Một Khau Vai số phận
Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 14:22, 10/09/2021
Cho dù không tường tận câu chuyện tình dang dở giữa chàng trai người Nùng và cô gái người Giáy, nhưng sự tồn tại cả trăm năm nay một kiểu chợ độc đáo - chợ phong lưu, thường gọi là chợ tình Khau Vai, mỗi năm chỉ diễn ra một lần vào ngày 27 tháng Ba âm lịch, cuốn hút biết bao thế hệ trai gái thuộc các tộc người khác nhau trên vùng cao nguyên đá trùng điệp Hà Giang, cho ta thấy nhận thức về tình yêu thật phóng khoáng, thật lãng mạn, thật nhân tình thế thái trong dân gian từ rất sớm. Người dân ở đây hát rằng:
Không được làm ruộng thì làm nương
Không được làm vợ thì làm người tình
Yêu nhau hay làm người tình của nhau, thì “quyền” ấy của người phụ nữ, nảy nở những hò hẹn, chờ mong:
Đợi anh hết mùa lạnh, đợi anh qua mùa đào
Vượt đỉnh Mã Pì Lèng, ta tìm về với chợ Khau Vai
Lẫn trong dòng người đến với Khau Vai, chàng thi sĩ xứ Đoài như bỗng hóa thân vào vai người tình bấy lâu ngóng trông khắc khoải cuộc gặp gỡ sau bao trùng trùng cách trở với nỗi buồn thầm lặng mà chỉ Khau Vai mới có thể đồng cảm:
Một người đi tìm một người
Bao nhiêu người đi tìm bao nhiêu người?
Khau Vai buồn như đá
Chỉ ở Khau Vai mới đọng lại những vết bầm, hằn trên cơ thể núi non thành địa tầng như những lớp hóa thạch qua thăng trầm vẫn khắc vào ký ức thiên nhiên muôn thuở cái dang dở những mối tình trai gái.
Trời ơi Khau Vai
Khau Vai nhìn qua nước mắt
Bao bong bóng về trời
Thương buồn gửi lại…
Chàng thi sĩ xứ Đoài “gửi lại thương buồn” trước ngày về chốn thiên thai chỉ khoảng một năm. Không biết Trần Hòa Bình nhìn “Khau Vai… qua nước mắt” từ khi nào và bao lần đắm chìm trong sắc buồn của đá Khau Vai, chỉ biết rằng ở cách xa cả ngàn cây số trên đất Lục Nam (Bắc Giang), vào năm 2007, tiếng vọng từ chợ tình nơi địa đầu Tổ quốc bỗng thăng hoa, lắng vào mạch thơ với bước nhịp ngập ngừng, day dứt:
Em có anh xa xót thế này sao?
Câu hỏi này chẳng phải của riêng “em”. Cái “xa xót” là của chung chúng mình. Câu hỏi như láy lại câu hỏi mà thi sĩ đã đặt ra trước đó: “Hạnh phúc là gì, hạnh phúc có thật không?” (Bài hát ru hoa sen). Cả hai đều trực diện, nhưng câu hỏi sau đã buông bỏ lớp vỏ duy cảm, nghiêng hẳn về duy mỹ, đầy đặn chất thơ. Cũng tương tự, bài thơ Khau Vai hoàn toàn không còn bóng dáng triết lý của Thêm một:
Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết…
và
Thêm một người thứ ba
Chuyện tình đâm dang dở
Có thêm một lời hứa
Lại một lần khả nghi!
Tình yêu trong đời vừa thực vừa ảo. Khó nắm bắt. Rồi lại khó thả rơi. Khi tiến tới hôn nhân, tưởng đã gặt hái thành công, nhưng hóa là thất bại; hay chính xác, thành công chỉ là tạm thời, trong khoảng khắc, lẫn vào muôn vàn thất bại vừa có vị đắng đót, chua cay vừa dâng lên chút ngọt ngào giấu sâu trong ký ức khó bề gột rửa. Chính sự tạm thời của thành công luôn hối thúc con người ta không ngừng kiếm tìm con đường đi tới tình yêu đích thực, tuy biết rằng nó rất mong manh, dễ vỡ:
Anh cũng hệt dã quỳ ven nắng
Đẹp thắt lòng trong tuyệt vọng yêu đương
Người và trời bỏ quên bên đồi vắng
Rồi cho em một lần tận thấy, phải không em?
(Dã quỳ tận thấy)
Truyện ngắn Sen Hồng mấy độ đăng trên báo Văn nghệ gần đây, dù tác giả Vũ Khánh cố tình không đặt tên cho nhân vật “anh” - “người bạn tôi”, thì vẫn không giấu được bóng dáng của nguyên mẫu là chàng thi sĩ xứ Đoài đa tài và đa tình, đẫm đầy trong hồn thơ bảng lảng mây trời gió núi:
Cớ sao mắt em buồn như đêm mưa xứ đồi
Chỉ mình anh nhận thấy
Sớm mai ra là góc bể chân trời
Chúng mình xa nhau mãi mãi
Đưa tiễn một thời con gái
Mưa bây giờ lùa ướt tóc anh…
(Mai em về nhà chồng)
Đó cũng là cái mà người ta dường như càng khát khao yêu đương càng lâm vào cảnh cô đơn, lẻ bóng:
Thôi em ạ, anh lại làm thi sĩ
Cúi lạy em - bài thơ cũ thương buồn
Anh lại bay dưới bầu trời đơn lẻ
Với đôi cánh ba mươi đã bị trúng thương…
(Khúc giã biệt)
Và:
Anh đã trót đi bên lề niềm khao khát của em
Trong chiêm bao mắt em còn trách móc
Bây giờ ánh trăng bạc đã lặn vào mái tóc
Anh đánh mất rồi cánh đồng mộng mơ!
