Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Chiến tranh và người lính không phải độc quyền của người viết đã qua trải nghiệm

Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 08:40, 17/07/2022

Một đời khoác áo lính, dù là lúc cầm súng chiến đấu ở chiến trường Campuchia, hay lúc yên bình cầm bút ở nhà số 4 Lý Nam Đế (Tạp chí Văn nghệ quân đội ), nhà văn Sương Nguyệt Minh lúc nào cũng đầy nhiệt huyết và đam mê.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Chiến tranh và người lính không phải độc quyền của  người viết đã qua trải nghiệm
Nhà văn Sương Nguyệt Minh.
 Tháng năm gõ nhịp lên cuộc đời, gõ nhịp sương khói lên mái tóc, những trang viết của ông càng giàu trải nghiệm, thấu hiểu và làm day dứt trái tim người đọc. Văn là người, văn của ông có chất của người lính đan cài trong chất liêu trai của nhà văn, nên cứ ám ảnh, đong đầy và hối thúc người đọc, nhất là những trang viết ghi dáng hình của người lính và cuộc chiến đã lùi xa. Cứ đọc truyện ngắn “Mười ba bến nước”, đọc tiểu thuyết “Miền hoang”… mà xem, ai cũng sẽ ngấm cái nỗi niềm mênh mang trong lòng, không sao gỡ nổi ấy. Ngay cả bây giờ, khi trò chuyện với ông về văn học chiến tranh và người lính, thì vẫn vẹn nguyên ở đây “chất lính văn chương” đầy đam mê - tính cách đã làm nên một cây bút Sương Nguyệt Minh rất riêng và rất đỗi nhân văn.

PV:Thưa nhà văn Sương Nguyệt Minh, chiến tranh và người lính xưa nay vẫn là một trong những đề tài, nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn của giới cầm bút. Nhưng đó luôn là thách thức đối với những người cầm bút chưa từng một lần đi qua cuộc chiến?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Dĩ nhiên! Chiến tranh và người lính luôn là một thách thức lớn đối những người cầm bút chưa qua cuộc chiến. Họ chưa trải nghiệm trực tiếp trận mạc, họ không sống cùng thời với người lính chiến, họ không nghe tiếng đạn nổ bom rơi, họ không nhìn thấy lửa máu và những cái chết thương tâm, họ không chứng kiến người thân hời khóc, đau đớn khi mất người thân… nên cũng khó đồng cảm, chia sẻ được với những người trong cuộc. 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Chiến tranh và người lính không phải độc quyền của  người viết đã qua trải nghiệm
Một số tác phẩm viết về đề tài cách mạng của nhà văn Sương Nguyệt Minh.
Tuy nhiên, người cầm bút chưa đi qua cuộc chiến vẫn có thể tiếp cận chiến tranh và người lính bằng cách gián tiếp nếu đủ ý chí và say mê viết về chiến tranh. Chẳng hạn, họ có thể đọc các loại sách về chiến tranh mà liên tưởng, có thể gặp những người đã qua chiến tranh và nghe các câu chuyện về cuộc đời họ. Chẳng hạn, họ có thể tiếp cận chiến tranh bằng cách đi vào thế giới của những người lính với các câu chuyện của họ đang đầy rẫy trên internet, mà kéo dài trường liên tưởng và tưởng niệm… 
Trong thực tế thì vẫn có nhiều người trẻ chưa qua chiến tranh mà vẫn viết về chiến tranh và người lính rất thành công. Nhà văn Sơn Táp và tiểu thuyết “Thiếu nữ đánh cờ vây” là một ví dụ. Bên điện ảnh, nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền khi sinh ra thì chiến tranh đã chấm dứt từ lâu rồi. Năm 27 tuổi, chị làm đạo diễn rất thành công bộ phim video “Mười ba bến nước” được 6 giải Bông sen Vàng, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tôi; năm chị 32 tuổi lại đạo diễn bộ phim truyện “Người trở về” được giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo, chuyển thể từ truyện ngắn “Người ở bến sông Châu” của tôi. Người trẻ chưa trải nghiệm chiến tranh vẫn có thể viết hay, làm phim hay về chiến tranh theo cách cảm, cách nghĩ của họ.
PV:Ngày trước, văn học cách mạng lấy cuộc chiến anh hùng và người lính mang lý tưởng cao đẹp làm hình tượng trung tâm với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Còn bây giờ, chủ đề chiến tranh hình như đã có những ngả rẽ khác, công bằng và thực tế hơn, thưa ông?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Không phải ngả rẽ, mà là thêm dòng chảy khác cùng vận động với dòng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong hợp lưu văn học viết về chiến tranh. Đó là cảm hứng cái tôi bi kịch với thân phận con người khi chiến tranh càn quét, đè bẹp. Hay nói cách khác là bi kịch con người khi chiến tranh đi qua. Âm hưởng ngợi ca, hoặc cảm hứng “ta thắng địch thua cả nhà sum họp” không còn là cái kết có hậu duy nhất, mà được mở ra với nhiều tầng ý nghĩa, để trăn trở, nghĩ ngợi.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Chiến tranh và người lính không phải độc quyền của  người viết đã qua trải nghiệm
Một cảnh trong bộ phim “Người trở về” được chuyển thể từ truyện “Người ở bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh.

