xế Nguyễn Xuân Trường may mắn thoát nạn khi chỉ bị trầy xước ngoài da.
Trước đó, vào khoảng 21 giờ 45 phút ngày 22/4, tại khu vực Trạm thu phí cầu Đồng Nai (Quốc lộ 1, phường An Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng làm một người tử vong. Nạn nhân là anh Rah Lan Ngoel (21 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) điều khiển xe máy lưu thông trên Quốc lộ 1 theo hướng Đồng Nai - TP Hồ Chí Minh, khi đến Trạm thu phí cầu Đồng Nai đã tông vào “mũi tàu” bê tông phân luồng qua trạm thu phí. Cú va chạm đã làm nạn nhân văng đập vào cabin thu phí tử vong tại chỗ.
Tương tự, Trạm thu phí Bỉm Sơn đặt tại Km286+397, Quốc lộ 1A, thuộc địa phận phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã dừng hoạt động từ ngày 10/8/2017 và bị bỏ hoang đến nay không được tháo dỡ. Sau nhiều năm bỏ hoang giữa quốc lộ, các hạng mục của trạm thu phí đều bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Hệ thống các cabin thu phí cửa đóng, then cài phủ đầy bụi, trở thành "cái bẫy" gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.
Chủ đầu tư phải có trách nhiệm dọn dẹp
Được biết, trước đây, khi xây dựng hợp đồng BOT không có chủ trương dừng thu phí. Khi chuyển sang thực hiện Luật Đường bộ, đặc biệt là Nghị định liên quan việc giảm phí chồng phí, khi tạm dừng trạm thu phí và chuyển giao cho Nhà nước thì Nhà nước có trách nhiệm tháo dỡ. Tuy nhiên, việc chuyển giao này tương đối phức tạp. Cụ thể, khi trạm thu phí chuyển từ DN BOT về Nhà nước bắt buộc phải có quyết định của Bộ Tài chính xác định công trình thuộc sở hữu toàn dân.
Sau đó, Bộ GTVT mới có thể đưa ra các quyết định liên quan đến việc tháo dỡ trạm. Do trình tự, thủ tục tương đối phức tạp nên để có thể tháo dỡ một trạm thu phí hết thời hạn hoạt động cũng mất khá nhiều thời gian. Đơn cử như Trạm BOT hầm Đèo Ngang, từ khi bàn giao đến khi tháo dỡ trạm cũng mất từ 2 - 3 năm làm thủ tục.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, tất cả các trạm thu phí hết thời hạn thu đều phải sớm dỡ bỏ để bảo đảm ATGT cho người đi đường. “Trạm thu phí khi hoạt động sẽ có nhân viên, hệ thống đèn báo, hướng dẫn các phương tiện nên bảo đảm được ATGT. Nhưng khi không hoạt động nữa, nhân viên rút đi và hệ thống tín hiệu, đèn báo bị hư hỏng, thật sự là hiểm họa đối với người đi đường” - ông Nguyễn Văn Thanh nói.
Chuyên gia giao thông này cho rằng, việc tháo dỡ các trạm thu phí bỏ hoang để bảo đảm ATGT cũng như bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân khi tham gia giao thông là vấn đề cấp bách. “Để tháo dỡ một trạm thu phí ngừng hoạt động mà mất 2 - 3 năm là quá chậm chạp” - chuyên gia Nguyễn Văn Thanh bày tỏ.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu thủ tục chuyển giao trạm thu phí dừng hoạt động từ DN về cho Nhà nước mất thời gian như thế thì nên chăng chúng ta cần sửa lại quy định. Thay vì Nhà nước chịu trách nhiệm tháo dỡ các trạm thu phí, hãy để cho chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy vừa đỡ mất một khoảng thời gian tiêu tốn với các trình tự, thủ tục chuyển giao, vừa ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án BOT giao thông.

KTĐT