Bài 4: Yêu cầu chung về an toàn PCCC

Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:42, 21/09/2021

Tùy vào từng đối tượng cụ thể ở mỗi đơn vị địa phương, ngành, căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn,… đặc điểm tính chất, quy mô,… của cơ sở để đưa ra các yêu cầu về an toàn PCCC sao cho phù hợp.

Bài 1: Để quần chúng hiểu về PCCC
Bài 2: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác PCCC
Bài 3: Nghĩa vụ và trách nhiệm phòng cháy chữa cháy

Các yêu cầu đối với một số đối tượng cụ thể

Yêu cầu về an toàn PCCC đối với khu dân cư được quy định tại Điều 17 Luật PCCC

Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn, các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

Thôn, ấp, bản, tổ dân phố phải có các quy định, nội quy về phòng cháy và chừa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ, phải có giải pháp ngăn cháy, có phương án, lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy, có đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy.

Yêu cầu về an toàn PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới được quy định tại Điều luật 18 PCCC

Phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên, phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ phải đảm bảo các điều kiện quy định cửa cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy.

Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy thì cơ quan đăng kiểm chỉ cấp chứng chỉ đăng kiểm khi đã được cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy xác nhận đủ điều kiện; các phương tiện trên khi đóng mới hoặc cải tạo phải được duyệt thiết kế.

Chính phủ quy định các loại phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Phương tiện giao thông cơ giới của tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi vào lãnh thổ Việt Nam phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chủ sở hữu, người chỉ huy, người điều khiển phương tiện giao thông phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong suốt quá trình hoạt động của phương tiện.

Yêu cầu về an toàn PCCC đối với chợ, TTTM, kho tàng được quy định tại Điều 25 Luật PCCC

Tại các chợ quy mô lớn và trung tâm thương mại phải tách điện phục vụ kinh doanh, sinh hoạt, bảo vệ và chữa cháy thành từng hệ thống riêng biệt, sắp xếp các hộ kinh doanh ngành hàng đáp ứng yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy, có phương án thoát nạn và giải tỏa hàng hóa khi có cháy xảy ra.

Tại các kho tàng phải tách điện phục vụ sản xuất, bảo vệ và chữa cháy thành từng hệ thống riêng biệt, sắp xếp vật tư hàng hóa đáp ứng yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Kho chứa các chất nguy hiểm về cháy, nổ phải là kho chuyên dùng.

Yêu cầu về an toàn PCCC đối với rừng được quy định tại Điều 19 Luật PCCC

Trong quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác rừng phải dựa trên cơ sở phân loại rừng để xác định phạm vi bảo vệ an toàn phòng cháy và chữa cháy, phải phân chia rừng theo mức độ nguy hiểm về cháy và có biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với từng loại rừng.

Khi lập quy hoạch, dự án phát triển rừng phải có phương án phòng cháy và chữa cháy cho từng loại rừng.

Các cơ sở, nhà ở trong rừng hoặc ven rừng, đường giao thông, đường ống dẫn các chất nguy hiểm về cháy, nổ, đường điện đi qua rừng hoặc ven rừng phải đảm bảo khoảng cách, hành lang an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với rừng theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khi tiến hành các hoạt động trong rừng hoặc ven rừng phải tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.

Chính phủ quy định cụ thể về phòng cháy đối với rừng.

Yêu cầu về an toàn PCCC đối với bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà nghỉ, vũ trường, rạp hát, rạp chiếu phim và những nơi đông người khác được quy định tại Điều 27 Luật PCCC

Tại bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà nghỉ, vũ trường, rạp hát, rạp chiếu phim và những nơi đông người khác phải có phương án thoát nạn; có lực lượng hướng dẫn, trợ giúp cho mọi người. Đặc biệt, đối với những người không có khả năng tự thoát nạn, phải có phương án phối hợp với các lực lượng khác để chữa cháy.

Việc tổ chức thực hiện các biện pháp PCCC

Với từng cơ sở, địa bàn cụ thể cần đưa ra các biện pháp thực hiện PCCC, hướng dẫn thực hiện các biện pháp đó sao cho phù hợp với từng đơn vị cơ sở, địa bàn cụ thể. Trong mỗi đơn vị cơ sở cần hướng dẫn quần chúng cách quản lý và sử dụng an toàn các chất cháy, chất nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa sinh nhiệt nhằm đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong suốt quá trình hoạt động. Bố trí nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy. Việc bảo quản, sử dụng phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy; những việc phải làm để phòng ngừa cháy, nổ hoặc khi có chảy, nổ xảy ra.

Biểu dương đơn vị, cá nhân làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy

Đơn vị, cá nhân làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy được khen thưởng

Trong quá trình thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật PCCC cần làm tốt công tác Biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác PCCC tại đơn vị cơ sở. Có như vậy mới thúc đẩy được tinh thần tự giác làm tốt công tác PCCC trong quần chúng nhân dân. Đó là phương pháp công tác khoa học, thể hiện tính tích cực chủ động đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC. Biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác PCCC, có được điển hình tiên tiến sẽ thúc đẩy phong trào tiến lên vững chắc và mạnh mẽ. Với ý nghĩa đó cần có kế hoạch xây dựng và nhân điển hình tiên tiến, để có kinh nghiệm thực tế chỉ đạo phong trào chung.

Tuy nhiên, bên cạnh việc biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác PCCC thì người tuyên truyền viên cần nhắc nhở, phê bình những đơn vị, cá nhân chưa làm tốt hoặc còn vi phạm các quy định an toàn PCCC.

(Hết)

Nhóm PV