Tình mẫu tử
Văn học - Nghệ thuật - Ngày đăng : 09:43, 20/08/2021
Truyện ngắn của James Wood
Người mẹ dịu dàng nhìn đứa trẻ sơ sinh:
- Con yêu khốn khổ của mẹ - bà vừa ru con vừa ngẫm nghĩ. - Liệu con có sống nổi không?
Bà lại nghĩ đến đứa con trước, chỉ sống được một thời gian vô cùng ngắn ngủi.
Không ai biết lý do. Không ai nói cho bà hay tại sao đứa con đầu của bà lại phải lìa đời. Điều đó vĩnh viễn là một bí ẩn khiến bà rất do dự: không biết vợ chồng bà có nên thử một đứa trẻ khác, ít lâu sau khi chuyện ấy xảy ra? Bà cảm thấy không thể chịu đựng nổi một mình nỗi bồn chồn, lo lắng, mệt nhọc suốt chín tháng trời, chỉ để cho ra đời một đứa bé sống trong chốc lát. Không ai đòi hỏi điều đó ở một người phụ nữ.
Nhưng chồng bà cho rằng, việc họ thử đến cùng một hài nhi sẽ mang tên họ ông và sẽ làm rạng danh cho gia đình bà, là điều hiển nhiên.
Có điều, đâu phải ông là người cảm thấy sự phát triển của chiếc tế bào tí ti sâu bên trong cơ thể bà, chừng nào nó chưa thành một con người bé nhỏ; đâu phải ông là người chiến đấu quyết liệt để giành giật sự sống cho nó, trước khi nó ra đời?
Đứa trẻ thở âm thầm, dường như biết bà mẹ nghĩ đến mình.
Sự đồng cảm ấy giữa bà mẹ và đứa bé thật kỳ lạ. Bà cũng thương đứa trẻ đầu, nhưng có phần từ xa, cách chừng một sải tay. Dường như bà cảm thấy đứa con đầu chỉ ở nhờ nơi bà và bà không thể tự cho phép mình quá trìu mến, quá thương yêu nó.
Nhưng đứa này, cái thằng bé nhăn nheo và không mấy xinh xẻo, bằng một cách nào đó, đã lọt vào tận tâm can bà mẹ, truyền những tình cảm của nó cho bà. Người mẹ biết lúc nào nó buồn nôn từ trước khi nó khóc. Bà cảm thấy mỗi khi nó muốn được cưng nựng và mỗi khi nó muốn ở một mình trong chiếc cũi gỗ trang trí cầu kỳ, sau tấm màn thêu màu kem.
Đứa trẻ biết cách hòa nhập vào những suy tư của người mẹ, nó biết cách thu hút sự chú ý về mình, bằng đôi mắt xanh có tác động gần như thôi miên. Người ta nói tất cả trẻ sơ sinh đều có cặp mắt xanh, song bà mẹ tin chắc đôi mắt xanh của con bà sẽ không đổi màu, nếu nó sống sót.
Mỗi khi đứa bé giương mắt nhìn, ánh mắt nó không như của những trẻ sơ sinh yếu ớt mà là cái nhìn của một con người gần như đã biết quả quyết, của một kẻ biết mình được yêu thương.
Từ đáy sâu tâm hồn mình, người mẹ cảm thấy con bà - bằng một cách nào đó - thật đặc biệt, và nó được giao phó một sứ mệnh nào đó, vì một lý do mà đến giờ vẫn chưa ai hay biết. Nhưng cảm giác lạ kỳ này chỉ khiến bà nở một nụ cười. Chẳng phải mọi bà mẹ đều cảm thấy thế ư? Chẳng phải tất cả các bà mẹ đều đoán chắc con mình là duy nhất, là đặc biệt và kỳ khôi?
Những ngón tay nhỏ bé bám vào ngón trỏ của người mẹ. Dường như nó muốn cho bà thấy quả thực nó là một đứa trẻ đặc biệt.
Có thể nó cũng sẽ thành một viên chức thành thị như cha nó, hoặc một bác sĩ, một nghệ sĩ, nhưng có thể nó sẽ là một nhà truyền giáo, sẽ giảng đạo cho những kẻ vô tội và bị áp bức trên toàn thế giới: nó sẽ cảm hóa những kẻ ngoại đạo và mang đức tin đến cho các đồng hương. Có lẽ sau này, một lúc nào đó...
Đứa trẻ đột nhiên dãy giụa trong vòng tay bà mẹ. Người mẹ ôm chầm lấy con mình và thầm cầu nguyện: đừng thêm những cơn kinh giật như thế nữa!
- Lạy Chúa, đừng lấy đi đứa bé này của con! - bà cầu khẩn. - Lạy Chúa, hãy để cho nó được sống! Con thề sẽ nuôi dạy nó thành một con chiên ngoan đạo, thành tấm gương cho mọi người.
Đứa bé lại dãy giụa. Bà mẹ cảm thấy sự quyết tâm, ước vọng được sống trong cơ thể nhỏ nhoi ấy. Nó không đầu hàng, cuộc sống quá quý báu đối với nó...
- Có công bằng không - bà mẹ nghĩ, khi một hài nhi nhỏ bé và yếu ớt ngần này lại phải trải qua từng ấy đau đớn? Tại sao những trẻ sơ sinh phải chịu đày đọa, khi biết bao lũ quỉ kinh tởm, vô đạo đức vẫn tự do sống cuộc sống của chúng? Sự tàn nhẫn đã không biết đến lương tri và công lý!
Cơn kinh giật dần dần dịu đi. Tứ chi đứa trẻ yên dần và những giọt nước mắt bắt đầu rỏ nhè nhẹ xuống bộ tóc đen của đứa trẻ, cho dù bà mẹ đã cố cầm lại. Đứa bé ngẩng lên nhìn và mỉm cười, ít nhất là bà mẹ tưởng như vậy. Dường như nó bảo:
- Đừng lo mẹ ạ, con không chết đâu. Còn lâu. Phải rất nhiều năm nữa.
Người mẹ cảm thấy nhẹ nhõm và thầm cám ơn Chúa Trời đã để cho con bà sống. Bà đưa đẩy dịu dàng và ru nó khe khẽ bằng một bài hát bà học hồi thơ ấu. Rồi bà nghĩ tới tuổi thanh xuân của chính bà cùng cuộc sống hiền hòa và an bình tại làng bản, nơi bà lớn lên: cảnh tượng tuyệt vời của những dãy núi xinh tươi được bao quanh bởi cánh rừng, bởi những người hàng xóm thân mật, luôn sẵn lòng giúp đỡ với câu phương châm mang tính bản năng: leben und leben lassen, hãy sống và để sống. Thật là những năm tháng hạnh phúc!
Rồi về sau, bà lấy chồng, một người đàn ông hơn bà nhiều tuổi, trước đó từng có một đời vợ. Họ chuyển từ thị trấn nhỏ im ắng ở vùng quê lên thành phố lớn nhộn nhạo, lạnh lẽo. Thời kỳ khó khăn tiếp đến. Tiền nong ít ỏi, ai nấy bồn chồn và họ còn đả động đến chuyện cách mạng.
Nhưng vào lúc này, bà mẹ hướng về tương lai, nơi con bà sẽ sống, và bà đoán chắc rằng nó sẽ để lại dấu ấn trong diễn tiến của thế giới. Có lẽ nó sẽ đem lại hòa bình, bình an và phẩm giá con người, nếu nó được sống sót.
Bà nhìn xuống đứa con đã chợp mắt và trong giấc mơ, nó siết chặt những ngón tay bà trong bàn tay nhỏ mũm mĩm.
Đầu tiên là phải rửa tội cho thằng bé, bà mẹ nghĩ. Bà không an tâm chừng nào đứa con bà chưa vào nước của Chúa Trời. Chồng bà thực ra không theo đạo. Ông chỉ tin vào quyền lực của nhà nước, vào giấc mộng của cái Đại đế chế được gây dựng bằng bạo lực và tranh chấp.
Nhưng con bà, bà thầm nghĩ, sẽ không theo dấu chân cha nó. Nó sẽ xóa bỏ những thảm cảnh chinh chiến và sự áp bức kẻ yếu. Bà mỉm cười trước khuôn mặt bình yên của đứa trẻ. “Những kẻ hiền hậu sẽ thừa kế mảnh đất này và hạnh phúc trong tình yêu bao la”, người mẹ nói và hôn lên mái tóc đen dính bết vào cái đầu nho nhỏ.
Đứa hài nhi trở mình, nghiến răng nhưng không thức dậy.
Ngày mai - người mẹ nghĩ - chúng ta sẽ làm lễ rửa tội cho nó.
***
Có điều, người ta không thống nhất tên họ đứa trẻ, nói đúng hơn, họ không tìm được một tên làm vừa ý cả cha lẫn mẹ nó. Cặp vợ chồng điểm qua danh mục vô tận của những cái tên, tìm hiểu ý nghĩa và những xuất xứ khác nhau của chúng. Họ muốn một tên phù hợp với đứa bé dịu dàng nhưng quả quyết này và đoán chắc nó sẽ trở thành một thanh niên đầy nghị lực, nhưng công minh. Họ muốn một tên mà cậu bé, và sau đó, người đàn ông ấy cũng phải tự hào, và cả thế giới có thể ngưỡng mộ.
Người chồng thích cái tên Herman, theo tự điển nghĩa là “người đàn ông dũng mãnh hoặc có vũ trang”, nhưng bà vợ không ưa cái nghĩa phụ, gợi nhớ đến những thảm cảnh chinh chiến và chết chóc. Bà muốn một cái tên gì đó quả cảm, nhưng nhân hậu và vương giả hơn. Một cái tên thích hợp cho một chủ soái, nhưng là một chủ soái được dẫn đường chỉ lối bởi phẩm giá và sự cảm thông.
Rồi bà chọn cái tên Adolf, trong thần thoại có nghĩa là “người anh hùng cao thượng”, một cái tên nghe thật ngắn ngủi và khác thường.
Bà nghĩ rằng Adolf tương đối mềm mại bên cạnh cái họ khá cứng cỏi và đọc lên thấy sắc nhọn: Hitler.