Gieo mầm yêu, nhận quả ngọt!
Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 14:15, 08/08/2022
Nhẹ nhàng mà kịch tính. Đơn giản mà thấm thía. Mùi mẫn mà triết lý. Kể chuyện xưa mà cứ ngỡ như chuyện nay. Vở cải lương “Những đứa con oan nghiệt” của Nhà hát Cải lương Hà Nội chuyển tải thông điệp nóng hổi tính thời sự về sự nghiệp “trồng người” đã ra mắt công chúng Thủ đô đầy ấn tượng như thế.
Bi kịch gieo mầm
Được chắp bút bởi NSND Doãn Hoàng Giang, vở cải lương “Những đứa con oan nghiệt” cuốn hút khán giả ngay khi cánh màn nhung mở ra với hình ảnh những cái kén trắng đến ngày cựa mình tách vỏ mang nhiều ý ẩn dụ. Đấy là, nếu như lúc còn ở trong vỏ bọc chúng giống nhau như đúc thì đến khi bước vào đời, tùy môi trường sống như thế nào mà hình hài, tính cách của chúng bị biến đổi thành trắng - đen.
“Những đứa con oan nghiệt” kể về Tư Chớp - tên tướng cướp khét tiếng ở một vùng nọ. Vì muốn rửa tay gác kiếm để bước ra ánh sáng và đổi đời, Tư Chớp đã bí mật hoán đổi đứa con trai sơ sinh của ông ta với đứa con trai sơ sinh của thầy đồ trong vùng. Hắn mưu mô: Từ hạt giống tốt (con thầy đồ học rộng, nhân đức) thì chắc chắn cây sẽ đâm chồi, nảy lộc xanh tươi (“con” sẽ tài trí, công danh rạng ngời).
Mong muốn là vậy nhưng thực tế thì khác. Đức - “con” Tư Chớp - được coi là hạt giống tốt và dù được gieo trồng trên “mảnh đất” chất đầy bạc vàng, gấm lụa, hưởng lạc… nhưng lớn lên lại trở thành kẻ ngỗ ngược, bất lương, ăn chơi lêu lổng, vô văn hóa. Trong khi đó, Nhân - “con” thầy đồ - tưởng là mầm họa và gieo trồng trên “mảnh đất” nghèo tiền, nghèo bạc nhưng lớn lên lại trở thành người con hiếu nghĩa, nhân từ, học rộng, tài cao. Vậy, vì lẽ gì đây?
Bằng những nút thắt - mở không quá phức tạp nhưng vẫn đủ độ tinh tế và rất đời, “Những đứa con oan nghiệt” thêm một lần nữa góp phần làm sáng tỏ triết lý: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Nửa đêm - thơ Hồ Chí Minh). Đó là, khi Nhân và Đức được sinh ra - dù cha mẹ là ai thì hai đứa trẻ ấy đều là những trang giấy trắng tinh khôi. Sau cuộc liều mạng tráo đổi con, tên tướng cướp Tư Chớp đã tạo ra “mảnh đất” ngập tràn sung sướng, no cơm, ấm cật để chăm bón hạt giống tốt - Đức - suốt 16 năm, những mong nó sẽ nảy mầm, phương trưởng rồi sớm đỗ đạt, vinh quy bái tổ cho hắn ta được ngẩng mặt với đời, được bước từ bóng tối ra ánh sáng.
Có thể, mong muốn hoàn lương, mong muốn đổi đời, mong muốn con cái thành đạt, mong muốn được đường đường chính chính danh gia vọng tộc của Tư Chớp không sai, thế nhưng cách làm của hắn ta chưa bao giờ đúng. Hắn ta có thể gắng sức cho con vật chất đủ đầy nhưng lại nuông chiều, để mặc con lêu lổng với đám bạn hư, không chịu học hành. Hắn bắt con dùi mài kinh sử nhưng sợ tiếng khóc ăn vạ của con, tiếng kêu la, mắng nhiếc để bênh con của vợ. Hắn sai lầm khi mặc định rằng đã là hạt giống tốt sẽ tự nảy mầm tốt không bao giờ bị thui chột và chỉ cần bồi đắp tiền bạc là đủ. Rồi thì, chính bản thân hắn cũng đã tàn nhẫn hắt hủi giọt máu của mình (tráo con đẻ - Nhân) vì muốn đẩy nghiệp chướng, tai ương sang người khác cùng nỗi lo sợ con tướng cướp rồi sẽ lại trở thành tướng cướp (nhãn tiền là Phi Long - con trai lớn của hắn đã trở thành tên cướp khét tiếng), dù có được nuôi dạy bởi ai hay trong gia đình nào đi chăng nữa.
Vở cải lương “Những đứa con oan nghiệt” kể chuyện xưa để ngẫm đến nay. Ảnh: HT.
Nhưng Tư Chớp đã sai. Con ruột của hắn - Nhân - dù mặc áo vá, ăn cơm rau nhưng khi được sống trong tình yêu thương, dạy dỗ, chăm chút ân cần của ông bà đồ thì vẫn trở thành người nhân nghĩa, tài đức. Còn Đức - con thầy đồ - dù đắp đầy vàng bạc lên người, được ăn sung mặc sướng mà thiếu hụt sự nghiêm khắc dạy bảo, uốn nắn thì cũng vẫn chỉ là kẻ phàm phu tục tử, bất nghĩa, bất nhân. Rõ ràng, từ những hạt giống ban đầu còn nằm im chưa tách vỏ, nếu được gieo vào mảnh đất yêu thương, trong lành thì sẽ cho trái ngọt, hương thơm; còn gieo vào mảnh đất cộc cằn, ô nhiễm thì chỉ là những quả ủng, quả thối. Đó cũng chính là bi kịch đau lòng của việc gieo mầm, “trồng người” từ tích của người xưa mà vở cải lương “Những đứa con oan nghiệt” mang đến cho khán giả hôm nay.