PV:Ông thấy những người trẻ viết về chiến tranh như thế nào?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Mỗi thế hệ có cách viết về chiến tranh theo cách cảm, cách nhìn khác nhau. Lứa tuổi 7X ngay khi ở độ tuổi 20, 30 đã viết về chiến tranh như Đỗ Tiến Thụy (“Màu rừng ruộng”, “Con chim Joong bay từ A đến Z”), Nguyễn Đình Tú (“Hoang tâm”, “Xác phàm”), và những truyện ngắn về chiến tranh của Nguyễn Thế Hùng, Uông Triều... rất ấn tượng. Lứa tiếp theo như Nguyễn Thị Kim Hòa (sinh năm 1984) với “Đỉnh khói”, “Giấc mơ đá vỡ”; Nguyệt Chu (sinh năm 1984) với “Gió tháng Chạp”. Gần đây là Đinh Phương (sinh 1989) với các truyện ngắn về chiến tranh và tiểu thuyết lịch sử “Nắng Thổ Tang”; Huỳnh Trọng Khang (sinh năm 1994) với “Mộ phần tuổi trẻ”... thì lại như làn gió mới của văn học chiến tranh. 
Các nhà văn trẻ 8X, 9X viết về chiến tranh thường ít kể sự kiện, hành động; họ thiên về cảm xúc và tâm trạng. Dĩ nhiên, cảm hứng sử thi và lãng mạn cũng không in đậm trong tác phẩm của họ. 
PV:Không biết có là chuyện lo xa hay không khi nghĩ đến lúc văn đàn chỉ còn lại những người viết chưa từng biết đến khỏi lửa chiến trường. Lúc đó văn học về đề tài này sẽ tiếp nối như thế nào, thưa ông? (hay chỉ là những nỗi đau còn rớt lại của chiến tranh, những đề tài hậu chiến là những câu chuyện được nghe kể lại?)
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Theo quy luật thời gian thì cũng sẽ đến lúc “tre già măng mọc”. Ai cũng có thể viết về chiến tranh bằng ý chí, đam mê và cái tôi mỹ học của mình. Cứ đi rồi đến. Không việc gì phải băn khoăn, lo lắng. Các cuộc chiến tranh diễn ra năm 1805 và 1812 gồm những trận đánh lớn như Austerlitz và Borodino qua lâu rồi, thì đến năm 1828 văn hào Lev Tolstoy mới sinh ra. Chiến tranh qua hơn nửa thế kỷ, đến năm 1863 ông mới bắt đầu viết tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” đấy nhé! Tôi vẫn nghĩ, chiến tranh và người lính không phải là độc quyền của những người đã đi qua chiến tranh. 
PV: “Mười ba bến nước” của ông thì cay đắng, buốt giá với nỗi đau chiến tranh, hậu chiến, thân phận đàn bà; “Miền hoang” là những trang viết khốc liệt và xúc động về cuộc chiến chống lại quân Khmer Đỏ… Đó là hai đại diện không thể không kể tới về đề tài chiến tranh của ông. Vậy tiếp nối nó, ông sẽ hẹn tặng độc giả những “buốt giá”, những suy tư, những góc cạnh nào từ ký ức chiến tranh của mình?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh:
Tôi đang nghĩ, đang viết về một thời “huynh đệ tương tàn” chia rẽ xót xa và cần những hàn gắn, kết nối, vượt qua quá khứ đau thương, hướng tới cội nguồn đồng bào.   
PV: Ông đã từng xin nghỉ vị trí Trưởng ban Văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ quân đội để dành thời gian cho sáng tác. Ông cũng từng từ chối nhiều lời mời danh giá trên đường đời để dành tâm huyết cho văn chương. Cũng như hàng vạn độc giả yêu văn học Việt, tôi rất muốn biết những “đứa con tinh thần” mà ông đang thai nghén bấy lâu. Bởi ngoài đề tài về người lính, Sương Nguyệt Minh còn có những góc viết rất tình và rất đời về cuộc sống đương đại. Ông có thể chia sẻ đôi điều về những ấp ủ văn chương hiện tại?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi vẫn tiếp tục viết về chiến tranh và người lính. Không bỏ được. Nhưng còn mảng nông thôn, nông dân tôi cũng tương đối thạo. Xuất thân con nhà nông mà! Nông thôn, nông dân Việt Nam đã trải qua những thăng trầm của lịch sử, của số phận, và bây giờ đang đứng trước thử thách của quá trình đô thị hóa, dù đói nghèo không còn… Nghĩ là thế, nhưng viết quả thật là khó! Thôi thì cứ viết, cứ phải viết đã.
PV: Trân trọng cảm ơn nhà văn Sương Nguyệt Minh! Những người yêu văn học Việt hôm nay vẫn đang từng ngày ngóng đợi sự ra mắt của những tác phẩm mới ghi danh Sương Nguyệt Minh.

Nhật Anh (Thực hiện)