Chấn chỉnh nghệ sĩ "lệch chuẩn": Bài 2 - Tẩy chay sáng suốt và truyền thông thấu đáo

Góc nhìn - Ngày đăng : 15:46, 21/07/2022

"Ban tặng cho những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật danh xưng đẹp đẽ là nghệ sĩ cũng nói lên tầm ảnh hưởng, tác động, chi phối công chúng thông qua lối sống và cách hành xử của họ với cộng đồng".
Chấn chỉnh nghệ sĩ "lệch chuẩn": Bài 1 - Bắt bệnh và kê đơn

Mới đây, thông tin một cô gái Tây Ban Nha cáo buộc hai nghệ sĩ Việt Nam cưỡng bức được dư luận đặc biệt quan tâm.  

Hai nghệ sĩ người Việt là diễn viên, nhạc sĩ nổi tiếng (một người 37 tuổi và người còn lại 42 tuổi) đã bị bắt tại khách sạn vào rạng sáng 25/6 (giờ địa phương) và hiện được tại ngoại nhưng cấm rời khỏi Tây Ban Nha trong khi cuộc điều tra đang diễn ra.

Chấn chỉnh nghệ sĩ

Báo chí nước ngoài đưa tin về vụ việc (Nguồn: Majorcadailybulletin)

Tất nhiên những hành vi vi phạm pháp luật sẽ được các cơ quan chức năng điều tra xử lý, nhưng sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội tới câu chuyện này là một vấn đề đáng phải suy nghĩ, bởi đó không đơn giản chỉ là chuyện “tật xấu” của một vài người trong giới showbiz mà là đạo đức của một bộ phận những "người của công chúng" hiện nay đang có vấn đề.

Có nên cấm sóng? 

Ở Trung Quốc, những người nổi tiếng vướng bê bối đời tư, có hành vi vi phạm pháp luật và trái đạo đức xã hội có thể bị cấm sóng vĩnh viễn, bị xóa hết hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bộ phim, các chương trình mà họ đã tham gia.

Ví dụ như Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng... ngay khi vừa dính bê bối đời tư đã bị cơ quan quản lý "phong sát", cấm sóng truyền hình và khán giả đồng loạt tẩy chay triệt để, không cho họ đường quay lại showbiz. Những người nổi tiếng đó đã phải trả giá bằng con số gấp trăm lần so với những gì họ nhận được trước đó.

Chấn chỉnh nghệ sĩ

Ngô Diệc Phàm và Trịnh Sảng - hai sao hạng A mất sự nghiệp trong năm 2021. Diệc Phàm đang bị giam vì cáo buộc hiếp dâm, Trịnh Sảng bị buộc tội trốn thuế, vướng ồn ào thuê người mang thai.

Còn ở Việt Nam, nghệ sĩ thường chỉ bị cắt sóng tạm thời để lánh nạn. Sau một thời gian những bê bối lắng xuống, nghệ sĩ vẫn có thể tiếp tục hoạt động nghệ thuật, thậm chí xuất hiện với tần suất dày đặc trên sóng truyền hình hay có những trường hợp còn được “tẩy trắng”.

Mặc dù là chuyện ồn ào đời tư, nhưng với cương vị là một nghệ sĩ, người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, vấn đề đạo đức cá nhân cần phải được đề cao hơn hết. Nhưng khi sự lệch chuẩn của nghệ sĩ vẫn còn dễ dàng được tha thứ, dư luận không khỏi băn khoăn, rằng nên có một "bản án" như ở Trung Quốc để thanh lọc showbiz? Nhất là khi các chế tài thuộc lĩnh vực này ở nước ta dường như chưa đủ mạnh...

Arttimes.vn ghi nhận ý kiến của NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Chấn chỉnh nghệ sĩ

Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên

"Tẩy chay cũng nên sáng suốt"

Ban tặng cho những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật danh xưng đẹp đẽ là nghệ sĩ cũng nói lên tầm ảnh hưởng, tác động, chi phối công chúng thông qua lối sống và cách hành xử của họ với cộng đồng.

Nhiều khán giả trẻ xem một số nghệ sĩ nổi tiếng như là tấm gương, là thần tượng để noi theo, học theo. Vậy nên việc những phương tiện truyền thông đại chúng có biện pháp mạnh tay như “cấm sóng” cũng là điều đúng đắn để ngăn chặn hình ảnh của những nghệ sĩ không lành mạnh đến với công chúng.

