Yên bình làng cổ Ước Lễ
Hà Nội - Ngày đăng : 11:43, 18/09/2021
“Bảo tàng” về lối sống nông nghiệp
Ước Lễ gây ấn tượng đặc biệt ngay từ cổng làng - một công trình kiến trúc bề thế, có hình dáng như cổng thành với những nét đặc trưng mang phong cách nghệ thuật thời Mạc (thế kỷ XVI). Cổng làng nằm sau cây cầu uốn cong bắc qua một con hào nhỏ. Trên cổng đề ba chữ: “Ước Lễ môn”, nghĩa là “Cổng Ước Lễ”, với hàm ý: Người quân tử dù học hành cao rộng vẫn phải tôn trọng lễ giáo... Hai bên cổng có đôi câu đối bằng chữ Hán, thể hiện niềm mong cầu cho những người con của làng ra ngoài làm ăn luôn thuận lợi, công thành danh toại.
Cổng làng là một công trình kiến trúc gồm 2 tầng. Phía dưới là tường gạch để mộc, ở giữa có một cổng vòm rộng. Bên trên là vọng lâu có tấm biển đề 4 chữ “Mỹ tục khả phong”, nghĩa là “Phong tục hay nên theo”. Dòng lạc khoản đề trên tấm biển cho biết, 4 chữ này do triều đình ban tặng vào năm Tự Đức thứ tư (1851) bởi làng Ước Lễ từng có quỹ "Nghĩa thương" chuyên cứu tế dân nghèo. Điều này cho thấy Ước Lễ là một ngôi làng khá giả, có truyền thống tương thân tương ái và trọng lễ nghĩa.
Bao quanh cổng và toàn bộ ngôi làng là con hào nhỏ cùng lũy tre ken dày - lối kiến trúc điển hình của làng quê Bắc Bộ, nhằm bảo vệ xóm làng khỏi trộm cướp, nhờ đó cuộc sống của người dân làng Ước Lễ luôn yên bình. Trải qua nhiều thế kỷ, Ước Lễ vẫn bảo tồn nguyên vẹn hệ thống di tích với mật độ dày đặc, gồm 6 đình, chùa, nhà thờ, 6 giếng cổ cùng chợ làng, cây đa cổ thụ và những nếp nhà cổ mang nét đặc trưng của xứ Đoài. Gắn với các di tích là những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Đó là tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng - Tể tướng Lữ Gia, vị anh hùng trong cuộc chiến tranh chống quân Nam Hán xâm lược. Ngày nay, dân làng thường tổ chức Lễ hội đình Ước Lễ để tưởng nhớ ngài vào ngày 12 tháng Tám (âm lịch) hằng năm.
Ngoài ra, ở Ước Lễ còn có một phong tục khác vô cùng độc đáo, đó là tục ăn “Tết bù” vào ngày rằm tháng Giêng. Phong tục này xuất phát từ việc dân làng thường bận làm giò chả phục vụ nhu cầu ăn Tết của người dân khắp nơi nên không thể chuẩn bị Tết chu đáo. Vì thế, rằm tháng Giêng mới là dịp các gia đình ở Ước Lễ quây quần ăn “Tết bù”. Nhờ bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp nên Ước Lễ được ví như một “bảo tàng” về lối sống nông nghiệp của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Điểm đến tiềm năng
Khung cảnh cổ kính, yên bình ở Ước Lễ là một trong những thế mạnh để phát triển du lịch. Nơi đây thu hút nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đến ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Anh Nguyễn Viết Mạnh (Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội) chia sẻ: “Có thời gian là tôi cùng bạn bè lại về các làng quê ngoại thành Hà Nội để chụp ảnh. Tôi rất thích làng cổ Ước Lễ bởi vẻ đẹp cổ kính, bình dị. Nếu được đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch cùng thiết kế tour hợp lý, Ước Lễ có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn”.
Là địa phương sở hữu hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và làng nghề đa dạng, Thanh Oai có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch tâm linh, làng nghề. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho biết, huyện đã và đang kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để tu bổ cấp thiết một số di tích xuống cấp tại làng Ước Lễ, qua đó vừa bảo tồn, phát huy giá trị di tích vừa phát triển du lịch.
“Ước Lễ là điểm đến thuộc một trong hai tuyến du lịch chủ đạo của huyện Thanh Oai, gồm Làng cổ Cự Đà - chùa Bối Khê - làng cổ Ước Lễ - làng Vác. Tuyến du lịch này giúp du khách tìm hiểu những ngôi làng cổ mang đậm giá trị văn hóa đặc trưng của xứ Đoài kết hợp với trải nghiệm tham quan các làng nghề truyền thống”, ông Lợi nói.
Mặc dù nghề làm giò chả đã hình thành, phát triển qua 5 thế kỷ, nhưng không giống các làng nghề khác thường sản xuất sản phẩm truyền thống tại chỗ, hầu hết người Ước Lễ đều tỏa đi khắp các vùng miền để lập nghiệp và giữ gìn nghề truyền thống của cha ông. Hiện ở làng chỉ còn dưới 10 hộ làm nghề. Vì thế, việc đưa khách đến tham quan, tìm hiểu tại làng sẽ vừa gia tăng trải nghiệm cho du khách, vừa góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của làng Ước Lễ trong thời gian tới.