Phê bình văn học trên Tri tân tạp chí

Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 16:39, 03/07/2021

Tiếp nối các loại báo chí nghiêng về khảo cứu văn hóa đầu thế kỷ XX, vào chặng cuối thời thực dân và đêm trước của Cách mạng tháng Tám 1945 đã xuất hiện thêm hai cơ quan ngôn luận học thuật đặc biệt quan trọng là Thanh nghị (1941- 1945) và Tri tân tạp chí (1941 - 1945). Nói riêng tạp chí Tri tân là tờ tuần san được ấn bản tại Hà Nội, khuôn khổ 20 x 26 cm, dung lượng phần nhiều 24 trang. Số tạp chí Tri tân đầu tiên ra mắt bạn đọc ngày 3/6/1941 đến số cuối ra ngày 22/11/1945, cộng 212 số. Trên thực tế, tạp chí Tri tân còn được “tục bản” với tên gọi Tri tân mới nhưng chỉ in được đúng 2 số (ra ngày 6/6/1946 và 16/6/1946). Như vậy, tạp chí Tri tân xuất bản được tổng cộng 214 số.

Sáng tác gắn với lịch sử quốc gia, dân tộc

Bên cạnh bộ phận khảo cứu, nghiên cứu văn học vốn làm nên đặc tính của tạp chí Tri tân thì các sáng tác cũng có những đóng góp quan trọng. Có một điểm dễ thấy là hầu hết các sáng tác nghiêng về tính duy lý, hướng tới những đề tài nghiêm túc, gắn với lịch sử quốc gia, dân tộc. Cùng là thơ ca nhưng ở đây nhấn mạnh cảm hứng lịch sử, kịch thơ lịch sử, rất hiếm lối thơ trữ tình lãng mạn kiểu Tự lực văn đoàn. Cùng là văn xuôi nhưng các tác phẩm ở đây thiên về ghi chép lịch sử, du ký, truyện ngắn và tiểu thuyết lịch sử (kiểu các tiểu thuyết An Tư, Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng; Bà Quận Mỹ, Cháy cung Chương Võ, Thoát cung vua Mạc của Chu Thiên Hoàng Minh Giám…). Cùng là kịch nhưng ở đây là kịch lịch sử (kiểu như Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, Hưng Đạo của Trần Văn Bích…). Có thể thấy rất rõ cảm hứng lịch sử trong toàn bộ các sáng tác trên tạp chí Tri tân vào giai đoạn đêm trước của Cách mạng tháng Tám.

Với sáng tác tác văn học, vai trò chủ thể tác giả bao giờ cũng giữ một vị  trí đặc biệt quan trọng và điều này càng sắc nét hơn ở các tác phẩm du ký in trên tạp chí Tri tân. Bởi lẽ với du ký, bản thân tác giả phải là nhân vật thứ nhất, chủ thể trực tiếp đi, xem, nghe, trải nghiệm và tường tả lại chuyến du hành theo quan niệm và cách thức của mình. Khác với nhiều thể loại, thể tài văn học khác, văn du ký có thể bay bổng nhưng xa lạ, dị ứng với mọi sự hư cấu, tưởng tượng đi quá xa sự thật. Thêm nữa, khác với các thể tài, tiểu loại ký - phóng sự khác, chủ thể tác phẩm du ký đa phần là các ký giả nhà văn, trí thức, quan chức và tầng lớp trên nên có điều kiện du ngoạn, đi xa thăm thú, tìm hiểu, khám phá các vùng đất mới. Nói khác đi, đây là thể tài cơ bản gắn với tầng lớp trên, tầng lớp hữu sản và nhiều phần hướng đến mỹ cảm “vị nghệ thuật”, những cuộc thăm viếng, du hành, du lịch và mở mang kiến thức.

Nhìn rộng ra, tạp chí Tri tân đã in trên bốn chục bài viết theo phong cách ký, ký sự, du ký, ghi chép, hồi ức liên quan đến đề tài du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, sinh thái, mỹ thuật, điều tra xã hội học... Các tác phẩm này cung cấp kiến thức  liên quan đến các di tích lịch sử lớn trong nước (từ vùng Tây Bắc, hồ Ba Bể, Sa Pa, vùng Hà Nội - Huế - Nam Trung Bộ - Sài Gòn - Tây Nguyên...); có ý nghĩa địa chí phong tục và dân tộc học, ghi nhận chứng tích các địa chỉ lịch sử - văn hóa một thời, giúp người đọc sống trong tâm thức “khảo cổ” về đời sống tinh thần dân tộc giai đoạn 1941 - 1945. Các thiên du ký này thực sự có giá trị lâu dài, góp phần phục vụ các chuyên ngành khoa học xã hội, các cơ sở văn hóa, các hướng dẫn viên, học sinh ngành du lịch cũng như người yêu văn học nói chung.