Mặt khác, những nghệ sĩ đã nổi tiếng và có được sự yêu mến của công chúng phải luôn ý thức được việc truyền bá hình ảnh tích cực đến với mọi người. Nghệ sĩ thường phải biết chừng mực từ lối sống, cho đến lời ăn tiếng nói khi phát ngôn, cách ứng xử với chính đồng nghiệp và những người xung quanh, đồng thời phải là người có trách nhiệm cao với xã hội.

Thế nhưng cần nhìn nhận khách quan rằng nghệ sĩ cũng là con người, có ưu điểm cũng sẽ có khuyết điểm, có lúc sơ sểnh là điều khó tránh khỏi. Có những nghệ sĩ làm nghề rất giỏi, nhưng trong đời tư lại có khiếm khuyết, có hơi bê tha thậm chí có những lúc sa đà để phạm phải sai lầm. Sau đó họ muốn quay trở lại để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật, họ cảm thấy ăn năn và muốn sửa chữa quá khứ. Đối với những trường hợp như vậy, sự tha thứ của công chúng là điều cần thiết.

Có tẩy chay cũng nên sáng suốt. Có những nghệ sĩ tái phạm nhiều lần, bản chất khó sửa nhưng cũng có những nghệ sĩ vấp váp khi tuổi đời còn trẻ mà họ biết tu dưỡng phấn đấu, thì công chúng cần tạo điều kiện cho họ trở lại. Xã hội nhân ái là ở chỗ đó!

Còn trên góc độ pháp lí, họ là công dân, họ phạm tội thì đã có pháp luật vào cuộc, vi phạm ở mức nào thì xử phạt ở mức đó và chắc chắn sẽ không có ngoại lệ.

 Truyền thông cũng cần có sự thấu đáo

Thứ nhất, truyền thông nên có trách nhiệm trong việc “sàng lọc” hình ảnh nghệ sĩ xuất hiện trước công chúng. Dẫu biết việc xã hội hóa sản xuất các chương trình truyền hình buộc các nhà đài phải đáp ứng một số điều kiện từ phía nhà tài trợ. Dẫn đến việc trong số nhiều nghệ sĩ nổi tiếng vì tài năng được “lăng xê” trên sóng truyền hình, có những người là tài năng thật, nhưng cũng có người lại được truyền thông tâng bốc “lên mây” khiến công chúng ngộ nhận.

Thứ hai, việc "cấm sóng" nghệ sĩ nên có sự đồng bộ trong các lĩnh vực truyền thông. Ví như có nghệ sĩ bị cấm sóng trên truyền hình nhưng lại vẫn xuất hiện với tần suất dày đặc trên các trang báo điện tử. Dẫn đến nhiều trường hợp có người cố tình tạo scandal để được nổi tiếng, để được xuất hiện nhiều trên báo chí. Đấy cũng là một cách PR tên tuổi dù không đàng hoàng. Vô tình tạo ra hiệu ứng ngược của việc lên án.

Thứ ba, nhiều tin bài hiện nay có xu hướng săm soi, đào sâu thái quá vào đời tư nghệ sĩ, đưa những câu chuyện nhảm nhí lên mặt báo nhằm câu view mà quên đi vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng, với chức năng định hướng, dẫn đường, giáo dục cái đẹp cho công chúng. Như vậy phải chăng chính truyền thông cũng đang lệch chuẩn?

Một trong những vai trò quan trọng của truyền thông là định hướng dư luận xã hội. Khi đứng trước những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, bên cạnh trách nhiệm thông tin kịp thời, nhà báo và cơ quan báo chí phải đặt trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội lên trên; tức là trăn trở, tìm hiểu và lý giải vấn đề một cách thấu đáo với cái nhìn sắc nét, biện chứng. Từ đó, nhà báo giúp dư luận có những suy nghĩ, tình cảm, hành động đúng để bảo vệ cái tốt, cái tiến bộ, đấu tranh với cái xấu, cái ác.

Nhìn lại câu chuyện của showbiz Việt, dẫu biết sự chuẩn mực đạo đức của nghệ sĩ mới là yếu tố cốt lõi trong việc gìn giữ văn minh cho môi trường văn hóa nghệ thuật. Thế nhưng cũng rất cần sự thấu đáo của truyền thông để vấn đề này được giải quyết đúng hướng. 

arttime