Lưu trữ, bảo quản, số hóa phim Việt: Bồi đắp vốn di sản văn hóa
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:09, 04/07/2021
Cán bộ thực hiện số hóa phim tại Viện Phim Việt Nam. Ảnh: Thụy Du
Khó bảo quản phim nguyên vẹn
Trong tháng 6 vừa qua, khán giả điện ảnh Việt Nam, đặc biệt các em nhỏ được “đã” mắt thưởng thức 50 phim hoạt hình tiêu biểu trong “Tuần phim hoạt hình Việt Nam trên VTVGo”. Các tác phẩm vừa mang tính giải trí, vừa có những bài học giáo dục ý nghĩa, lại được phát sóng trên nền tảng số, nên dễ dàng thu hút khán giả.
Trước đó, Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam cùng Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (Đài Truyền hình Việt Nam) đã tổ chức thành công 2 đợt “Tuần phim Việt trên VTVGo”, với chủ đề phim chuyển thể văn học và phim Tết. Tại đây, khán giả đã được theo dõi nhiều thước phim sống động của điện ảnh Việt Nam trên nền tảng số, như: “Vợ chồng A Phủ”, “Chị Tư Hậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Đừng đốt”… Trong đó, có phim nhựa đã sản xuất từ cách đây nửa thế kỷ, được bảo quản, giữ gìn và số hóa.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (phường Thành Công, quận Ba Đình) chia sẻ: “Thật bất ngờ khi được thưởng thức những thước phim điện ảnh cách mạng trên nền tảng số. Ngoài phim truyện, còn có nhiều phim hoạt hình rất bổ ích cho trẻ em dịp hè này”.
Tuy nhiên, công tác lưu trữ, bảo quản và số hóa phim Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều thách thức. Viện Phim Việt Nam - cơ quan lưu trữ hình ảnh động quốc gia, có kho lưu trữ lớn nhất cả nước với gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại và một số lượng lớn băng, đĩa ở nhiều định dạng khác nhau.
Theo Phó Trưởng phòng Bảo quản (Viện Phim Việt Nam) Đinh Thị Thúy Chinh, Viện đang thực hiện in chuyển phim nhựa sang định dạng kỹ thuật số 4K, trong đó có nhiều phim mang giá trị lịch sử, văn hóa. Song, số lượng phim nhựa xuống cấp còn nhiều, trong khi trang thiết bị, máy đọc, tu sửa, phục hồi đang dần hạn chế vì các hãng ngừng sản xuất; thiết bị chuyển đổi số còn chưa đủ đáp ứng…, nên khó bảo quản phim nguyên vẹn.
Tương tự, Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương cũng đang lưu trữ gần 12.000 phim nhựa và video sản xuất từ năm 1956 đến nay, trong đó nhiều phim ghi lại các cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc… Tuy được bảo quản thường xuyên và bắt đầu số hóa, nhưng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhiều phim đã nhiễm khuẩn, xước nặng, khó phục hồi.
Đại tá Hoàng Ngọc Thanh, Trợ lý Tuyên huấn, Cục Chính trị (Bộ đội biên phòng) cho biết, Bộ đội biên phòng đang lưu trữ hơn 2.000 cuốn phim nhựa quay trong giai đoạn 1968-1990 rất có giá trị, như: “Ngọn cờ Hiền Lương”, “Trên vĩ tuyến 17”, “Đi giữa mùa xuân đại thắng”… Thế nhưng, kho bảo quản phim không được thiết kế theo tiêu chuẩn vì được tận dụng từ phòng làm việc, thiếu thiết bị trữ phim đặc thù, nhiều thiết bị lưu trữ hỏng. Đơn vị đang thực hiện số hóa, song nhiều phim không khai thác được, buộc phải hủy…
Cảnh trong phim “Sứ mệnh trái tim”, một trong những phim truyện đang được lưu trữ, bảo quản và thường xuyên trình chiếu cho công chúng.
Cần cả cộng đồng chung tay
Theo Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng, những thước phim sống động sẽ giúp giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch nước nhà; đồng thời giúp thế hệ hôm nay và mai sau thêm hiểu, tự hào về truyền thống dân tộc, khơi dậy khát vọng, truyền cảm hứng vươn lên trong mỗi người Việt Nam. Việc chuyển đổi phim, hình ảnh động sang dữ liệu số một cách nguyên vẹn, nhanh chóng là xu hướng tất yếu, giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu khai thác, thưởng thức của công chúng hiện nay. Song, công tác này cần sự quan tâm, đầu tư đồng bộ về công nghệ, trang thiết bị, nhân lực, đặc biệt cho việc chỉnh sửa, phục hồi trước khi số hóa.
Là người theo đuổi hoạt động điện ảnh văn hóa dành cho cộng đồng, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (Ơ kìa Hà Nội Film Production) đề xuất, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, công tác gìn giữ, bảo quản, số hóa khối lượng di sản điện ảnh khổng lồ của nước nhà cần sự chung tay của cộng đồng. Hiện tại, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đang thực hiện dự án “Bảo tồn di sản điện ảnh Việt Nam thông qua số hóa một số phim nhựa” khá hiệu quả. Dự án này có sự phối hợp giữa Viện Phim Việt Nam, Ơ kìa Hà Nội Film Production và Quỹ VINIF (Tập đoàn Vingroup).
Trong khi đó, Trưởng phòng Tư liệu, Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương Đặng Thị Kim Sơn cho rằng, việc chuyển đổi số trong lưu trữ phim đem lại lợi ích về kinh tế, môi trường và không bị suy giảm chất lượng theo thời gian, nhưng lại khó bảo đảm an toàn, có nguy cơ thất thoát. Vì vậy, các đơn vị làm công tác lưu trữ cần đầu tư thiết bị bảo mật, thường xuyên nâng cấp công nghệ bảo quản, liên tục cập nhật công nghệ mới cho kỹ thuật viên…
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Bộ đã và đang hợp tác với các thành viên Hiệp hội các Viện Lưu trữ nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương để trao đổi chuyên môn, tìm ra giải pháp lưu trữ, bảo quản, phát huy hình ảnh động trong thời đại số; đồng thời đầu tư công nghệ, liên kết với các đơn vị, tổ chức cùng bồi đắp, phát huy giá trị của di sản văn hóa hình ảnh động bền vững, phục vụ công cuộc phát triển đất nước, phát triển điện ảnh.