Bi kịch tấm gương!
Với một sân khấu không quá cồng kềnh cùng những tạo hình mang dáng dấp của mỗi nếp nhà khi sẫm tối (nhà tướng cướp Tư Chớp), khi sáng dịu (nhà thầy đồ), vở cải lương “Những đứa con oan nghiệt” còn khắc sâu chuyện con cái noi gương mẹ cha để người xem không khỏi nhói lòng. Trong suốt 16 năm, tướng cướp Tư Chớp từng ào tưởng việc che đậy thân phận của mình - một thương gia thiện lương như bao người - là rất hoàn hảo để cậu ấm Đức nhìn đó mà nuôi chí thành tài. Còn bộ mặt thật của ông bố này lại là: Ngay trong đêm tráo đổi con đẻ dù miệng nói rằng muốn rửa tay gác kiếm nhưng khi tên đầy tớ thực hiện trót lọt phi vụ trở về, hoan hỉ báo công thì hắn ta độc ác ra tay giết người diệt khẩu. Rồi để có tiền nuôi dạy con (Đức), đêm đêm hắn vẫn đục tường, khoét ngạch, chặn đường giết người cướp bóc, thậm chí còn ăn chặn tiền bạc của bè lũ lâu la… Thế nhưng, vai diễn của Tư Chớp quá tồi nên bị chính đứa con âm thầm noi gương rồi bất ngờ bóc mẽ: Ông đâu phải thương gia mà là “sự nghiệp của một thằng ăn cướp”. Và đau xót biết bao nhiêu khi đứa con ấy mang cả ước vọng: “Đặt tên nó là Hai Đức để nó sống có nhân có đức” lại thẳng tay chỉ mặt: “Bố sống thế nào tôi sống thế đó”. Bị dội gáo nước lạnh này, người bố tồi tệ như Tư Chớp mới đành cúi đầu hổ thẹn về cuộc đời bất lương với đôi tay nhúng chàm không thể tẩy rửa. Đau xót hơn cả khi đứa con cứ lấy gương ấy, việc làm ấy mà soi để cho người cha muộn mằn nhận ra: “Mình chỉ là một con sói thì nuôi sao nổi bầy dê”, “Cha bất lương thì làm sao dạy con nhân đức”. Chắc chắn rằng, bi kịch tấm gương cũng như tiếng lòng ấy chẳng phải của riêng nhân vật Tư Chớp trong vở diễn mà còn là tiếng lòng của không ít cha mẹ thời nay.
Vẫn tiếp tục mạch luận đề ấy, trong “Những đứa con oan nghiệt” còn có phân cảnh đối đáp về giá trị của việc học giữa Nhân và thầy đồ cũng không kém phần thú vị. Có thể thấy, đây vẫn là câu chuyện nói gương: 16 năm Nhân noi gương thầy đồ chăm chỉ dùi mài kinh sử “chăm chỉ như người chải tóc soi gương” những mong ngày vinh quy bái tổ. Nhưng, càng học cậu học trò này càng thấy mơ hồ, hoang mang vì ra ngoài đời cứ như “đi trong sương mù”, cuộc đời vẫn đầy rẫy những bất công mà phải đành bất lực nhìn những kẻ cường quyền, gian ác lộng hành. Thậm chí, khi soi mình vào tấm gương hiếu học, thanh cao bao năm của thầy đồ, Nhân xót xa nhận ra cha mẹ mình nghèo vẫn hoàn nghèo, phải nhẫn nhục: “để yên thân mà sống thì nhục cũng phải chịu”.
Rõ ràng, những chất vấn của Nhân đã như những đòn roi hiện thực quất vào lý tưởng sống thanh cao, trọng nghĩa khinh tài của thầy đồ. Dẫu vậy, là kẻ sĩ nên khi đáp lại lời con, thầy đồ vẫn phải kiêu hãnh về sự lựa chọn chữ thánh hiền của cuộc đời mình và tâm đắc dạy con rằng: “Muốn có công danh mà không gắng học hành/ Làm quan ngu thì dân càng khổ/ Muốn dân giàu thì quan phải sống vì dân”. Những lời dạy ấy được thốt ra sao mà tức giận, đau đớn. Cũng phải thôi, trước hoàn cảnh éo le của học trò (Hạnh bị cha mẹ gả bán cho Đức vì nợ nần nhà Tư Chớp) thầy đồ văn hay chữ tốt, liêm khiết cũng lực bất tòng tâm đành nén lòng nghe mà chẳng thể làm gì để tháo gỡ.
Vì vậy, cuộc cật vấn này của Nhân đã bóc trần thực tại của xã hội thời bấy giờ - một xã hội không coi trọng sự học, không coi trọng trí thức thì cái ác càng được đà lộng hành khắp nơi. Và, thực tế đó cùng với bài học gieo mầm được vở diễn khai thác, thể hiện một cách đậm nét, kỹ lưỡng, thực không phải chỉ có ở chuyện xưa…