Chuyên gia, cán bộ đánh giá TP Hà Nội giãn cách xã hội kịp thời, khoa học
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 15:31, 25/08/2021
Duy trì kiểm soát, tăng tính răn đe, tránh “chặt trong, lỏng ngoài”
Hà Nội là địa bàn trọng điểm với khả năng lây lan dịch bệnh rất cao do đông dân, nhiều người địa phương khác đổ về, nhưng TP đã triển khai những biện pháp phòng chống dịch rất kịp thời. Trong đó, vừa thần tốc tổ chức xét nghiệm đại trà để tách F0 ra khỏi cộng đồng, tăng cường tiêm vaccine phòng Covid-19. Đặc biệt, đang rất kiên quyết thực hiện giãn cách xã hội; xây dựng các vùng rất rõ, trong đó quyết tâm bảo vệ "vùng xanh", kiểm soát "vùng đỏ" và "vùng vàng"; phát hiện F0 đến đâu thì quyết liệt phong tỏa nhanh đến đó…
Một mặt làm tốt công tác phòng chống dịch, một khác TP cũng đang chăm lo an sinh xã hội rất tốt, hỗ trợ kịp thời những đối tượng chính sách, gặp khó khăn do dịch bệnh; điều tiết tốt hệ thống cung ứng hàng hóa thiết yếu bằng các chợ, siêu thị, điểm bán hàng lưu động… Cơ bản không thấy có kêu ca của dư luận, chứng tỏ TP đảm bảo yên lòng dân, bởi có yên lòng thì dân mới ở trong nhà không ra ngoài. Nhờ những giải pháp rất đồng bộ, nhận được sự đồng lòng từ cơ sở tới TP, đã góp phần giảm dần số ca bệnh, từ chỗ có thời gian lên tới cả trăm ca mỗi ngày thì hiện chỉ còn vài chục ca.
Tuy nhiên, trong những ngày tới dịch bệnh vẫn sẽ phức tạp, việc tiếp tục giãn cách xã hội là cần thiết và bài học kinh nghiệm cho thấy, Hà Nội cần giữ vững những giải pháp đang triển khai. Lúc đầu làm chặt, nhưng qua nhiều ngày dịch có thể khiến các lực lượng thực hiện nhiệm vụ cảm thấy mệt mỏi, mà lơi lỏng ra, hậu quả sẽ khó lường, trong đó có việc kiểm soát giấy đi đường. Tất nhiên hiện tượng ra đường còn đông cũng có phần do nhiều cơ quan chưa nghiêm túc trong cấp giấy, thậm chí có cấp giấy phép giả hoặc mua bán giấy phép.
Vì vậy, quan trọng nhất hiện nay là TP cần duy trì thường xuyên các biện pháp kiểm soát, tăng tính răn đe, tránh “chặt trong” nhưng “lỏng ngoài”. Đồng thời, cần có cách thức phân công, bố trí, thay thế về lực lượng, làm sao giảm số cán bộ chức năng phải đứng ngoài đường tại các chốt kiểm soát, để tránh gây mệt mỏi, giúp duy trì lâu dài nguồn nhân lực làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Cùng đó, TP cần có cách tuyên truyền hiệu quả hơn để người dân nhận thấy được, việc thực hiện nghiêm giãn cách có thể có những bất tiện, nhưng là giải pháp cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng cho cả cộng đồng. Nếu không làm tốt, làm nghiêm, dịch bùng phát sẽ không thể tính được hậu quả.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến:
Ưu tiên trước hết cho vấn đề bảo vệ sức khỏe người dân
Ngày 23/8, Hà Nội kết thúc một tháng giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, dựa trên nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Cũng bắt đầu từ 6 giờ ngày 23/8, Hà Nội tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6 giờ ngày 6/9 để phòng, chống dịch Covid-19 theo Công điện số 19/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Hà Nội là một trong những tỉnh, TP bị lây lan mạnh. Song kết quả đạt được trong việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND và Công điện số 18/CĐ-UBND của TP Hà Nội đã cho thấy tính đúng đắn, kịp thời, hạn chế được rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, giúp tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát.
Cùng với thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội tiếp tục thực hiện xét nghiệm diện rộng đợt 2 cho người ở khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ và tiêm vaccine trên diện rộng. Báo cáo những ngày qua của Sở Y tế Hà Nội cho thấy số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TP có dấu hiệu giảm tích cực, số ca mắc mới ghi nhận chủ yếu là các trường hợp đã được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa.
Có thể thấy khi dịch bệnh bùng phát, việc siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội như hiện nay ở Hà Nội nhận được sự đồng thuận lớn trong xã hội. Hà Nội có mật độ dân số cao, người dân có xu hướng sống co cụm với thói quen, văn hóa truyền thống là thích tụ tập, giao lưu, tạo điều kiện cho virus lây lan. Hạ tầng cơ sở y tế không thể so sánh được với một số nước tiên tiến.
