Cơ hội hiểu rõ mỹ thuật sân khấu Việt Nam
Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 07:51, 16/08/2021
Thiết kế mỹ thuật sân khấu - với chức năng của người họa sĩ trang trí sân khấu - là một bộ phận không thể tách rời của nghệ thuật sân khấu - bao gồm kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, múa, ánh sáng... Trong mối quan hệ tổng hòa đó, chức năng của người họa sĩ thiết kế mỹ thuật và người đạo diễn luôn gắn bó với nhau một cách mật thiết để làm nên thành công của vở diễn cả về nội dung và hình thức, đưa ngôn ngữ trang trí đến với người xem, tạo điều kiện cho người nghệ sĩ biểu diễn, sáng tạo những vai diễn bất tử của mình.
Thiết kế mỹ thuật sân khấu (không tính đến những ban kịch tài tử hay các gánh hát tuồng, chèo, cải lương... trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp với tính chất nghiệp dư và với sự tham gia của một vài họa sĩ), thì kể từ ngày thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957), đã đi qua một chặng đường trên nửa thế kỷ, hình thành nên một đội ngũ các họa sĩ sân khấu Việt Nam có nghề nghiệp, bản lĩnh và tài năng. Đội ngũ này đã vượt qua không ít khó khăn, thiếu thốn, lạc hậu của sân khấu, bằng các thủ pháp tả thực, ước lệ, cách điệu, tượng trưng, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống của cha ông và sân khấu hiện đại, để thiết kế hàng nghìn vở diễn từ tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, múa rối, kịch dân ca, ca múa, xiếc... Từ đó, thiết kế mỹ thuật đã đóng một dấu son và được ghi nhận như một bộ phận không thể thiếu được của tổng thể nghệ thuật sân khấu Việt Nam đương đại song do những điều kiện chủ quan và khách quan khác nhau mà công việc này hầu như chưa được ghi nhận từ phía các nhà nghiên cứu.
Giữa bối cảnh ấy, thật đáng mừng khi cuốn sách Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam của PGS.TS Đoàn Thị Tình được NXB Mỹ thuật ấn hành cuối năm 2020. Với hơn 300 trang sách khổ lớn (16x24cm), cuốn sách đã giới thiệu với người đọc về mỹ thuật sân khấu Việt Nam từ thời cổ đại đến nay, theo trình tự thời gian. Theo tác giả, ở thời cổ đại, những yếu tố tiền đề của mỹ thuật sân khấu chính là “hình khối đạo cụ, màu sắc đường nét của hóa trang, trang phục” trong các trò diễn dân gian. Đến các thời kỳ tiếp theo, mỹ thuật sân khấu ngày càng tham gia nhiều hơn vào nghệ thuật biểu diễn nói chung, để đến khoảng thế kỷ XIX, mỹ thuật sân khấu Việt Nam đã định hình tương đối rõ ràng, nhất là ở nghệ thuật tuồng và nghệ thuật chèo, với các yếu tố trang phục và hóa trang, vẽ kẻ mặt, đạo cụ. Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, xuất hiện các rạp hát với sân khấu hộp ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn… Cùng với đó, mỹ thuật sân khấu cũng có những thay đổi cho phù hợp bối cảnh mới: trang trí sân khấu xuất hiện phông màn vẽ cảnh (họa sĩ Trần Phềnh - tức Thang Trần Bình - là người trang trí phông cảnh đầu tiên của sân khấu cận hiện đại Việt Nam), các yếu tố trang phục, hóa trang, đạo cụ, ánh sáng được quan tâm hơn. Từ giai đoạn này trở về sau, mỹ thuật sân khấu đã cho thấy vai trò không thể thiếu của mình trong một vở diễn, nên ngày càng được đầu tư nhiều hơn và cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đã có rất nhiều họa sĩ tham gia vào công việc này với tư cách nghiệp dư.
Thời kỳ từ năm 1945, nhất là từ năm 1954 đến năm 2000, mỹ thuật sân khấu Việt Nam đã trở thành một chuyên ngành nghệ thuật với đầy đủ các yếu tố: thiết kế bối cảnh, trang trí, trang phục, hóa trang, đạo cụ, ánh sáng được thể hiện ở tất cả các loại hình, từ kịch hát dân tộc cho đến kịch nói, rối…; với một đội ngũ họa sĩ sân khấu hành nghề chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản cả ở trong và ngoài nước. Và đây cũng là thời kỳ mà mỹ thuật sân khấu Việt Nam có những bước tiến nhảy vọt trong cả tư duy sáng tạo và chất liệu, kỹ thuật thể hiện, làm cho sân khấu Việt Nam hòa được với sự phát triển của sân khấu thế giới. Cùng với việc trình bày những đặc điểm của mỹ thuật sân khấu qua từng giai đoạn như vậy, PGS.TS Đoàn Thị Tình còn công bố một khối lượng lớn những tư liệu hình ảnh về các phác thảo thiết kế mỹ thuật của các vở diễn, bao gồm từ cảnh trí cho đến hóa trang, trang phục…
Với những trang viết đầy tâm huyết của PGS.TS Đoàn Thị Tình - vừa dưới góc nhìn của một họa sĩ đã trực tiếp làm công việc “bếp núc” sân khấu cho các vở diễn, vừa là một nhà sưu tầm (tư liệu), nghiên cứu về chuyên ngành/ nghệ thuật này - người đọc sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về công việc của người họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu, từ đó có những ghi nhận đúng đắn hơn, công bằng hơn về những đóng góp của chuyên ngành này vào thành công chung của một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, cũng có thể coi Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam của tác giả Đoàn Thị Tình, chính là những tiếp cận đầu tiên chuẩn bị cho một/ những công trình nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện về đề tài này, trong tương lai.
Có thể thấy, cuốn sách Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam của PGS.TS, họa sĩ Đoàn Thị Tình là một đóng góp rất đáng ghi nhận vào khoảng trống của công tác nghiên cứu về thiết kế mỹ thuật sân khấu. Đồng thời, tác phẩm này còn mang đến một niềm vui nhỏ nhoi, bình dị đối với những người làm sân khấu khi từ những trang sách mà độc giả có cơ hội hiểu rõ hơn về mỹ thuật sân khấu Việt Nam để đánh giá công bằng.