Dấu ấn Cuba ở Ba Vì
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 11:40, 24/09/2022
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết. Quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, miền Bắc tạm thời hòa bình. Từ những nơi sơ tán, người Hà Nội hồ hởi tay xách nách mang, gồng gánh, thồ đồ đạc bằng xe đạp trở về thành phố. Thời điểm này gần Tết Nguyên đán nên phố phường nhộn nhịp, náo nức.
Đêm giao thừa 1973, hồ Gươm đông chưa từng thấy, người chen người, người chen hoa. Trong không khí hân hoan ấy có cả các chuyên gia Cuba đang làm việc tại Trung tâm gà giống Ba Vì, Trại bò giống Moncada ở xã Tản Lĩnh, Ba Vì, về Thủ đô chung vui. Họ kéo thanh niên Hà Nội nhập cuộc, tạo thành một vòng tròn thân ái nhảy múa quanh hồ Gươm và hát vang bài “Guantanamera”. Người yêu âm nhạc trước đó chỉ được nghe bài hát này qua đĩa than hoặc nghe các ca sĩ người Việt hát bằng tiếng Việt. Đây là lần đầu họ được nghe chính người Cuba hát bài ca nổi tiếng thế giới này bằng tiếng Tây Ban Nha tại Hà Nội.
Tháng 9-1973, Chủ tịch Cuba Fidel Castro sang thăm Việt Nam, ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đi thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Sau chuyến thăm này, thay mặt chính phủ Cuba, Chủ tịch Fidel Castro đã tặng Hà Nội một khách sạn mang tên Thắng Lợi ở Nghi Tàm bên hồ Tây và trại gà Mỹ Lương ở huyện Chương Mỹ (khi đó thuộc tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội). Sự giúp đỡ này đáng trân trọng vì thời kỳ đó, Cuba cũng khó khăn, cuộc sống người dân còn thiếu thốn.
Trước trại gà Mỹ Lương, năm 1970, Cuba đã giúp Việt Nam xây dựng Trung tâm gà giống Ba Vì ở xã Tản Lĩnh. Trại gà này có nhiệm vụ cung cấp gà giống cho các tỉnh miền Bắc và cung cấp trứng cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để sản xuất vắc xin. Không chỉ cử chuyên gia sang hướng dẫn xây chuồng trại, lò ấp, quy trình chăm sóc, chính phủ Cuba còn đưa giống gà Lơ-go lông trắng, một năm đẻ hơn 200 quả trứng. Cuộc sống của các chuyên gia Cuba cũng như công nhân Việt Nam kham khổ, ăn sáng có khi chỉ là củ sắn, củ khoai luộc, sang hơn thì có bánh mỳ với sữa do Nông trường quốc doanh Ba Vì cung cấp. Từ khi trại đi vào hoạt động, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương không còn phải ra chợ mua gom trứng để sản xuất vắc xin nữa. Và chuyện thật không đùa, các chuyên gia không cho mình đặc quyền ăn trứng dù chỉ một quả. Sau năm 1975, gà giống từ đây được chuyển đi khắp nước và xuất hiện cụm từ "gà công nghiệp".
Cuba cũng giúp ta xây dựng Trung tâm tinh đông viên bò giống Moncada. Moncada là một pháo đài cổ, biểu tượng chiến thắng của cách mạng Cuba, là cái tên đã quá quen thuộc với những người yêu mến hòn đảo tự do này. Khi đó, giống bò vàng của Việt Nam còi cọc, trọng lượng chỉ 200kg, vì thế, cải tạo bằng cách lai với giống bò có trọng lượng lớn để tăng sản lượng thịt cũng là nhiệm vụ cấp bách. Tuy nhiên, nếu áp dụng cách lai truyền thống là đưa bò đực đi các nơi phối giống thì sẽ phải cần rất nhiều bò đực giống và phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Nếu có một trung tâm tinh thì chỉ cần rất ít bò đực, dùng các phương pháp khoa học cho con bò xuất tinh và làm đông lại, sau đó mang viên tinh đông đi thụ tinh cho bò cái vàng thì thời gian lai giống sẽ rút ngắn và đỡ tốn kém. Cùng với máy móc, thiết bị, những con bò đực giống đầu tiên từ Cuba lênh đênh trên biển, cập cảng Hải Phòng và được đưa thẳng lên Nông trường quốc doanh Ba Vì. Vì thế, trong bài thơ “Bài ca xuân 71” của Tố Hữu có câu: “Anh họa sĩ làng Hồ/ Lại đây anh mà vẽ/ Đàn bò mộng Cuba đủng đỉnh đi ngắm núi Ba Vì”. Chúng được chăm sóc với chế độ đặc biệt. Thời đó, công nhân nông trường ăn sắn, ngô nhưng khẩu phần ăn của bò phải đủ đạm và các chất dinh dưỡng để tinh có chất lượng. Nhờ các chuyên gia Cuba, năm 1972 - 1973, Trung tâm tinh đông viên bò giống Moncada đã sản suất thành công viên tinh đông đầu tiên. Năm 1974, bắt đầu dùng tinh đông viên phối giống cho kết quả rất tốt. Rồi những con bê lai ra đời với trọng lượng lớn là sự khởi đầu tốt đẹp của việc cải tạo đàn bò vàng hàng triệu con sau này. Đầu năm 1976, Cuba lại giúp làm đường 21 từ Ba Vì đến thị trấn Xuân Mai, đường vào Trại gà giống ở xã Tản Lĩnh.
Thời gian trôi đi, Hà Nội đã thay đổi nhiều. Những con đường ở Ba Vì, Sơn Tây ngày nay rộng hơn. Mặc dù vậy, người dân Ba Vì vẫn thường gọi đường 21 bằng cái tên vô cùng thân thương: Đường Cuba. Và dù trại gà giống, Trung tâm tinh đông viên bò giống Moncada cũng đã cổ phần hóa nhưng trong câu chuyện của người Ba Vì vẫn thường có hai chữ Cuba.