Nữ cung thủ vượt khó để "cháy" cùng đam mê
Thơ - Ngày đăng : 14:24, 07/10/2021
Mới bước sang tuổi 20 vậy mà cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã xuất sắc ghi danh ở nhiều giải đấu trong nước và khu vực. Đặc biệt, cô còn là vận động viên trẻ của Việt Nam để lại nhiều ấn tượng và sự kỳ vọng trong tương lai từ thế vận hội Olympic 2020 diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản.
Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt xuất sắc gặt hái nhiều thành công khi mới tròn 20 tuổi.
Bất ngờ cùng những chiến thắng
Không phải con nhà nòi và được chỉ định sang luyện tập môn thể thao bắn cung mới được gần 2 năm, thế mà mấy năm qua Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã bất ngờ liên tiếp gặt hái thành công với 51 Huy chương Vàng, 19 Huy chương Bạc, 18 Huy chương Đồng tại các giải quốc gia và một số giải trong khu vực châu Á. Tấm Huy chương Vàng đầu tiên cô giành được là tại Giải cung thủ xuất sắc toàn quốc – tháng 3/2018, khi Ánh Nguyệt 17 tuổi. Giải Vàng đầu tiên này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cung thủ này khi vừa khẳng định “con mắt xanh” của các huấn luyện viên vừa tiếp thêm cho Ánh Nguyệt sự tự tin vào bản thân. Cũng chính vì thế mà ngay trong năm 2018, Ánh Nguyệt đã nối tiếp bảng vàng thành tích của mình khi cùng giành 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng của Giải vô địch bắn cung trẻ toàn quốc và Giải Cup vô địch bắn cung toàn quốc; đồng thời giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 8.
Từ bước khởi đầu ấy, bước sang tuổi 18, Ánh Nguyệt đã phá kỷ lục quốc gia cung 1 dây nữ nội dung 30m và tích cực đóng góp hàng chục huy chương vàng, bạc vào thành tích xếp thứ nhất toàn đoàn của đội tuyển bắn cung Hà Nội trong các giải đấu quốc gia năm 2019, 2020. Không chỉ thế, cô gái 18 tuổi này còn ghi danh ở các giải đấu quốc tế và giành Huy chương Đồng Giải vô địch bắn cung châu Á - tháng 11/2019; Huy chương Vàng nội dung đồng đội nữ tại Seagames 30 - tháng 12/2019; Huy chương Bạc tại Cup bắn cung châu Á - tháng 3/2021. Đặc biệt, cô là một trong 2 đại diện ở môn bắn cung của Việt Nam giành suất tham dự Olympic Tokyo 2020.
Với những thành tích đó, năm 2018, Ánh Nguyệt vinh dự được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII. Năm 2019, cô được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội về thành tích xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Seagames 30. Ngoài ra, cô còn lọt vào danh sách đề cử vận động viên trẻ của năm Cúp chiến thắng 2019.
“Tôi rất vui khi đạt được những thành tích ấy vì sau những ngày cố gắng tập luyện trong gần 2 năm thì cuối cùng cũng có được những kết quả mà từ trước tới giờ tôi không nghĩ mình sẽ làm được. Tôi rất hạnh phúc vì điều đó”, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt chia sẻ.
“Cháy” cùng đam mê
Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt - cô gái Hưng Yên - đầu quân về Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội khi vừa tròn tuổi trăng rằm cùng mong muốn được lên Hà Nội sống cuộc sống mới, dù thầy giáo dạy thể dục có tư vấn là sẽ rất vất vả và ban đầu gia đình cô không đồng ý. Thế nhưng, với Ánh Nguyệt, chỉ cần thực hiện được điều mình muốn thì dù vất vả đến đâu cô cũng không quản ngại. Và thật vui khi cuối cùng bố Nguyệt cũng gật đầu đồng ý (sau khi ông đến gặp và trò chuyện với thầy giáo) và chính ông đã thuyết phục vợ (bà là mẹ hai của Nguyệt, mẹ đẻ của cô đã mất) ủng hộ để cô con gái có thể tung cánh đến chân trời mới.
Đến với ngôi nhà của thể thao Hà Nội, Ánh Nguyệt hòa đồng rất nhanh, ngay từ ngày đầu tiên đã nhanh nhẹn cùng bạn bè dọn dẹp chỗ tập luyện và nghỉ ngơi. Sau hai tháng tập thử, Ánh Nguyệt được ký hợp đồng vào đội bóng rổ nữ với mức lương nho nhỏ chưa tới 1 triệu đồng, đủ chi tiêu tằn tiện hàng ngày và mua đồ dùng thiết yếu. Những tưởng từ đó Ánh Nguyệt sẽ được đào tạo trở thành vận động viên bóng rổ, nhưng không, tập luyện ổn định được một thời gian, cô bất ngờ nhận được lời đề nghị chuyển qua đội tuyển bắn cung. “Tôi đã khá buồn, thậm chí còn bật khóc khi bị gọi ra trao đổi về việc chuyển môn. Nhưng khi được nghe huấn luyện viên giải thích cặn kẽ lý do tôi đã đồng ý”, Đỗ Thị Ánh Nguyệt nhớ lại bước ngoặt ở tuổi 16 của mình.
Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt thi đấu tại Olympic Tokyo 2020.
Lúc đó, bắn cung là môn thể thao Đỗ Thị Ánh Nguyệt chưa từng biết đến. Ra thao trường, cô mới ngờ ngợ là đã từng thấy trên ti vi nên buột miệng nói, sao dễ thế mà không bắn được. Thêm nữa, đang từ một môn thể thao vận động nhiều nay chuyển sang bắn cung - môn thể thao nghiêng nhiều về tâm lý và kỹ thuật khiến cho cô có cảm giác cuồng chân. Rồi thì ban đầu toàn phải tập tay không khiến cho Ánh Nguyệt có cảm giác nhàm chán, buồn tẻ. Nhưng khi chính thức được nâng cây cung lên thì cô thấy rất khó chứ không hề dễ như cô đã từng nghĩ, để từ đó Ánh Nguyệt ngày càng thêm yêu thích và quyết tâm chinh phục môn thể thao này.
Quyết tâm như thế, nên việc đầu tiên mà Ánh Nguyệt phải chinh phục chính bản thân mình là thực hiện động tác giương cung sao cho chuẩn kỹ thuật. Cô đã mất đến hơn nửa năm mới đạt chuẩn, dù đôi tay ngày càng chai lại, nhiều lúc vai có cảm giác đau mỏi… Đúng là, đôi khi trong lúc tập nghe những tiếng cười của các bạn không khiến Ánh Nguyệt cảm thấy buồn lòng, trái lại cô càng cố gắng hơn để có thể theo kịp mọi người. Và, trong đầu cô luôn vẳng câu nói: “Đừng bao giờ nói với cô câu các em không làm được, người khác làm được sao mình lại không làm được?” của một huấn luyện viên tâm huyết để từ đó Ánh Nguyệt thêm nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, chăm chỉ tập luyện cũng như tranh thủ học tập khi có những chuyến tập huấn tại Hàn Quốc và từng bước đi đến thành công.
Khi chia sẻ về các giải đấu, Nguyệt bảo, nhiều lúc cô vẫn chưa thực sự ổn định về tâm lý nên mỗi giải đấu lại có một sai lầm, lúc là sai lầm nhỏ, lúc lại sai lầm lớn. Và cô không thể quên lần tham gia một giải đấu rất quan trọng vì vấn đề tâm lí mà cô đã quên không rút tên về rồi bước vào thi đấu tiếp dẫn đến bị thua ở lượt quyết định xem có được vào tranh huy chương hay không. Lúc thi đấu để tranh huy chương ở Seagames 30, cô và các đồng đội đều gặp tâm lý nên vừa bắn vừa động viên nhau cố lên, cứ làm đúng động tác của mình là tốt rồi. Lúc hoàn thành bài thi mấy chị em ai cũng muốn khóc vì vui và sung sướng.
Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt ngoài cùng bên phải giành HCV đồng đội nữ cung 1 dây tại SEA Games 30. Ảnh: Quý Lượng.
Ở Giải vô địch bắn cung châu Á - giải cọ xát trước khi dự Seagames 30 và tranh suất tham dự Olympic Tokyo, Ánh Nguyệt có tâm lý khá thoải mái vì lần đầu tham gia đấu trường quốc tế lớn nên không đặt ra cho mình chỉ tiêu phải có huy chương mà chỉ bắn tốt nhất có thể là được. Đến khi vào tranh huy chương cô đã rất run nên để thua. Nhưng lúc tranh Huy chương Đồng, được mọi người động viên cố lên không có gì để mất, tâm lý Nguyệt thoải mái hơn và đã đạt được kết quả mong muốn.
Còn khi đến với Olympic Tokyo 2020, nữ cung thủ mới tuổi 20 này cũng rất hồi hộp nhưng sau đó cô dần quen và thích nghi được. Cô đã có vòng đấu loại để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng. “Olympic Tokyo 2020 là một đấu trường lớn đã đem đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị cũng như những bài học kinh nghiệm bổ ích để có thể tiếp tục vươn tới ước mơ chinh phục thể thao đỉnh cao của mình”, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt chia sẻ.
Trở về từ đấu trường thể thao đỉnh cao - Olympic Tokyo 2020, sau khi hoàn thành cách ly theo quy định, Đỗ Thị Ánh Nguyệt lại chăm chỉ bắt tay vào tập luyện và mong chờ dịch bệnh sớm được kiểm soát để có thể tranh tài cùng các cung thủ trong nước tại các giải đấu. Với cung thủ mới ở tuổi đôi mươi này, mọi khó khăn, vất vả sẽ không khiến cô nản chí, trái lại cô sẽ càng nỗ lực hơn để có thể tiếp tục cháy với niềm đam mê của mình. Và Ánh Nguyệt cũng luôn cố gắng tự mình vun vén những mệt nhọc, vui buồn trong cuộc sống, công việc vừa không để gia đình lo lắng vừa để chứng minh cho mọi người thấy lựa chọn ở tuổi 15 của cô là đúng đắn.