(Chiêm bao)
Tôi biết Trần Hòa Bình không phải chỉ có ngần ấy bài thơ in trong Tuyển tập tác phẩm do gia đình và bạn hữu sưu tầm và tuyển chọn sau khi ông mất (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2009). Tất nhiên, Trần Hòa Bình không chỉ làm thơ tình, song thơ tình của ông nổi trội, vang ngân âm hưởng đa chiều, đa hướng, kết lại những viên ngọc phát ra những tia sáng xuyên thấm màn sương mờ của thế giới tình yêu nhiều trắc trở nhưng đầy khát vọng. Thơ của ông in dấu những miền đất ông từng đến, từng trở đi trở lại. Ông là người ham xê dịch, bất kể lúc nào có thể trong vai lãng tử đam mê suốt dọc dài đất nước. Hồi ở Xuân Hòa, nơi chúng tôi cùng giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trần Hòa Bình viết tặng Bùi Quang Thanh bài thơ Thời chúng ta với nhiều hình ảnh đáng nhớ:
Ôi những tháng năm ồn ào và tĩnh lặng
Phàm tục và thiêng liêng
Như bão xô trên vai tuổi hai mươi lẻ
Phút du ca, phút lại thánh hiền!
Chỉ mấy năm sau đó, người thơ ấy đã nhanh chóng lắng vào chiều sâu của cái tôi cá thể:
Tôi im lặng giữa căn phòng im lặng
Người ấy kia - ngọn lửa cháy tơi bời
Lần thứ nhất tôi biết mình chiến bại
Đốt một núi thơ tình, ngọn lửa ấy mà thôi!
(Người ấy)
Câu thơ cuối, thi sĩ nói thật về việc đốt thơ bằng ngọn lửa tình chiến bại. Chẳng ngờ, thơ không tan thành tro bụi mà vẫn cháy sáng bởi sự tiếp năng lượng từ chính nguồn yêu không cạn trong trái tim thi sĩ, trở thành hơi ấm lời ru:
Ngủ đi những đóa hoa lạ nhà
Hãy mơ giùm ta một mùa đôi lứa
Đêm nay hồn ta hé nở
Nhớ một đầm sen
Thổi gió dài tóc em…
(Bài hát ru hoa sen)
Lời ru ấy không tin người thính tai mà lựa ai mắt trong để đọc thấu ráng mây, hướng gió:
Ôi những đám mây bời bời trên đỉnh núi
Những bài thơ không vần viết mãi chưa xong
Ai mắt trong thì về đây mà đọc
Mây chẳng vô tình, gió chẳng hư không…
(Mây trắng bay)
Thơ tình Trần Hòa Bình thế đấy, cứ vương quấn vào cái số phận không bến bờ, cứ lãng du đằng đẵng những dấu ba chấm (…) hay dấu chấm than (!) ở những khổ thơ, bất kỳ chỗ nào trong mỗi bài thơ, khiến “sự” đọc trôi theo nhịp của ý thơ:
Rồi con sáo cũng bay đi với trời xanh của nó
Bỏ lại mình anh bài hát cỏ may
Không thể hát, anh gọi em theo gió
Ngàn bông may nhoi nhói trong lời…
(Con sáo nhỏ và bài hát cỏ may)
Cái số phận đâu chỉ áp chặt đời người:
Dẫu những câu thơ như phận lá về ngàn
Anh vẫn thả rợp một chiều dại dột
Trái tim yêu - vó ngựa hoang thảng thốt
Lục lạc rung theo những lối hoa vàng…
(Lối hoa vàng)
Thơ tình Trần Hòa Bình theo “lối hoa vàng” tìm thấy ở chợ phiên cao nguyên đá Đồng Văn những bước chân thổn thức tìm nhau của bao đôi trai gái yêu nhau, không thành vợ thành chồng thì thành người tình trăm năm hẹn hò. Ừ nhỉ, cách nghĩ của người rẻo cao đại ngàn thật dung dị mà đâu có giản đơn, nó biến thành nét văn hóa rất bản sắc, nhân văn. Đời mỗi người mấy ai yêu một lần. Mối tình đầu bao giờ cũng ẩn tàng hoài niệm dài lâu, khắc khoải âm thầm. Sinh ra “Chợ tình Khau Vai” nhằm giải tỏa nỗi sầu của những con tim chung tình, chứ đâu có là nơi bán mua trao đổi. Có những đôi vợ chồng cùng tìm về Khau Vai, mỗi người tìm đến người tình thuở hoa niên đầy mộng mơ, rồi cả hai lại trở về tổ ấm gia đình với lòng tin tưởng không mảy may gợn điều trắc ẩn. Một sự thật mà người thơ Trần Hòa Bình ý thức đầy đủ và viết thành những câu thơ để lại dư ba có âm thanh và màu sắc:
Quì trước núi mà tin thôi em ạ
Ai trong đời chẳng có một Khau Vai
Nhọn sắc đá tai mèo
Cứa vào thương nhớ
Hãy nhìn nhau nhìn nhau trước gió
Em sẽ thấy một Khau Vai trong số phận chúng mình
Không biết Khau Vai đã là bài thơ cuối cùng của thi sĩ họ Trần xứ Đoài hay chưa, song Khau Vai là bức chân dung tự họa bằng thơ tình hoàn chỉnh của Trần Hòa Bình. Tôi tin như vậy!