Bộ Quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ: Chưa đủ mạnh để chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ quảng cáo bát nháo

Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 08:42, 09/09/2021

Một trong những mục tiêu quan trọng của Bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) nghệ sĩ mà Bộ VHTT&DL đang xây dựng và chuẩn bị ban hành là chấn chỉnh tình trạng quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội. Tuy nhiên, để bộ QTƯX có hiệu quả, cần có những quy định chi tiết về trách nhiệm của nghệ sĩ.
Làm rõ đối tượng “nghệ sĩ”
Cách đây không lâu, hàng loạt nghệ sĩ như Quyền Linh, Hồng Vân, Nam Thư, Kiều Minh Tuấn, Ngọc Trinh khiến khán giả thất vọng khi quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng. Sau khi bị dư luận và các chuyên gia phản ứng, hàng loạt nghệ sĩ đã lên tiếng xin lỗi và mong khán giả bỏ qua vì sự nóng vội, thiếu kiểm chứng khi quảng cáo. Nhằm chấn chỉnh thực trạng trên, Bộ VHTT&DL xây dựng bản dự thảo Bộ QTƯX đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật khi tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về cộng dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hoá đúng quy định của pháp luật về quảng cáo.
Tiếp nhận bản dự thảo của Bộ QTƯX, nhiều chuyên gia văn hoá nhận định, Bộ QTƯX mang tính định hướng tốt, có giá trị trong việc điều chỉnh hành vi của nghệ sĩ. Tuy nhiên, để Bộ QTƯX thực sự đi vào cuộc sống, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Ông Nguyễn Đình Thành, chuyên gia Quản trị và Truyền thông văn hóa góp ý nên bổ sung nội dung hành xử một cách có trách nhiệm về nội dung quảng cáo. “Tuy điều này không có tính ràng buộc trách nhiệm thực tế cao, nhưng cũng là một lời khuyến cáo nhằm đánh động cho nghệ sĩ trước khi kí hợp đồng quảng cáo”, ông Nguyễn Đình Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Thành đề xuất bổ sung nghệ sĩ âm nhạc, nghệ thuật âm thanh, nghệ thuật đường phố, DJ, VJ… vào lĩnh vực hoạt động của nghệ sĩ, thay vì bó hẹp như hiện nay. Ban soạn thảo có thể bổ sung ở mục phát ngôn những gì nghệ sĩ được nói ra ngoài đời thực hoặc những bình luận, đánh giá, check-in địa điểm hoặc bài đăng trên không gian mạng bằng văn bản, từ viết tắt hình ảnh, video, các biểu tượng cảm xúc. Trên thực tế có những cuộc khủng hoảng xảy ra từ việc sử dụng các yếu tố này không phù hợp.
Đồng quan điểm trên, ca sĩ Tô Minh Vũ (Yanbi) cho rằng: “Tôi nghĩ nếu có bất kỳ QTƯX dành cho nghệ sĩ thì phải có định nghĩa rõ ràng ai được coi là nghệ sĩ. Nghệ sĩ là người được cấp giấy phép hành nghề, làm việc trong một cơ quan nghệ thuật hay là những người đam mê nghệ thuật, nổi tiếng từ việc có một vài ca khúc, bộ phim trên MXH được đông đảo công chúng yêu thích và biết tới. Nếu chỉ quy tắc ứng xử dành cho người nổi tiếng, thì bất kể ai được công chúng biết đến rộng rãi, không cần hoạt động nghệ thuật cũng được tính vào diện phải chấp hành theo bộ quy tắc này. Với việc quảng cáo không sản phẩm không trung thực, tôi cho rằng cần bổ sung hướng dẫn và cơ sở pháp lý để nghệ sĩ nói riêng nắm rõ và áp dụng cho mọi công dân, không chỉ riêng giới nghệ sĩ”.
Cần có các quy định nên và không nên
Theo GS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: “So với các văn bản quy phạm pháp luật, bộ QTƯX chưa có giá trị để xử phạt vi phạm nhưng có giá trị lớn trong việc điều chỉnh hành vi, nâng cao nhận thức”. Các chuyên gia văn hoá cũng cho rằng, hiện nay đã có Bộ QTƯX trên mạng xã hội do Bộ TT&TT ban hành trước, trong đó đề cao nguyên tắc: “Trách nhiệm, Tôn trọng, Lành mạnh, An toàn”. Bộ quy tắc này đã có tác dụng nhất định làm cơ sở định hướng hành vi và đánh giá trên mạng xã hội. Bộ VHTT&DL có thể tham khảo cách làm này để bộ quy tắc được cụ thể hóa, phù hợp với đối tượng nghệ sĩ. Bộ QTƯX cần dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, khả thi và phù hợp”.
Bởi thực tế, một số nghệ sĩ sau khi đọc Bộ QTƯX chia sẻ cần phải có những quy định rõ ràng định nghĩa thế nào là "trái với thuần phong mỹ tục", "phản cảm", "đi ngược với truyền thống"... để người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật hiểu rõ để tuân thủ, hay người thực thi áp dụng có thể làm chính xác không mang tính chất chủ quan, cảm tính, đưa ra những xử phạt không hợp lý hay gây tranh cãi.
Nhìn chung, bộ QTƯX cũng tạo ra sự đồng thuận của xã hội trong việc đánh giá, nhìn nhận hành vi của nghệ sĩ, tốt cho môi trường chung của xã hội. Tuy nhiên, để bộ QTƯX có thể thực sự trở thành kim chỉ nam cho nghệ sĩ soi chiếu cần tiếp tục bổ sung, để định hướng rõ ràng việc nào nên làm, không nên làm, phải làm và không được phép làm trong hoàn cảnh, hoạt động nhất định.

KTĐT