Kỷ niệm 13 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2021): Tầm vóc mới, bản lĩnh mới

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:23, 01/08/2021

Đúng 13 năm kể từ ngày thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Thủ đô Hà Nội đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để tập trung ngăn chặn dịch Covid-19. Đây là thử thách rất khó khăn, nhưng với những gì thành phố đã đạt được trong thời gian qua, có thể khẳng định, Hà Nội sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này, tiếp tục thể hiện tầm vóc mới, bản lĩnh mới bằng sức mạnh nội sinh bền bỉ.
Kỷ niệm 13 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2021): Tầm vóc mới, bản lĩnh mới
Sau 13 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo đô thị của Thủ đô Hà Nội ngày càng hiện đại, văn minh, chất lượng cuộc sống người dân nâng cao. Ảnh: Trọng Hiếu

Sức bền được nâng cao

Đúng 13 năm trước, Hà Nội chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Từ đó đến nay, Hà Nội không chỉ phát triển ngày càng tương xứng với tầm vóc mới, mà bản lĩnh, sức bền cũng được nâng cao. Khi dịch Covid-19 bùng phát làm cho hầu hết các nền kinh tế của thế giới tăng trưởng âm năm 2020 thì Việt Nam nằm trong tốp các nước tăng trưởng cao nhất châu Á, trong đó có đóng góp quan trọng của Hà Nội với mức tăng trưởng 3,98%, cao hơn mức bình quân cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Hà Nội và cả nước phải đối mặt với 2 đợt dịch, nhưng kinh tế Thủ đô vẫn đạt kết quả tích cực. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II-2021 cao hơn quý I-2021 và đạt 5,91% (cả nước tăng 5,64%). Thu ngân sách đạt 125.562 tỷ đồng, bằng 53,3% dự toán Trung ương giao. Hà Nội cũng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tổ chức thành công, an toàn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...

Hà Nội còn là nơi có sáng kiến mô hình cách ly “3 lớp” phòng, chống dịch Covid-19 được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng. Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này, dù đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng hàng hóa thiết yếu bảo đảm đầy đủ, đa số người dân chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch. Nói như Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, đó là kết quả “không mong gì hơn” với một thành phố quy mô 10 triệu dân.

Chị Nguyễn Thị Hương (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất) cho biết, nhờ được thành phố, huyện đầu tư, bộ mặt xã Tiến Xuân khang trang hơn hẳn so với trước đây, nhân dân được tạo điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, dù trong cao điểm giãn cách xã hội nhưng người dân đồng lòng ủng hộ các giải pháp của thành phố để ngăn chặn dịch bệnh...

Khát vọng phát triển, vươn lên

Nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 không phải là ví dụ duy nhất, càng không phải lần đầu Hà Nội cho thấy sức mạnh, bản lĩnh trước khó khăn, thử thách. Trong 13 năm qua, Hà Nội luôn xứng đáng với vị trí, vai trò và trách nhiệm là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Không thỏa mãn với thành quả hiện tại, thành phố đang kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, trước mắt là kiềm chế dịch Covid-19 và thực hiện thành công 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong đó tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên. Trên cơ sở dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Hà Nội đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng và trong tình huống dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thành phố vẫn quyết tâm đạt mức tăng GRDP 6,5-7%.

Xác định nhiệm vụ chính trị hàng đầu, ưu tiên số một là phòng, chống dịch Covid-19, nhưng song song đó, Hà Nội vẫn đang đẩy mạnh việc triển khai, tổ chức thực hiện 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Trong đó, không chỉ triển khai đồng bộ toàn diện trên các lĩnh vực, thành phố cho thấy một phong cách lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, tích cực khi lựa chọn những trọng tâm, trọng điểm rõ ràng.

Cụ thể, xác định con người là trung tâm của sự phát triển, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Hà Nội còn đang tập trung bắt tay khai mở dự án xây dựng đường Vành đai 4 và cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ. Đường Vành đai 4, khi được khởi công và hoàn thành, sẽ là động lực phát triển mới cho Hà Nội và vùng Thủ đô trong giai đoạn tới. Trong khi đó, cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ sẽ vừa bảo đảm an toàn, nâng cao điều kiện sinh sống cho người dân, vừa giúp chỉnh trang đô thị văn minh, hiện đại. Có thể nói, đây là những thử thách rất lớn, nhưng Hà Nội đã lựa chọn để quyết tâm vượt qua.

Những thành công đạt được trong suốt 13 năm qua nhờ bản lĩnh, sức mạnh nội sinh; cùng với khát vọng phát triển, vươn lên và niềm tin chiến thắng mà thành phố đang thể hiện trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 là cơ sở để tin chắc rằng, Hà Nội sẽ tiếp tục đạt được những thành công mới.

HNM