Khu chuyên gia Kim Liên một thời

Hà Nội xưa - nay - Ngày đăng : 07:19, 30/08/2021

Năm 1959, ở phía nam làng Kim Liên, giáp với đê La Thành mọc lên hai khách sạn là Bạch Mai và Bạch Đằng. Khách sạn gồm nhiều dãy nhà cao 4 tầng, theo thiết kế của chuyên gia Triều Tiên, mỗi phòng là một căn hộ khép kín rộng hơn 20m2. Đây là nơi ở của các chuyên gia xây dựng Triều Tiên trong suốt thời gian giúp Hà Nội xây các khu tập thể trên đất làng Kim Liên, Trung Tự.
Khu chuyên gia Kim Liên một thời
Khách sạn Kim Liên ngày nay.

Ngày 12-5-1961, hai khách sạn sáp nhập, lấy tên là Bạch Mai; năm 1963 đổi tên thành khách sạn Chuyên gia (nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa). Người Hà Nội khi đó không gọi là “khách sạn” mà gọi là “khu chuyên gia Kim Liên”. Ngày 5-8-1964, Mỹ gây hấn, dùng không quân đánh phá miền Bắc. Thời gian này, việc xây dựng khu tập thể Kim Liên cũng hòm hòm. Các chuyên gia Triều Tiên được lệnh rút về nước.

Tháng 2-1965, một sự kiện quan trọng diễn ra, đoàn đại biểu cấp cao Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A.N. Kosygin dẫn đầu thăm Việt Nam. Đây là sự kiện có tính bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước. Trong chuyến thăm này, Liên Xô đề nghị hỗ trợ Việt Nam vũ khí, khí tài, chuyên gia để chống lại không quân Mỹ.

Sau ngày đoàn về nước không lâu, vũ khí, khí tài được Liên Xô vận chuyển bằng đường biển sang cảng Hải Phòng và 318 chuyên gia quân sự Liên Xô được cử sang huấn luyện kỹ thuật tên lửa phòng không, hải quân, không quân. Vì huấn luyện trực tiếp nên một số chuyên gia ở tại các đơn vị, số khác ở khu chuyên gia Kim Liên. Số chuyên gia Liên Xô tăng dần và chia ra ở hai nơi là khách sạn La Thành cùng khu chuyên gia Kim Liên.

Năm 1965, máy bay Mỹ ném bom nhiều tỉnh miền Bắc nhưng chưa dám đánh bom Hà Nội. Để hạn chế thiệt hại về người do bom Mỹ gây ra, Hà Nội đã đào nhiều hầm trú ẩn cá nhân, xây hầm gạch nửa chìm nửa nổi hình chữ chi ở nơi công cộng, bến xe, trong công sở, nhà máy...

Đúng như dự đoán, năm 1966, Mỹ đánh bom các vị trí trọng yếu ở Hà Nội như cầu Long Biên, kho xăng Đức Giang, cảng Phà Đen... Tuy nhiên, ở khu chuyên gia Kim Liên chỉ có các hầm trú ẩn cá nhân, không có hầm xây nửa chìm nửa nổi.

Sau này, theo hồi ký của các chuyên gia quân sự Liên Xô, Mỹ biết khu chuyên gia Kim Liên có người Liên Xô ở nên không dám ném bom. Trong hồi ký, bà Liubova Roslyakova, một chuyên gia quân sự dưới danh nghĩa cán bộ thương mại sang Hà Nội tháng 3-1967 kể rằng, khi có báo động máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, bà nhảy xuống hầm cá nhân nhưng hầm quá nhỏ nên bà đành chạy vào nhà. Gọi là khách sạn nhưng đồ đạc trong phòng rất đơn giản.

Cũng trong hồi ký, bà Liubova Roslyakova chia sẻ, từ sân bay Nội Bài, ô tô đón bà rồi chở thẳng về khách sạn Kim Liên. Bước vào phòng, bà rất ngạc nhiên thấy “có 4 cọc sắt bốn góc giường, bên trên lại có rèm”. Vì chuyến bay kéo dài mười mấy tiếng, bà bị mệt nên ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, tỉnh dậy soi gương, bà không nhận ra mặt mình vì các nốt muỗi đốt đầy mặt. Hỏi nhân viên, bà mới biết 4 cái cọc sắt đó để mắc màn, còn cái rèm là màn ngăn muỗi.

Khu chuyên gia Kim Liên một thời
Khu chuyên gia Kim Liên ban đầu theo thiết kế của các chuyên gia Triều Tiên. Ảnh tư liệu

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, miền Bắc coi như hòa bình. Các chuyên gia quân sự và dân sự Liên Xô được phép đưa vợ con theo. Khu chuyên gia lúc này giống như khu gia đình. Hằng ngày, xe Hải Âu đưa lũ trẻ vào phố học, chiều đưa về. Trong hồi ký, thiếu tướng Viktor Demyanenko kể, ngày 17-2-1979, khi xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc thì hôm sau, một đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô gồm 20 tướng lĩnh do đại tướng Gennady Ivanovich Obaturov dẫn đầu bay sang Việt Nam. Ngày 19-2-1979, máy bay hạ cánh xuống Nội Bài, ông được đón về khu chuyên gia Kim Liên.

Khi chưa mở rộng đường Đại Cồ Việt, ở đầu đê - đầu làng Kim Liên (nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa) có mấy quầy bán hoa tươi. Kế bên là mấy bà bán hoa quả, chủ yếu phục vụ các chuyên gia trong khách sạn.

“Cao thủ” tiếng Nga trong các bà bán hoa quả là bà Mão. Bà to béo nhưng hiền lành, tốt bụng. Đến nay, những người cao tuổi ở làng Kim Liên vẫn nhớ câu chuyện bà Mão nói tiếng Nga. Có lần, một bà Liên Xô đến mua dưa hấu. Bà Mão giơ 4 ngón tay, ý là 4 hào. Bà Liên Xô nói tiếng Nga: “Chét tư ra” (nghĩa là 4). Bà Mão tưởng khách bảo “chẻ tư ra”, liền lấy dao bổ quả dưa làm 4 miếng. Thấy vậy, bà Liên Xô đành phải bảo: “Khơ ra xô” (tốt). Bà Mão nghe có âm "xô" tưởng khách bảo cho vào xô, liền nói nửa Nga nửa Việt: “Nhét xô” (không có xô). Bà khách xua tay nói: “Nhét” (không). Bà Mão nghe thế liền nhét 4 miếng dưa vào làn của bà Liên Xô.

Ngày nay, khu chuyên gia Kim Liên đã được cổ phần hóa thành Khách sạn Kim Liên.

HNMCT