Luôn theo sát đời sống văn học

Khác với các công trình khảo cứu, tiếng nói phê bình trên tạp chí Tri tân chủ yếu hướng tới trao đổi, luận bình, đọc sách, điểm sách, trong đó chiếm phần quan trọng là các bài phân tích, giới thiệu các tác giả - tác phẩm cụ thể.

Phê bình văn học trên Tri tân tạp chí
Số mở đầu của tạp chí Tri tân. Ảnh tư liệu. 

Phê bình văn học trên Tri tân tạp chí
Tròn 80 năm tạp chí Tri tân được xuất bản ở Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Bên cạnh việc đăng trọn vẹn cả công trình văn học sử, tạp chí Tri tân cũng luôn chú trọng đến giới thiệu thành quả viết văn học sử đến công luận. Mối quan tâm, theo dõi sát sao này thể hiện rõ ở nhiều bài viết mang tính thời sự, cập nhật thông tin. Chẳng hạn trong phần Văn chương ở sách Đại Việt văn học lịch sử, Nguyễn Sĩ Đạo có điểm danh các tác giả chính song hết sức sơ lược, vắn tắt và hầu như không phân tích tác phẩm nên Hội Thống Vũ Văn Lợi trong bài Đọc “Đại Việt văn học lịch sử” đã chỉ trích về nỗi “tóm tắt quá”, “quyển Đại Việt văn học lịch sử chỉ có thể gọi được là Đại Việt văn học sử lược”, “gọi là văn học sử lược có lẽ đúng hơn” (tháng 7/1941). Thêm nữa, việc tác giả nhấn mạnh đề mục Các nữ thi sĩ ở phần Cận cổ thời đại - dấu hiệu ảnh hưởng rõ nét từ Nữ lưu văn học sử, kể cả những sai lẫn về tư liệu - đã khiến Long Điền Nguyễn Văn Minh lên tiếng phê bình, đính chính trong bài Từ quyển “Nữ lưu văn học sử” của ông Sở Cuồng đến quyển “Đại Việt văn học lịch sử” của ông Nguyễn Sĩ Đạo (tháng 12/1941)... 

Phê bình văn học trên Tri tân tạp chí

Phê bình văn học trên Tri tân tạp chí
Số 205 của tạp chí Tri tân đăng tin đoàn nhà báo gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Vào đầu năm 1942, những tập đầu bộ Việt Nam văn học của Ngô Tất Tố đã đến tay bạn đọc. Theo công bố ở bìa 4 thì bộ sách gồm 6 tập: Lý triều văn học, Trần triều văn học (I và II), Lê triều văn học (I và II), Nguyễn triều văn học. Ngoài phần Lời bàn chung và Kết luận, sách giới thiệu “tất cả 23 tác gia, vừa vận văn vừa tản văn trên ba chục bài”... Tiếp đến Tập 2, Quyển 1 có tên Văn học đời Trần (1942) giới thiệu 7 tác gia và một nhà vô danh. Ưu điểm chung của phần viết này chủ yếu là các tư liệu được sắp xếp theo thứ tự, tác phẩm được in cả nguyên văn chữ Hán, có đủ phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, chú dẫn. 

Tuy nhiên, ngay khi sách mới ra đời, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đã có ý kiến: “Nếu dụng công tra xét tìm tòi, thì bộ Việt Nam văn học là một bộ sách có giá trị lắm, vì ông Ngô Tất Tố đã sưu tầm được nhiều tài liệu; nhưng ông không chịu kê cứu, cho nên còn nhiều khuyết điểm”, đồng thời nêu ra những chỗ sai dị về tư liệu cũng như dịch thuật (tháng 8/1942). Sự thể này khiến cho hai ông Văn Tố và Tất Tố cùng “tố” nhau đến gần mươi trang tạp chí Tri tân. Song vấn đề quan trọng nhất do Nguyễn Văn Tố đưa ra: “Như thế là một thứ “Việt Hán văn tuyển”, chưa hẳn là “Việt Nam văn học sử” đã được Ngô Tất Tố xác nhận kèm theo lời giải thích và phản bác: “Không, tôi chỉ soạn sách “Việt Nam văn học”, không hề nhận nó là “Việt Nam văn học sử”. Vì sợ người ta hiểu lầm, nên ở bài tựa tập một, tôi đã nói rõ thế rồi. Nhưng gọi nó là “Việt Hán văn tuyển” thì rất không đúng” (tháng 9/1942). Điều này cho thấy ngay người đương thời cũng nhận thức rõ sách Việt Nam văn học chưa đảm bảo tính cách một bộ văn học sử và bản thân khoa văn học sử vẫn đang đi những bước ban đầu.

Những bài phê bình văn học đương đại trên tạp chí Tri tân có số lượng khá lớn với trên mười cây bút phê bình, trong đó có nhiều cây bút đã được khẳng định chắc chắn như: Nguyễn Văn Tố, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi…; nhưng cũng có một số tác giả giờ đây còn ít được biết đến và chắc chắn phải có một vị trí nhất định trong lịch sử phê bình văn học giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX như: Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Hoàng Thiếu Sơn, Phạm Mạnh Phan… Tạp chí luôn tỏ ra theo sát đời sống văn học: bình luận, phê bình những tác phẩm mới ra, phỏng vấn các nhà văn, ghi lại các cuộc diễn thuyết văn học, tổ chức kỷ niệm các danh nhân văn hóa dân tộc. Hầu hết các tác phẩm đáng chú ý xuất hiện vào những năm đó đều đã được giới thiệu, phê bình kịp thời: Quê người (Tô Hoài), Thiếu quê hương (Nguyễn Tuân), Chân trời cũ (Hồ Dzếnh), Chồng con (Trần Tiêu), Việt Nam văn học sử yếu (Dương Quảng Hàm), Nhà văn hiện đại (Vũ Ngọc Phan), Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh - Hoài Chân)… 

Rất đáng chú ý là các bài bình điểm toàn cảnh văn học các năm 1941, 1942, 1943, 1900 -1940 do Lê Thanh và Kiều Thanh Quế thực hiện. Bên cạnh giá trị văn học sử, các bình giả còn nêu tấm gương về về ý thức nghề nghiệp, sự chuyên môn hóa tự nguyện của người làm phê bình văn học. Ngoài ra, Tri tân cũng nhiều lần công kích những tác phẩm kém, đạo văn, viết ẩu, những văn phẩm khiêu dâm, loại ấn phẩm đầu độc tinh thần thanh niên… Tiêu biểu cho tiếng nói phản biện có Phạm Mạnh Phan: Văn hóa chân chính: Bài trừ những cán bút có hại (số 5), Kết án những nhà xuất bản vô lương (số 7), Chữa nạn thanh niên trụy lạc: Hãy đốt hết những sách khiêu dâm (số 10), Hội Thống Vũ Văn Lợi: “Tùy bút” hay là “Thi vị cuộc sống” (số 10), Hoa Bằng: Vài cái liệt điểm của một số nhà văn ta (số 54), Kiều Thanh Quế: Cuộc kỳ ngộ của Lan Khai - Zweig: “Tội và thương” gặp “La peur” (số 43), Phê bình quảng cáo (số 98), Phê bình vở “Jalousie” của Sacha Guitry biến thể trong “Ghen”, kịch ba hồi của Đoàn Phú Tứ (số 76)…

Trên cả hai phạm vi sáng tác và phê bình, tác tác giả trên tạp chí Tri tân không chỉ hướng đến đề cao tinh thần dân tộc, yêu nước, tự hào về truyền thống văn hiến ngàn năm mà còn tích cực lên tiếng đấu tranh, phê phán mạnh mẽ những xu thế, nhóm phái và tác phẩm sai trái, lệch lạc. Dù chưa đi vào trung tâm đời sống chính trị, đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng những định hướng và thực tiễn các tác phẩm in trên tạp chí Tri tân nói trên cũng thực sự có ý nghĩa, có đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chống đế quốc, giải phóng dân tộc đương thời và lưu lại những sử liệu quý giá cho đời sau.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn