Sống đã rồi hãy viết: suy ngẫm về văn chương và thời cuộc
Tản văn - Ngày đăng : 16:33, 01/09/2021
1. Trong nhật ký của mình, nhà văn Nam Cao, viết: “Chao ôi, sống sát cạnh những người chiến đấu mà không thành tâm muốn đổi thì cũng không đổi gì” (Nhật ký, 1950; dẫn theo sách Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học, 1945-1954, Hồi ức kỷ niệm, Nxb.Khoa học xã hội, 1995, tr.158). Đọc lại Nam Cao, không riêng tôi cảm nhận, vẫn thấy rất gần với hơi thở đời sống hôm nay đang nóng rẫy trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” - giặc ở đây là COVID-19. Đó thực sự là một cuộc chiến đấu vĩ đại của toàn dân, là trận đánh của tình thương (tình thương có thể cứu rỗi thế giới).
Bạn bè tôi ở các lĩnh vực, môi trường công tác khác gặp nhau vẫn hỏi: “Các nhà văn đang ở đâu trong trận đánh này?” (với cách nói có vẻ hơi “khiêu khích”). Tôi bao biện: “Mình là dân nghiên cứu, còn anh em sáng tác thì...”. Câu trả lời phải có ba chấm (...), vì rất khó nói ngọn ngành.
Quả thật là cần phải suy nghĩ nhiêm túc về tình hình không mấy lạc quan của sáng tác văn chương trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng, dẫu cho ai đó ác ý nói rằng: “Văn chương không là hàng thiết yếu”, tương tự như nhà thơ Mai Nam Thắng đã viết trên facebook rất cảm thán: “Hát không là hàng thiết yếu” (30/7/2021). Tất nhiên sáng tác văn chương là một hoạt động (lao động) đặc thù, có tính cá nhân hóa cao độ, đòi hỏi thời gian công phu chuẩn bị. Nhưng cũng không vì thế mà nại ra những lý do quá ư đặc thù để biến suy ngẫm thành “ngâm”, sẵn sàng tuyên bố: “Tác phẩm thành công nhất với tôi là tác phẩm sẽ viết”. Thì tương lai này, thiết nghĩ, có vẻ xa xôi, đôi khi phải đo bằng vận tốc ánh sáng!
Có nhà văn trong khi đồng bào mình đang đoàn kết, nỗ lực gắng sức chống dịch thì lại “nhàn cư vi bất thiện”, làm những việc trái với lương tâm nghề nghiệp, đến mức báo chí phải lên tiếng cảnh tỉnh: “Việc 30 lao động nghèo đi bộ từ Bình Định về quê Quảng Ngãi ngày 20/7, khi đến chốt kiểm soát đèo Bình Đê, đã được lực lượng PCD hỗ trợ lương thực, thực phẩm kịp thời và cho xe ô tô đưa đồng bào về tận nhà nhưng đã bị ông nhà văn T.T.C lấy ảnh đưa lên trang cá nhân kèm những thông tin mập mờ xuyên tạc rồi “chửi bới” cả hệ thống chính trị, cho rằng đó là “lỗi hệ thống” của chế độ” (Hồng Ngọc - Đừng “rắc cát vào cỗ máy lớn”, Báo Quân đội nhân dân cuối tuần online, thứ Bảy, 4/8/2021). Thật là buồn khi “con sâu làm rầu nồi canh”. Nếu nói “Văn chương là lương tri của thời đại”, “Nhà văn là kỹ sư tâm hồn”, như những tiên đề/định đề trong toán học, thì trường hợp này, thay đổi/ quay ngoắt 180 độ. Nhưng cũng may mắn cho xã hội, nhà văn kiểu ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay, có thể xếp vào nhóm những “kẻ đốt đền”. Có người nói: “Ông ấy là thợ viết, không phải nhà văn”!
Sáng tác văn chương mang tính đặc thù, như đã nói ở trên. Nhưng thời gian không chờ đợi chúng ta. Không thể nại ra lý do văn chương cần chậm một nhịp so với đời sống, để có cớ nhà văn ung dung chui vào “tháp ngà” , nhấm nháp theo lối “ngắm rớt”, “nhắm rớt” (từ dùng của Hoài Thanh) hiện thực đời sống. Hơn lúc nào hết, nhân dân đang trông đợi tiếng nói của nhà văn, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, để chia sẻ, đồng cảm, động viên, cổ vũ cùng nhau vượt khó, biến nguy thành cơ, qua bĩ cực đến thái lai. Có nhà văn, nhân danh tái nhận thức thực tại, nhưng thực chất để “giải thiêng” luôn hai chữ “đồng bào” (cùng bọc) vốn được coi là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt hàng nghìn năm lịch sử. Nhưng cũng may mắn, đó là một tiếng nói lạc lõng dù đã được ngụy trang bằng “nghệ thuật”.
2. Rõ ràng là, so với các ngành nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh,...văn chương đã chậm hơn một nhịp để kịp đồng hành cùng đất nước, nhân dân trong cuộc chiến chống COVID- 19. Ngay trong nội bộ văn chương, nếu quan sát kỹ sẽ thấy văn xuôi tiến chậm hơn thơ trên cùng một đề tài, cảm hứng, chủ đề.Thực tế này đã được kiểm nghiệm trong những bước ngoặt lịch sử, những thời đoạn nhiều biến động xã hội.
Tiếng thơ cất lên từ trong tâm dịch có khả năng lay động lòng người, lạ thay lại là của những người như cô giáo dạy văn Trần Thu Hà, tác giả bài thơ Đất nước tôi, một cô giáo ở Thanh Hóa, mỗi ngày đi làm bằng ô tô bus hơn 40 cây số; vừa chăm chồng nằm viện dài ngày vừa lên lớp, vừa nuôi dạy con cái, vừa làm thơ. Nhà thơ Thanh Thảo đã có bài viết xúc động về tác giả và bài thơ (đăng trên Thời báo VHNT). Cô giáo Trần Thu Hà, theo chỗ tôi biết, sắp ra mắt bạn đọc tập thơ thứ hai có tựa Ngược gió. Trong tập thơ này hình ảnh đất nước trong gian khổ được dựng bằng những tượng đài ngôn từ trong sáng, cao đẹp đầy nhiệt hứng công dân. Nhà xuất bản Văn học vừa ấn hành tập thơ Mùa nhớ (Thơ những ngày giãn cách) của nhiều tác giả. Cây bút bình văn rất hoạt Đỗ Anh Vũ đã giới thiệu ngắn gọn và hấp dẫn trên báo Văn hóa. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú trong bài Thơ chống dịch COVID - Nguồn năng lượng yêu thương (báo Văn nghệ Công an online, 7/8/2021), đã điểm xuyết thơ của các cây bút Bùi Minh Huệ, Khánh Chi, Nguyễn Loan, Trần Vũ Thìn, Mai Hoa, Nguyễn Giúp, Nguyễn Thị Mai Trâm, Hoàng Vũ Thuật, Võ Quê, Lê Thiếu Nhơn,...Đó là những vần thơ, theo cách diễn đạt của nhà thơ Tố Hữu: “Tôi muốn viết những dòng thơ tươi xanh/ Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy” (Có thể nào yên?, 1962). Theo cách viết của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú, thì đó là những vần thơ hiện thời giàu năng lượng yêu thương. Người đọc sẽ hiểu đó là thơ thời sự, tuy nhiên không giống kiểu thơ trên “Thơ hiện thời plus”. Thơ thời sự nhưng không kém nghệ thuật, ngợi ca vẻ đẹp của những con người yêu nước, yêu nhân dân trên tuyến đầu chống dịch như chống giặc; họ khoác trang phục áo trắng (ngành y tế), áo xanh (lực lượng vũ trang - quân đội),...Như để tiếp sức cho thơ ca, Hội Nhà văn Tp. HCM đã phát động cuộc thi thơ với chủ đề “Nhân nghĩa đất phương Nam”. Qua vòng sơ tuyển (1 và 2), người đọc đã cảm thụ những bài thơ giàu nhiệt huyết và cảm xúc của các tác giảTrần Thế Tuyển, Lữ Mai, Huỳnh Thị Quỳnh Nga, La Quốc Hoa, Nguyễn văn Song, Nguyễn Thị Mai Trâm, Nguyễn Công Bằng, Lan Hương, Thanh Xuân,... (theo websiteVăn chương phương Nam, Hội Nhà văn Tp.HCM, ngày 6 và 8/8/2021)
Nhưng cũng trong bối cảnh đặc biệt có một không hai này, không ít người cổ súy cho một dòng thơ viết theo khuynh hướng “thế sự buồn”. Cũng không sao nếu đó là “nỗi buồn đẹp” có khả năng thanh lọc tâm hồn con người, nâng đỡ con người vượt qua gian nan thử thách. Nhưng người đọc ngày nay, vốn rất thông minh và khó tính, không tin như thế. Nếu tất cả chúng ta ngồi nhìn thế sự buồn, chỉ biết than thở, oán thán và thúc thủ thì điều gì sẽ xảy ra. Không khó đoán, khi nỗi buồn chất đống nỗi buồn thì con người sẽ cạn vơi dần tinh thần chiến đấu, sức sống.
