Tuyên truyền PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt

Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:36, 29/09/2021

Nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân tăng cao, các phương tiện giao thông cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động đáp ứng nhu cầu đi lại ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của phương tiện, chất lượng phục vụ cũng như việc đảm bảo an toàn giao thông và an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Tuyên truyền PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về đảm bảo an toàn PCCC
Để chủ động phòng ngừa, thực hiện tốt công tác PCCC đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Công an Hà Nội đã tăng cường công tác tuyên truyền tới các chủ phương tiện để họ nâng cao ý thức và các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC & CNCH trong quá trình sử dụng phương tiện giao thông cũng như chăm sóc bảo dưỡng xe định kỳ. Đồng thời Công an Thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo đối với các chủ xe, lái xe một số nội dung sau:

Không tự ý thay đổi kết cấu của xe; không tự ý sử dụng dung dịch hoặc chất phụ gia trong sử dụng nhiên liệu.

Không lắp thêm các phụ tải của hệ thống điện, thay thế cầu chì đúng chủng loại để đảm bảo công suất sử dụng điện phù hợp với thiết kế của nhà sản xuất, tránh quá tải hệ thống, gây chập, cháy.

Khi dừng đỗ xe phải tắt khóa điện, khóa bình xăng, để xe cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; không chứa các chất dễ cháy, chất dễ bắt lửa trong xe, cốp xe, khoang động cơ...

Hiện nay, đa số các phương tiện giao thông cơ giới đều chưa trang bị các bình chữa cháy xách tay, hoặc có trang bị nhưng việc sử dụng các phương tiện chữa cháy của chủ phương tiện, phụ xe còn lúng túng, thậm chí nhiều trường hợp không biết cách sử dụng các phương tiện chữa cháy dẫn đến khi có cháy thường gây cháy lớn, gây thiệt hại.

Hướng dẫn cách sử dụng các phương tiện chữa cháy thông thường

Đối với bình khí CO2, có tác dụng dùng để chữa cháy điện, động cơ ôtô, máy bơm, tàu thủy, các máy móc dùng trong sản xuất, phòng thí nghiệm, thư viện, kho hồ sơ lưu trữ, bảo tàng...

Khi sử dụng bình CO2 nên chú ý:

- Miệng loa phun càng gần mặt lửa càng tốt.

- Đứng phun phải đứng trước chiều gió.

- Khi phun có hiện tượng tê tay, đó là do nhiệt độ CO2 dưới 0C gây ra. Do đó chỉ được nắm tay vào loa phun, khi loa phun có tay cầm bằng cao su. Còn loại loa phun bằng kim loại, nhất thiết không được nắm tay, vì đề phòng bị bỏng lạnh khi phun.

- Khi chữa cháy điện cao thế phải có găng tay và ủng cách điện đề phòng điện giật, mặc dù CO2 không dẫn điện.

-  Khi chữa cháy trong buồng kín, hầm tàu nhất định phải đeo mặt nạ phòng độc. (Chú ý đề phòng bị bỏng lạnh).

Cách bảo quản và kiểm tra bình CO2:

- Không để ở nơi có nhiệt độ cao, ngoài trời mưa, nắng; để ở chỗ râm mát với nhiệt độ 30 độ C.

- Bình phải để nơi khô ráo, dễ lấy, dễ thấy.

- Nếu để ngoài phải treo cao và có mái che.

- Phải thường xuyên kiểm tra bình CO2; đề phòng trong quá trình bảo quản khí CO2 bị thoát ra ngoài.

- Cứ 3 - 6 tháng phải kiểm tra lại một lần bằng cách cân lại. Mùa hè  càng cần phải tăng cường kiểm tra.

- Khi bảo quản, nhất định không được để bình CO2 đã nạp gần các thiết bị trong quá trình hoạt động có sinh nhiệt, hay trong phòng có nhiệt độ cao.

- Khi mang vác phải nhẹ nhàng, tránh để va đập mạnh.

- Khi đã sử dụng hết khí CO2¬ trong bình thì phải để gọn , không vứt bừa bãi.

* Đối với bình bột (MFZ), có tác dụng dùng để chữa cháy đối với những đám cháy có diện tích nhỏ khi cháy điện, chất lỏng và khí dễ cháy, ôtô và những chất cháy khác như vải, quần áo.

Cách sử dụng: Khi có cháy, nhanh chóng đưa bình chữa cháy đến điểm cháy. Trong quá trình đó nhớ sóc, lắc bình. Khi đến đám cháy hướng loa phun vào gốc lửa. Giật chốt kẹp chì. Bóp tay cầm.

Khi đó, khí đẩy( Nitơ) sẽ đẩy bột chữa cháy phun ra ngoài qua miệng phun. Chú ý: khi chữa cháy phải đứng đầu hướng gió.

Bảo quản và kiểm tra bình bột:

- Phải để bình chữa cháy nơi khô ráo, không để ngoài mưa nắng. Không để bình chữa cháy gần các thiết bị khi làm việc sinh nhiệt hoặc trong phòng có nhiệt độ cao.

- Phải thường xuyên kiểm tra bột chữa cháy, xem có bị ẩm hay bị vón cục không. Kiểm tra đường vòi và loa phun xem có được thông suốt không.

- Kiểm tra đồng hồ để xem bình còn có thể sử dụng được hay không

Bên cạnh đó, Cảnh sát PCCC & CNCH sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra điều kiện an toàn PCCC đối với các phương tiện giao thông cơ giới. Trường hợp chủ phương tiện vi phạm nghiêm trọng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Xây dựng phương án, chuẩn bị phương tiện và các điều kiện cần thiết để chủ động chữa cháy, CNCH kịp thời, đạt hiệu quả ngay từ khi sự cố, cháy nổ mới phát sinh...

Để mỗi chuyến đi đều bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho hành khách và phương tiện trên mỗi cung đường, ngoài sự vào cuộc của các lực lượng chức năng như: Cảnh sát PCCC, cảnh sát giao thông trật tự rất cần sự chung tay của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện, đặc biệt là việc tự giác nâng cao ý thức PCCC của người dân sẽ góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ phương tiện giao thông đường bộ.

Thái Bình