9 biện pháp phòng chống cháy, nổ trong thời gian cơ sở sản xuất ngừng hoạt động do dịch bệnh Covid-19
Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 17:48, 12/09/2021
Bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngừng hoạt động do dịch bệnh trong thời gian giãn cách là một nhiệm vụ hết sức cần thiết.
Theo Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, dịch bệnh covid-19 hiện nay đang diễn biến vô cùng phức tạp. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều cơ sở sản xuất, đặc biệt là các cơ sở sản xuất trong khu vực phong tỏa đã dừng hoạt động một phần hoặc toàn phần để đảm bảo giãn cách dẫn đến không duy trì đầy đủ các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH, khi xảy ra sự cố dễ phát sinh cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Do đó, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH khuyến cáo một số biện pháp an toàn PCCC đối với các cơ sở ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách, cụ thể như sau:
1. Ngắt nguồn điện đối với các khu vực, thiết bị ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
2. Đối với các thiết bị cần duy trì nguồn điện, phải được lắp đặt thiết bị điện bảo vệ (aptomat, cầu chì…) và bố trí lắp đặt ở vị trí thuận tiện cho việc vận hành trong trường hợp cần thiết.
3. Duy trì các điều kiện về đường, lối thoát nạn bên trong cơ sở đảm bảo thông thoáng để thuận tiện cho việc triển khai lực lượng, phương tiện PCCC và CNCH khi có tình huống cháy nổ xảy ra.
4. Bố trí, sắp xếp thiết bị, dây chuyền sản xuất, hàng hóa, vật tư bảo đảm yêu cầu ngăn cháy lan; không bố trí hàng hóa, vật tư, vật liệu dễ cháy và dễ bắt cháy gần với vị trí đặt ổ cắm điện, các thiết bị đóng ngắt cầu dao, aptomat, các thiết bị tiêu thụ điện, đặc biệt là thiết bị có khả năng sinh nhiệt, tia lửa dễ dẫn đến khả năng xảy ra cháy lan do tiếp xúc hoặc khi có sự cố chập điện.
5. Kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống báo cháy, chữa cháy bảo đảm hoạt động theo đúng công năng thiết kế, bảo đảm duy trì nguồn điện chính và nguồn điện dự phòng cấp cho hệ thống này.
6. Trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy, phương tiện phá dỡ và cứu hộ, cứu nạn tại chỗ phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở, dự trữ đủ chất chữa cháy theo quy định.
7. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng, dầu, chất lỏng cháy cần có biện pháp bảo quản tại nơi riêng biệt, thông thoáng nhằm loại trừ (ngăn ngừa) nguy cơ tạo thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ.
8. Rà soát, điều chỉnh phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ phù hợp với khả năng bố trí lực lượng tại chỗ và bảo đảm điều kiện phòng dịch.
9. Tùy thuộc vào yêu cầu giãn cách của địa phương, định kỳ bố trí người tuần tra, kiểm soát các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đối với cơ sở.