3. Nhà văn Võ Đắc Danh viết: “Nhiều bạn nhắn tin, gọi điện nói anh là nhà văn, sao không thấy anh viết gì về thảm họa Covid? Trời ơi, lo bát gạo cứu đói muốn khùng rồi, đầu óc đâu mà viết? Một đấu gạo với một áng văn chương, cái nào cần thiết cho đồng loại, cái nào có giá trị trong lúc này? Trả lời tôi đi” (Facebook - 7/8/2021). Đúng là cách suy nghiệm riêng của nhà văn viết ký có tiếng này. Không có gì là không đúng. Nhưng viết là một nhu cầu thường trực, tự thân của nhà văn: “Là người cầm bút, trước cuộc chiến sinh tử này, tín hiệu từ trái tim nơi mỗi người, vẫn là trang viết và hãy viết” (Nhà văn Bích Ngân - Facebook, 6/8/2021).
Theo dõi trên các trang website, các báo chí điện tử, mạng xã hội như facebook, sẽ thấy các cây bút văn xuôi có vẻ như đang làm một “cuộc chuẩn bị” dài dài cho sự viết. Một số cây bút văn xuôi được xếp hạng, nhất là trong thể ký, nay thấy có vẻ như đang ẩn dật, náu mình chờ thời cơ đâu đó. Không ít nhà văn có chút tiếng tăm trước đây cố thủ trong những đề tài cũ theo đơn đặt hàng, của một tạp chí điện tử chẳng hạn, với nhuận bút không thể nói là thấp trong mặt bằng hiện nay. Họ thích thú khi bỗng nhiên có “nghệ danh” (có vẻ như chính danh hơn là bút danh). Họ có vẻ như say sưa viết những chuyện kiểu “ăn mày dĩ vãng”, hay “vang bóng một thời”. Cũng không sao nếu những gì viết ra có ích cho đời hôm nay, chứ không phải là sự nổi tiếng hay lợi ích vật chất trước mắt.
Trong số những cây bút viết ký có nghề, người đọc vui mừng gặp lại Sương Nguyệt Minh với tác phẩm mới Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua (bút ký và bình luận), vừa xuất bản gây được tiếng vang. Chính ông, trên Tạp chí Nhà văn & cuộc sống (số 1/2021) đã tổ chức cuộc trò chuyện (đối thoại) giữa các nhà văn (Trần Quang Quý, Nguyễn Văn Thọ, Sương Nguyệt Minh) với PGS.TS. Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế; Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam) về những vấn đề nóng hổi thời sự. Cũng trong Tạp chí này, giới thiệu (trích đoạn) tác phẩm kýParis +14 của tác giả Cù Thu Hương (Pháp). Gần như đồng thời xuất hiện là ký Paris 55 ngày cấm thành của Giáng Hương (Pháp). Nhưng người đọc có nhu cầu đọc tác phẩm của chính các nhà văn Việt Nam, người trong cuộc, viết về những chuyện đời trong bão dịch COVID-19, của đồng bào mình, trên đất nước mình. Đó là một nguyện vọng chính đáng.
Người đọc rất thích thú khi tiếp nhận tác phẩm Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể của bác sỹ Ngô Đức Hùng (Bệnh viện Bạch Mai), Câu chuyện từ trái tim của bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). Những người viết văn “tay ngang”, như cách nói của dân gian, nhưng tác phẩm của họ thực sựchinh phục độc giả vì đã nương theo quy luật của nghệ thuật “từ trái tim đến trái tim”.
Hội Nhà văn Việt Nam hiện có hơn 1000 nhà văn nhưng sự xuất hiện thưa thớt như thế trên văn đàn trong bối cảnh nóng rẫy như hiện nay, liệu có đáng phải suy nghĩ? Vì sao Vũ Hán – Nhật ký phong thành (2020)của tác giả Phương Phương (Trung Quốc) lại được người đọc thế giới đón nhận nồng nhiệt qua bản dịch tiếng Anh và Đức? Một câu hỏi đặt ra cần có câu trả lời không với riêng ai: “Vì sao và vì sao?!”./.