Tứ thơ độc đáo, chan chứa tình người ấm áp

Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 10:47, 08/08/2022

 Tình cờ đọc bài thơ “Đôi bạn” của nhà thơ Hạnh Mai, đăng trên báo Văn nghệ số 22, ra ngày 28/5/2022, trong tôi dâng lên niềm xúc động khó nói hết bằng lời.
Với bốn khổ thơ, hai mươi tư câu lục bát, bài thơ là tiếng lòng của tác giả trước những cống hiến, hy sinh thầm lặng của người cựu chiến binh, người nữ thương binh khi trở về với cuộc sống đời thường. Chiến tranh tuy đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng sự tàn phá của nó khốc liệt và dai dẳng, để lại những di chứng khiến chị em phụ nữ phải gánh chịu nỗi mất mát khổ đau không thể bù đắp. 
Thi phẩm tái hiện hình ảnh hai người khuyết tật giúp nhau ra đi từ lúc ban mai, khi ánh sáng mặt trời của một ngày mới vừa ló rạng để cùng thực hiện nguyện vọng “đi hội” thật cảm động làm sao: 
Bà còng dắt tay bà mù
Rủ nhau đi hội đi từ ban mai
Nắng lên rõ bóng hình hài
Một cao một thấp với hai gậy mòn.
Hai con người “một cao một thấp” ấy mỗi người một hoàn cảnh nhưng có chung ý chí, quyết tâm. Với những người bình thường, đi hội là việc quá dễ. Nhưng với người kém may mắn thì đây là bài toán khó nếu không nỗ lực sẽ không thực hiện nổi. 
Nhân vật “bà còng” đã có một quá khứ hào hùng. Thời tuổi trẻ, như bao thanh niên khác,  nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc bà lên đường nhập ngũ: 
Một thời đi đứng thẳng ngay
Đá mềm chân cứng dạn dày Trường Sơn
Một thời khói lửa đạn bom
Thẳng ngay để lại chỉ còn lưng cong. 
Ngôn ngữ thơ tự sự cô đọng, gợi nhiều hơn tả, điệp ngữ “Một thời” có ý nghĩa nhấn mạnh, cùng với thành ngữ dân gian được sử dụng hoán cải sáng tạo “đá mềm chân cứng”, nhà thơ trân quý, ngợi ca “Một thời khói lửa đạn bom”, những năm tháng tuổi xuân khỏe mạnh, sức vóc “bẻ gãy sừng trâu” trước đây, người nữ cựu chiến binh đã tận hiến vì đất nước. Gian khổ thiếu thốn của thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước“ và gánh nặng mưu sinh khi trở về với cuộc sống đời thường sau nhiều năm khiến lưng bà bị còng trĩu xuống.
Cũng giống như cô bạn thân, “bà mù” từng có thời tuổi xuân tươi đẹp cùng mối tình thủy chung son sắt với chàng trai là lính Cụ Hồ. Trước ngày người yêu ra trận, cả hai người thề non hẹn biển cùng nhau. Hóa thân vào người trong cuộc, tác giả đã nói lên tiếng lòng của cô gái vừa tự nhiên vừa chân thực, ngắn gọn: 
Hẹn nhau từ thuở xuân thì
Chiến tranh đã khép người đi không về
Nặng lòng bởi một câu thề
Mắt mờ theo những nỗi khuya u buồn
U buồn khua gậy lối mòn
Bước dò theo kỷ niệm còn trinh nguyên. 
Đoạn thơ làm trái tim bạn đọc thổn thức bởi nỗi đau người đi không về để rồi càng thương cảm, xót xa cho người ở nhà mang nỗi u buồn, nhỏ lệ đêm đêm khiến mắt chẳng còn nhìn được nữa. Giờ đây, mỗi bước đi của người ở lại phải dò từng bước, thật khó khăn. Mắt không còn sáng nhưng tấm lòng tuyệt vời trong sáng của “người ở nhà” vẫn lưu giữ bao “kỷ niệm còn trinh nguyên” như tấm lòng trinh trắng, vẹn nguyên, dành cho “người năm ấy” ra đi không trở về.
Bài thơ “Đôi bạn” hấp dẫn người đọc bởi có tứ thơ độc đáo và chan chứa tình người ấm áp... Nhà thơ tuy viết về nỗi đau chiến tranh nhưng vẫn lan tỏa đến mọi người tình thần lạc quan, yêu đời. Hình ảnh hai người khuyết tật ở khổ cuối bài thơ dắt nhau vào hội còn truyền đến bạn đọc niềm tin ở con người, về sức mạnh của tình bạn, tình đoàn kết. Một khi con người yêu thương và biết nương dựa nhau sẽ vượt qua được mọi thử thách của cuộc sống.

Nguyễn Thị Thiện