Hai điểm trừ này được bù đắp bằng điểm cộng là người dân tương đối có ý thức chấp hành các quy định của Chính phủ và chính quyền địa phương, của cơ quan chức năng trong việc phòng, chống dịch; chấp nhận việc giãn cách kéo dài dù chịu nhiều bất tiện, thiệt hại. Song, về lâu dài, việc siết đến mức nào và thời gian bao lâu là hợp lý thì cần có sự tính toán kỹ lưỡng, thận trọng.
Theo quan điểm của tôi, chống lại đại dịch Covid-19 không chỉ đơn thuần là giải bài toán dịch tễ mà còn phải giải cả bài toán kinh tế và quản lý xã hội trong điều kiện rất phức tạp. Chúng ta phải có cách nhìn hệ thống, xác định đúng mục tiêu rồi đưa ra kịch bản thích hợp.
Trong những ngày tới đây, bằng hành động cụ thể, tôi hy vọng Hà Nội sẽ cho thấy mục tiêu chính của mình là dập dịch bằng mọi giá, tạm thời hy sinh lĩnh vực kinh tế hay thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt chống dịch, ưu tiên trước hết cho vấn đề bảo vệ sức khỏe người dân, nhưng vẫn duy trì sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Mục tiêu khác nhau thì việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội sau ngày 6/9 sẽ khác nhau.
Bí thư Đảng ủy phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) Đỗ Kiên Cường:
Giãn cách xã hội kịp thời, cần thiết và khoa học
Việc UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị về việc giãn cách xã hội từ ngày 24/7 theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau đó tiếp tục gia hạn lần 1, rồi lần 2 là rất kịp thời, cần thiết và khoa học. Thực hiện Chỉ thị trên, Nhân dân Thủ đô nói chung cũng như Nhân dân phường Thanh Xuân Nam nói riêng đã thể hiện trách nhiệm cao với bản thân và cộng đồng bằng ý thức tự nguyện, tự giác chấp hành các quy định, “ai ở đâu ở yên đó”, thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội.
Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tuyến tại nhà, chỉ đến cơ quan theo nhiệm vụ và phân công công tác (được cấp giấy đi đường theo quy định). Nhân dân chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết như mua thuốc, mua lương thực, thực phẩm tại chợ dân sinh (theo phiếu đi chợ được chính quyền cấp)... Tại các địa bàn đã duy trì các chốt kiểm soát người ra đường và duy trì các chốt giữ vững hoặc mở rộng “vùng xanh” đạt hiệu quả cao, được Nhân dân đánh giá và ghi nhận.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hiệu và nâng cao hơn nữa hiệu quả của các chốt “vùng xanh”, thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền cơ sở cần siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của lực lượng thi hành nhiệm vụ. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc (đặc biệt là lực lượng trẻ, đoàn viên, thanh niên), phối hợp với lực lượng công an, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố tham gia trực chốt.
Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành các quy định trong thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Cùng đó, động viên khuyến khích, khen thưởng kịp thời những nơi (vùng xanh) làm tốt, chấn chỉnh, nhắc nhở những nơi thực hiện chưa nghiêm...
Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) Lê Khánh Giang:
Những quyết sách đúng theo từng cấp độ của dịch bệnh
Từ góc độ thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương, chúng tôi nhận thấy, các văn bản nhất là các Công điện gần đây của TP chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn được ban hành rất phù hợp điều kiện thực tế, luôn luôn kịp thời và có những quyết sách rất đúng đắn theo từng cấp độ của dịch bệnh, đúng thời điểm, nhằm lãnh đạo chỉ đạo các đơn vị, quận, huyện đến xã, phường. Đồng thời, việc chăm lo đảm bảo đời sống người dân cũng rất được TP quan tâm, kịp thời ban hành nhiều chính sách trong đó có Nghị quyết số 15 của HĐND TP, có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị - xã hội.
Tuy nhiên theo tôi, trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội hiện nay, TP cần tính toán việc cho phép các công ty, đơn vị tự chịu trách nhiệm cấp giấy đi đường cho cán bộ nhân viên, nhằm giảm thiểu tối đa tỷ lệ người dân ra ngoài đường. Thực tế cho thấy xảy ra tình trạng nhiều đối tượng được cấp chưa đúng, chính quyền địa phương hằng ngày cũng xử phạt nhiều trường hợp vi phạm nhưng thực tế chưa phải tất cả, còn rất nhiều bất cập trong việc thực hiện kiểm soát giấy đi đường.
Do đó, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa, trong đó có vai trò quản lý nhà nước, như giao cho chính quyền cấp quận, chính quyền cấp phường, hoặc “trói” trách nhiệm trước pháp luật của những người đứng đầu công ty, doanh nghiệp, để khi họ đặt bút ký giấy đi đường phải đúng người đúng việc. Bên cạnh đó, vẫn cần tiếp tục tuyên truyền thường xuyên, liên tục nhằm tăng cường ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch.