Chuồn chuồn tre Thạch Xá - món quà của tuổi thơ
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:21, 17/07/2021
Đặt con chuồn chuồn tre trên ngón tay, hướng dẫn cậu con trai điều khiển, chị Trần Thị Phương ở khu đô thị FLC (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, lần đầu nhìn thấy con chuồn chuồn tre màu sắc đẹp mắt, đậu được trên đầu ngón tay, chị đã bị thu hút và mua luôn một túi 5 con đủ màu làm đồ chơi cho con trai. Không ngờ, món quà nhỏ khiến cả nhà đều vui thích. Chị Phương bảo, chắc chắn những con chuồn chuồn tre là món quà tạo ấn tượng đẹp cho tuổi thơ của các con, không những thế, lại có giá rất phải chăng, 15.000-20.000 đồng/con...
Chúng tôi tìm về làng nghề để có cơ hội mục sở thị quy trình làm chuồn chuồn tre nổi tiếng xứ Đoài. Đường về xã Thạch Xá hôm nay đã khang trang hơn xưa nhưng dấu ấn của làng quê thì còn đậm nét với mái chùa Tây Phương cổ kính, những hàng rào đá ong vững chãi nhuốm màu thời gian...
Anh Khương Xuân Huệ - cán bộ văn hóa xã Thạch Xá cho biết, chuồn chuồn tre ở Thạch Xá được làm thủ công, rất "được lòng" trẻ nhỏ và khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài bởi có thể làm món đồ trang trí đẹp mắt trong gia đình hay có giá trị lưu niệm, mang chất mộc mạc của làng quê Việt Nam... Hiện nay, số hộ làm chuồn chuồn tre không lớn, song cũng tạo việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương.
Theo chia sẻ từ anh Nguyễn Văn Tái, một trong những người đầu tiên làm thành công và mở rộng hình ảnh chuồn chuồn tre Thạch Xá ra thị trường quốc tế, để có con chuồn chuồn tre phải qua nhiều công đoạn: Cào tinh tre, phơi khô, cắt chia từng bộ phận cánh, thân, mỏ, vót thân uốn mỏ cong, lắp ghép cánh vào thân và cuối cùng là sơn vẽ. Khó nhất là khâu chắp cánh vào thân làm sao để con chuồn chuồn đậu lên cây vững vàng, cân đối. Lực đối xứng phải chuẩn, con chuồn chuồn đậu được mới đạt yêu cầu. Khâu nào cũng đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, chính xác. Để có thể tạo ra sản phẩm đẹp, độc, lạ, những chú chuồn chuồn còn được quét sơn và vẽ họa tiết trang trí trên thân, cánh. Những họa tiết này đều do người thợ vẽ tay, lấy cảm hứng từ đời sống làng quê...
Thuần thục trong từng động tác ghép cánh vào thân chuồn chuồn, chị Khương Thị Minh - thợ thủ công ở thôn Thạch chia sẻ, người làm nghề trước hết phải đam mê, đo đạc cẩn thận, tính toán kỹ lưỡng mới cho ra được một sản phẩm đẹp và sinh động. Trung bình một ngày, mỗi người làm được 200 con chuồn chuồn tre. Nếu làm tốt, mỗi người có thể thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng trăm ngàn con chuồn chuồn tre Thạch Xá đã đến với các em nhỏ ở các tỉnh, thành phố: Nha Trang, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh... Thậm chí, nhiều du khách nước ngoài mua được chuồn chuồn tre ở lễ hội đã tìm về tận làng nghề, đặt hàng với số lượng lớn để mang về nước. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động dịch vụ du lịch giảm mạnh nên sức tiêu thụ cũng giảm theo. "Trước đây, tháng nào gia đình tôi cũng bán cả ngàn con chuồn chuồn tre đi các tỉnh phía Nam, đó là chưa kể lượng tiêu thụ tại địa phương. Nay giao thương gần như đình trệ. Tuy vậy, gia đình tôi không "chán nghề", vẫn làm hằng ngày và đóng túi cẩn thận, chờ ngày dịch vụ phát triển trở lại sẽ đưa hàng đi các tỉnh", chị Minh bộc bạch.
Hơn bao giờ hết, giờ đây, những người thợ ở làng nghề Thạch Xá mong mỏi dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi để những con chuồn chuồn tre của họ được "bay" đến muôn nơi.