Câu lạc bộ tuồng Dương Cốc: Từ "tiếng hát át tiếng bom" đến giai điệu đi cùng năm tháng

Hà Nội - Ngày đăng : 11:29, 23/07/2022

Một thời, những làn điệu tuồng cổ rộn rã cả vùng quê, át tiếng bom, cổ vũ người lính ra trận, nông dân thêm hăng say lao động... Ngày nay, những làn điệu này lại đồng hành với người dân thôn Dương Cốc (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới.
Câu lạc bộ tuồng Dương Cốc: Từ
 Câu lạc bộ tuồng thôn Dương Cốc luôn giữ được bản sắc nhờ nhiều nghệ sĩ gạo cội tâm huyết.

Cơ duyên từ chiến tranh, gian khó

Là miền quê thuần nông nhưng từ xưa, Dương Cốc đã nổi tiếng là "làng ca hát của xứ Đoài". Người làng không chỉ có năng khiếu hát dân ca, mà còn có tình yêu dành cho các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, thôn Dương Cốc đã có những đội văn nghệ chuyên hát chèo, cải lương phục vụ nhân dân dịp lễ, Tết... Cho đến năm 1967, Nhà hát Tuồng Đào Tấn về làng sơ tán tránh cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ thì tình yêu ấy như được tiếp thêm nguồn sinh lực, để người dân Dương Cốc "say" nghệ thuật tuồng lúc nào không biết.

Điều lý thú là trong giai đoạn chiến tranh, tới 70% người dân Dương Cốc biết hát tuồng. Ông Nguyễn Văn Lý - Chủ nhiệm Câu lạc bộ tuồng Dương Cốc chia sẻ, có thể nói, những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiếng tuồng Dương Cốc đã "át tiếng bom", làm nên kỳ tích "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", cùng cả nước làm nên Mùa xuân đại thắng 1975 vĩ đại. Nay vẫn tiếng tuồng ấy, nhưng là của thế hệ mới đang góp phần tạo nên sức sống để Dương Cốc vững bước trong cuộc cách mạng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Niềm vui lớn của Câu lạc bộ tuồng Dương Cốc là đã có 11 thành viên có tên trong danh sách được đề nghị xét phong danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và đã được xét duyệt. Đây chính là nguồn động viên để Câu lạc bộ tuồng Dương Cốc vững tin vào những giá trị của "thương hiệu" tuồng Dương Cốc.

Câu lạc bộ tuồng Dương Cốc: Từ

Hơn nửa thế kỷ say sưa với loại hình nghệ thuật thuộc di sản văn hóa phi vật thể của nước Việt, người Dương Cốc đã làm cho nơi đây xứng danh "đất tuồng có một không hai của xứ Đoài" nói riêng và của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến nói chung.

Cho đến nay, Câu lạc bộ tuồng Dương Cốc có gần 100 vở diễn, hơn 200 giải vàng tại các kỳ hội diễn, liên hoan nghệ thuật cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quân khu và toàn quốc. Những vở tuồng như "Trần Quốc Toản ra quân", "Cô gái sông Tích",  "Sáng mãi niềm tin", "Trưng nữ vương đề cờ"... đã làm nên tên tuổi của đội tuồng Dương Cốc.

Song hành với xây dựng quê hương

Bà Nguyễn Bích Hảo, một nghệ sĩ nông dân say mê điệu hát tuồng trên đất Dương Cốc từ tấm bé chia sẻ, hát tuồng đòi hỏi người diễn viên có sức khỏe tốt bởi hát tuồng nặng hơi, bộ điệu cũng khác so với các môn nghệ thuật khác. Hát tuồng đi đôi với các điệu múa bằng các thế võ, nên mất rất nhiều sức. Kiểu cách đi đứng còn dùng để biểu lộ cái "tâm" của nhân vật thiện, ác.

Theo bà Hảo, diễn tuồng khó nhất là ở ý tứ, ngôn ngữ cơ thể; hành động phải ăn khớp, phù hợp. Nhiều người dân Dương Cốc đã "thấm" được cung cách, điệu bộ ấy một cách tự nhiên ngay từ những ngày thơ ấu khi ngồi xem tuồng trong sân chùa, sân đình làng, nên khi đến tuổi, với sự kèm cặp của các thế hệ đi trước, họ trở thành lớp kế cận đầy tiềm năng. Nhờ vậy, hôm nay về Dương Cốc, không khó khi tìm gặp gia đình có 2-3 thế hệ say mê nghệ thuật tuồng.

Câu lạc bộ tuồng Dương Cốc: Từ

Còn bà Nguyễn Ngọc Huyền, cũng là thành viên Câu lạc bộ tuồng Dương Cốc, cho hay, ngày nay, nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân đa dạng hơn nhưng người dân Dương Cốc vẫn cùng lớp người yêu tuồng cổ nỗ lực giữ gìn môn nghệ thuật truyền thống này.

"Mỗi khi địa phương yêu cầu diễn các vở tuồng trong các đêm giao lưu văn nghệ quần chúng, chúng tôi vẫn luôn say sưa tổ chức tập và biểu diễn. Chúng tôi tự hào mặc dù chỉ là "văn nghệ quần chúng" nhưng đội tuồng làng Dương Cốc chuyên nghiệp từ diễn viên, phục trang cho tới âm nhạc và đặc biệt là kỹ thuật biểu diễn. Tại các hội diễn sân khấu không chuyên toàn quốc, đội tuồng Dương Cốc luôn để lại dấu ấn sâu sắc cho khán giả và đồng nghiệp...", bà Huyền chia sẻ.

Mong muốn lớn nhất của các nghệ nhân tuồng gạo cội ở Dương Cốc như ông Lý, bà Huyền, bà Hảo... là chính quyền địa phương và thành phố Hà Nội tiếp tục có chính sách hỗ trợ kinh phí, đào tạo, tập huấn chuyên nghiệp cũng như tạo sân chơi, đất diễn cho Câu lạc bộ. Có như vậy, mạch nguồn của môn nghệ thuật này sẽ được tiếp nối và ngày càng thăng hoa.

Phó Bí thư Thường trực xã Đồng Quang Nguyễn Văn San cho biết, song hành cùng biến cố của lịch sử và thời gian, nghệ thuật tuồng cổ của làng Dương Cốc đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn để tồn tại và phát triển. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục động viên, khích lệ, quan tâm tạo sân chơi, biểu diễn cho Câu lạc bộ trong các sự kiện trọng đại của địa phương, tại các hội thi văn nghệ quần chúng, ngày lễ, Tết... với hy vọng tuồng Dương Cốc luôn giữ được bản sắc, sống mãi với thời gian...

nhipsonghanoi