Triển lãm tranh của các họa sĩ Đông Dương: Minh bạch để nâng tầm giá trị
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 06:52, 23/07/2022
Triển lãm đặc biệt
Diễn ra trong khoảng thời gian “chớp nhoáng” từ ngày 11 đến 14-7 tại một khách sạn cao cấp ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng triển lãm “Timeless Souls: Beyond The Voyage” ("Hồn xưa bến lạ") đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người yêu hội họa. Lần đầu tiên nhà triển lãm lâu đời Sotheby’s tổ chức triển lãm tranh của các họa sĩ thuộc nhóm “tứ kiệt Đông Dương” tại Việt Nam với số lượng khách mời hạn chế.
Theo thông tin từ đơn vị tổ chức: Sự kiện này không những đánh dấu mốc về một triển lãm đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức bởi nhà đấu giá quốc tế, mà đây còn là một trong những triển lãm tranh của các họa sĩ Đông Dương với quy mô lớn nhất tại đây. Triển lãm trưng bày hơn 50 tác phẩm của Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm, bộ tứ danh họa tốt nghiệp những khóa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương (école des Beaux-Arts de l’Indochine - EBAI).
Được giám tuyển bởi nhà nghiên cứu nghệ thuật độc lập Ace Lê, loạt tác phẩm này là lát cắt minh họa cho giai đoạn sáng tác ở hải ngoại của bốn họa sĩ, thể hiện tâm thế luôn hướng về quê hương thông qua những tuyến chủ đề quen thuộc bắt nguồn từ mạch ký ức, hoài niệm của mỗi người - hoa cỏ và cảnh quan, gia đình và phong tục, văn hóa và kiến trúc, giá trị và tư tưởng - đan xen và hòa quyện với những góc tiếp cận mới mẻ.
Triển lãm này đặc biệt bởi tên tuổi lừng danh của các họa sĩ, độ quý của tác phẩm và đây là triển lãm đầu tiên của hãng đấu giá tranh lâu đời thứ 3 trên thế giới được tổ chức tại Việt Nam. Trước đó, nhiều lần nhà đấu giá Sotheby’s bị các họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật trong nước cho rằng đã mang tranh giả, tranh nhái lên sàn đấu giá. Chính vì vậy, việc tổ chức triển lãm những bức tranh quý của bốn họa sĩ nổi tiếng thời kỳ mỹ thuật Đông Dương tại Việt Nam sẽ là cơ hội để tạo ra sự giao lưu, đối thoại trực tiếp hơn về vấn đề này.
Theo giám tuyển Ace Lê, tất cả các tác phẩm đều đi kèm với một hoặc nhiều loại chứng từ lai lịch xác tín, như ảnh hoặc vựng tập triển lãm thời Đông Dương, chứng chỉ từ gia đình họa sĩ hoặc những học viện nghệ thuật uy tín. Công tác an ninh và bảo hiểm trong công tác vận chuyển, lưu trữ, lắp đặt và trưng bày tranh được thực hiện dựa theo tiêu chuẩn toàn cầu rất khắt khe của Sotheby’s.
Giám tuyển này cũng cho rằng, đây là một sự kiện cần thiết để mở rộng sự tiếp cận tới công chúng cho các tác phẩm nghệ thuật giai đoạn Đông Dương, nhất là trong bối cảnh giá tranh tăng phi mã và tình trạng thẩm định tranh còn nhiều tồn tại.
Mong có nhiều triển lãm hơn nữa
Thông qua các nhà đấu giá danh tiếng, thời gian qua, tranh của nhiều họa sĩ Việt, đặc biệt là các họa sĩ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương liên tiếp lập những kỷ lục về giá, trong đó có nhiều bức đã vượt mốc một triệu USD. Tháng 4-2021, tác phẩm "Chân dung cô Phương" của họa sĩ Mai Trung Thứ được "gõ búa" với mức giá 3,1 triệu USD, trở thành tác phẩm có giá công khai cao nhất của làng mỹ thuật Việt Nam.
Trước đó, năm 2019, bức tranh "Nude" của họa sĩ Lê Phổ đã được giao dịch trong phiên đấu giá "20th Century & Contemporary Art" của nhà đấu giá Christie's tại Hồng Kông với giá lên tới 1,4 triệu USD. Lê Phổ cũng là họa sĩ có nhiều tác phẩm vượt qua "mốc triệu đô" như bức "Family Life" ("Đời sống gia đình") đã được bán với giá 1,2 triệu USD (năm 2017), bức tranh sơn dầu tự họa - 1,052 triệu USD, bức "Thiếu nữ choàng khăn" - 1,112 triệu USD (năm 2021). Một số danh họa khác cũng có tranh được giao dịch ở mức "triệu đô" như Tô Ngọc Vân, Phạm Hậu. Tô Ngọc Vân có bức "Vỡ mộng" được bán với giá 1,1 triệu USD. Họa sĩ Phạm Hậu có hai tác phẩm là "Phong cảnh chùa Thầy" và "Chín con cá chép trong hồ nước" cán mốc triệu đô.
Mức giá rất cao nói trên cho thấy sự đánh giá cao của thế giới đối với tranh của nhiều họa sĩ Việt Nam. Điều này cũng khiến công chúng trong nước tự hào và mong muốn được tận mắt thưởng lãm những tác phẩm quý tại quê nhà. Chẳng hạn, khi bức "Chân dung cô Phương" xác lập mức giá kỷ lục, nhà nghiên cứu Phạm Long đã bày tỏ hy vọng một ngày không xa bức tranh sẽ được trưng bày tại Việt Nam.
Theo giám tuyển Ace Lê: Triển lãm “Hồn xưa bến lạ” là triển lãm phi thương mại. Dự án mở rộng sự tiếp cận của cộng đồng với các tác phẩm có giá trị cao vốn nằm tại các tư gia kín cổng cao tường. Toàn bộ các tác phẩm đều được mượn từ các bộ sưu tập tư nhân uy tín trong nước. Tuy cơ hội tiếp cận với các tác phẩm quý này vẫn bị giới hạn, song công chúng hy vọng từ bước đi này sẽ có nhiều cuộc triển lãm do các sàn đấu giá quốc tế uy tín tổ chức để người xem được thưởng lãm, đồng thời nâng cao tính minh bạch, uy tín cho mỹ thuật Việt Nam.