Hạn chế rủi ro thiên tai kết hợp phòng, chống dịch
Tin tức - Ngày đăng : 22:03, 23/09/2021
Huyện Ba Vì là nơi hợp lưu của 3 dòng sông lớn (Đà, Thao, Lô) và nằm ở hạ du hồ thủy điện Hòa Bình... Nói về hiện trạng các tuyến đê hiện nay, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Ba Vì Nguyễn Thị Minh Thanh cho biết: Huyện Ba Vì có hơn 36km đê chống lũ các sông (Đà, Hồng) bảo vệ trực tiếp người dân của 15 xã, thị trấn ven đê. Mặc dù các cấp, ngành thường xuyên đầu tư kinh phí gia cố, tu bổ nhưng do nhiều năm nay chưa được thử thách với lũ lớn; thân đê ẩn chứa dị tật như tổ mối, hang chuột... nên có thể xảy ra hiện tượng thẩm lậu thân đê khi mực sông dâng báo động lũ từ cấp II trở lên.
Ngoài nỗi lo lũ lớn, Ba Vì còn đối diện nguy cơ xảy sự cố sạt lở bờ sông, đồi, núi, khi trên địa bàn có xã Minh Châu nằm ở giữa sông Hồng, 7 xã có dân cư sinh sống ven chân đồi, núi... “Nếu xảy ra mưa lớn trên diện rộng, kéo dài trong nhiều ngày, gây ra sự cố hồ đập, đê điều, sạt lở... huyện Ba Vì sẽ phải sơ tán 142 hộ dân, tương ứng 515 người trong vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông và 360 hộ (1.375 người) trong vùng sạt lở đồi núi, 2.350 hộ dân (9.251 người) trong vùng thấp trũng, ngập sâu đến nơi an toàn...”, Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông nhận định.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, đã chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị liên quan rà soát địa bàn, nhận diện rõ nguy cơ, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và dịch Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ”...
Tại xã Cổ Đô, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Đức thông tin: “Xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, thành lập đại đội xung kích với 70 người, chuẩn bị đủ phương tiện, vật tư bảo vệ vị trí đê trọng điểm và sơ tán hơn 1.500 hộ dân đến nơi an toàn”.
Tương tự, các xã: Phong Vân, Tản Hồng, Chu Minh, Yên Bài, Tản Lĩnh, Khánh Thượng... đã hoàn thành công tác chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó sự cố đê điều, hồ đập... Đặc biệt, các xã, thị trấn đã lập danh sách những gia đình phải sơ tán; đánh giá hiện trạng và đưa vào kế hoạch sử dụng các nhà văn hóa thôn, trạm y tế, trường học, hội trường xã... làm nơi sơ tán dân; lập kế hoạch trang bị 26.734 khẩu trang, 1.010 mũ gắn kính chắn giọt bắn, 112 lít dung dịch và 1.037kg hóa chất, 26 máy phun thuốc sát trùng, khử khuẩn tại các điểm sơ tán... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm sơ tán dân trong 7 ngày.
Cùng với chính quyền, người dân Ba Vì nhận thức rõ những nguy hiểm khi thiên tai và dịch bệnh cùng lúc xảy ra. “Ngoài chuẩn bị góp 1 cây tre, 1 vỏ bao tải, 5kg rơm rạ, 1 lốp xe cao su hỏng (làm nhiên liệu thắp sáng), vợ chồng tôi sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh khi các cấp chính quyền yêu cầu...”, ông Nguyễn Vũ Bão, người dân xã Cổ Đô chia sẻ.
Thiên tai, dịch bệnh luôn khó lường nhưng sự chuẩn bị nghiêm túc sẽ hạn chế lúng túng và giảm tổn thất. Việc này đang được các cấp ủy, chính quyền, người dân Ba Vì làm rất tốt.