“Luồng xanh” cho phim Việt ra thế giới: Để người làm phim không phạm luật

Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 16:26, 03/10/2021

Sau phim “Ròm”, một bộ phim gây nhiều tranh luận trong giới điện ảnh và dư luận là “Vị” lại được đưa đi tham dự Liên hoan phim (LHP) quốc tế khi chưa được cấp phép. Hiện tượng này đã tồn tại từ lâu nhưng chưa có cách giải quyết khiến những cụm từ như “vượt rào”, “thi chui” đến hẹn lại được nhắc tới. Toạ đàm “Ai góp ý giơ tay lên 2” do những người làm phim tổ chức đã có những chia sẻ, góp ý nhằm tạo “luồng xanh” cho phim Việt dự LHP quốc tế.
Không thể đưa phim ra nước ngoài nếu làm đúng luật?
Trong toạ đàm trực tuyến “Ai góp ý giơ tay lên” lần 2, có nhiều ý kiến xung quanh việc đưa phim Việt Nam đi tham gia các LHP quốc tế. Trong đó, người theo dõi toạ đàm đặt câu hỏi với khách mời về nguyên nhân dẫn đến phim của Việt Nam bị nhiều điều tiếng khi liên tục vượt rào đi thi chui tại các LHP quốc tế. Phải chăng, không thể tham gia LHP theo đúng quy định pháp luật?
Trả lời câu hỏi của người xem, Ban Tổ chức, khách mời của “Ai góp ý giơ tay lên” lần 2 đều khẳng định, các nhà làm phim luôn cố gắng làm đúng luật và có nhiều bộ phim Việt đã tham gia LHP theo đúng quy định như: “Thưa mẹ con đi” của đạo diễn Trình Đinh Lê Minh, “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, “Cô bé đến từ hôm qua” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.
Tuy nhiên, khách mời – là các nhà làm phim, đạo diễn cũng chia sẻ, nguyên nhân khiến tình trạng phim “vượt rào”, “thi chui” diễn ra còn do mâu thuẫn trong công tác cấp phép, kiểm duyệt phim của Việt Nam với các quy định tại các LHP quốc tế còn mâu thuẫn.
Theo quy định của nhiều LHP, đơn vị làm phim không nhất thiết phải nộp bản phim hoàn chỉnh. Tuy nhiên, Hội đồng cấp Nhà nước khi cấp phép phổ biến phim lại yêu cầu bản phim hoàn chỉnh. “Nếu bạn chưa làm được điều này (có giấy phép-PV) mà chót có tin vui từ LHP thì tình thế bạn gặp phải là rất dễ trở thành người phạm luật” – đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.
Chính phim “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã rơi vào hoàn cảnh như vậy. “Năm 2014, khi bọn mình làm phim xong, đang dựng ở Pháp, ngay từ bản chưa hoàn chỉnh, LHP Venice đã mời tham gia. Lúc này, mình không có cách gì để xin bên phía Cục Điện ảnh duyệt gấp hay duyệt sớm từ bản thô như vậy được, nếu chiếu theo Luật. Nhưng rất may mắn, thời điểm đó, Cục trưởng Cục Điện ảnh và Hội động duyệt sẵn sàng cho mình cơ chế nhanh hơn hẳn so với phim khác ngay cả khi bộ phim có chưa bản dựng hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nếu đúng theo quy định của Luật Điển ảnh, 15 ngày sau mới nhận được công văn trả lời và sửa chữa theo yêu cầu thì tất cả các nhà làm phim sẽ bị chậm. Do đó, tôi cho rằng cần có hội đồng thẩm định và bộ tiêu chí riêng cho phim đi thi ở LHP lớn. Một trong những điều kiện quan trọng là hiểu tình hình thực tế của các nhà làm phim để cân nhắc việc duỵệt phim có cần đáp ứng một cách quá chi tiết, máy móc về thủ tục hay không, hay là mình sẽ tạo mọi điều kiện để phim đến được đích xa nhất”.
Đồng quan điểm trên, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ: “Có rất nhiều phim đi tham gia LHP đúng Luật. Nhưng có một điều cần hiểu rõ là những LHP lớn trên thế giới, phim nào được lọt vào đó rất khó. Ví dụ như tại một số LHP có điều kiện, phim tham gia LHP phải được chiếu ở đó lần đầu tiên trên toàn thế giới, nên muốn dành xuất đó thì khi mình chưa xong đã phải vội vàng gửi đi rồi”. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng nói rằng, nhà làm phim không thể nào ngưng bộ phim của mình trong suốt 1 năm (chợ đợi cấp phép-PV) mà không biết rằng có được tham gia LHP hay không?
Visa riêng cho phim tham gia LHP quốc tế
Trên cơ sở những ý kiến của người làm phim tham gia toạ đàm trực tuyến “Ai góp ý giơ tay lên” lần 2, đạo diễn Phan Đăng Di đã tổng hợp thành bản kiến nghị của giới làm phim, dự kiến gửi đến Quốc hội, các cơ quan chức năng để góp ý vào Luật Điện ảnh sửa đổi.
Theo đó, về việc gửi phim đi LHP nước ngoài, những nhà làm phim đề nghị thành lập hội đồng thẩm định riêng cho những phim này. Hội đồng này hoạt động phi lợi nhuận, không hưởng lương, phụ cấp trích ra từ quỹ điện ảnh hoặc các khoản đầu tư điện ảnh khác hàng năm Nhà nước cấp cho lĩnh vực điện ảnh. Đồng thời, Bộ Tiêu chí Hội đồng này sử dụng là một bộ tiêu chí riêng với quan điểm mở cho những sáng tạo.
Đồng thời, những nhà làm phim kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sẵn sàng cấp visa cho những phim tham gia LHP quốc tế ngay cả khi phim chưa ra được bản chính, nếu phim đáp ứng được những tiêu chí riêng đã được Hội đồng nêu trên chấp thuận. Visa này không có giá trị cấp phép phổ biến cho những bộ phim mang quốc tịch Việt Nam được tự do trình chiếu ngoài Việt Nam; áp dụng cơ chế đối thoại trực tiếp giữa nhà làm phim và các Hội đồng; nếu phim có kế hoạch phát hành tại rạp chiếu Việt Nam, đơn vị làm phim cần đáp ứng các quy định như đối với phim thông thường.
Đối với lĩnh vực hợp tác sản xuất phim, những nhà làm phim đề nghị bãi bỏ yêu cầu phải duyệt trước kịch bản đối với phim hợp tác nước ngoài hoặc có nhân sự nước ngoài tham gia. Thay vào đó, tạo cơ chế để các hãng phim sản xuất phim ký cam kết, chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý, đảm bảo phim không vi phạm các điều cấm của pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, các nhà làm phim kiến nghị, quỹ điện ảnh cần được quản lý bởi Hội đồng chuyên môn. Bởi, Luật Điện ảnh hiện tại hầu như không có điều khoản nào cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước để làm những phim có tính nghệ thuật hoặc đi các LHP.

KTĐT