Giáo sư Vũ Khiêu và tình yêu dành cho Hà Nội
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 08:32, 12/10/2021
Người làm rõ khái niệm “Văn hiến Thăng Long”
Tôi có may mắn quen biết nhà văn hóa Vũ Khiêu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Hồi đó, chúng tôi trân trọng mời ông tham gia vào biên soạn một công trình khoa học lớn của giới văn học, nghệ thuật Hà Nội: “Hình ảnh người Hà Nội trong văn học, nghệ thuật cận và hiện đại”. Đây là một công trình tổng thể của 9 ngành văn học, nghệ thuật Thủ đô, với sự tham gia của Giáo sư Trần Quốc Vượng, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc...; các nhạc sĩ: Phạm Tuyên, Dương Viết Á…; các nhà văn: Tô Hoài, Bằng Việt, Hồ Anh Thái; các kiến trúc sư: Phạm Cao Nguyên, Trần Hùng...; các nhà nghiên cứu: Lâm Tô Lộc, Tiến sĩ Trần Đình Ngôn...; các nhà nhiếp ảnh: Lê Cường, Hoàng Kim Đáng; các nhà điện ảnh: Đào Trọng Khánh, Đan Thiết Thụ... Công trình được một Hội đồng phản biện do Giáo sư, Tiến sĩ Đình Quang làm Chủ tịch, được đánh giá đạt mức nghiệm thu xuất sắc.
Giáo sư Vũ Khiêu là người viết bài Tổng luận cho tập sách, tổng kết toàn bộ công trình với rất nhiều nhận định mới mẻ và sắc sảo, không đi sâu vào từng nhánh của công trình, mà tập trung đi sâu vào tính chất con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời đại; đồng thời nhấn mạnh tính chất “địa linh, nhân kiệt” của mảnh đất kinh kỳ, nơi hội tụ, tinh lọc và lan tỏa mọi giá trị văn hóa, mọi nhân vật anh hùng hào kiệt bốn phương rồi lại làm hạt nhân tỏa đi, phát huy thế mạnh cho cả nước.
Tôi nhớ, hồi ấy khái niệm “Văn hiến Thăng Long” mới được Giáo sư Trần Quốc Vượng và nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đi sâu nghiên cứu, nhưng có lẽ phải đến Giáo sư Vũ Khiêu thì khái niệm này mới hoàn chỉnh. Ông cũng đã bỏ ra gần 10 năm để chuyên nghiên cứu về “Văn hiến Thăng Long” và “Tính cách và sự phát triển tinh thần và tâm linh người Hà Nội”.
Khi bàn về tính cách người Hà Nội, bản Tổng luận của Giáo sư Vũ Khiêu cũng lần đầu tiên đưa ra 3 chuẩn mực, đó là: Văn minh, thanh lịch, hiện đại. Ba tiêu chí này sau đó đã được phổ biến rộng rãi, làm tiêu chí cho các bản quy ước về nền nếp ứng xử văn hóa người Hà Nội. Sau này, có lẽ người ta thấy rằng, dùng hai từ “văn minh, thanh lịch” cũng đã đủ nghĩa, nên đã bớt đi từ “hiện đại”.
Một tính cách bình dị, khiêm tốn, hòa đồng
Trong mọi suy nghĩ mực thước và mang tính tổng hòa cao của Giáo sư Vũ Khiêu, chúng ta bắt gặp một tính cách rất bình dị, khiêm tốn, hòa đồng với mọi người. Giáo sư còn rất sôi nổi tham gia vào các hoạt động xã hội rộng lớn khác. Chẳng hạn, khi một nhóm anh, chị em sáng tác thơ lục bát và thơ Đường luật mời Giáo sư Vũ Khiêu tham dự hội thảo, ông rất vui vẻ đến dự và phát biểu những cảm nhận sâu sắc của mình về hai thể thơ nhiều “duyên nợ” này trong truyền thống của thơ ca dân tộc. Thậm chí, ông còn tài trợ, giúp đỡ Ban tổ chức.
Khi nhận làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học cho dự án lớn của Thành ủy Hà Nội là “Tủ sách 1000 năm Thăng Long” với trên 100 đầu sách, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Giáo sư Vũ Khiêu đã thể hiện tinh thần làm việc say mê và tận tụy hiếm có, một trí tuệ minh mẫn phi thường, khi phải họp đều đặn với hội đồng, đánh giá cụ thể từng đầu sách cùng hàng trăm giáo sư, các nhà khoa học, nhà quản lý... để đưa được dự án lớn này đi tới thành công và xác nhận giá trị khoa học có chất lượng cao của cả “Tủ sách 1000 năm Thăng Long”. Bản thân tôi từng có những kỷ niệm không thể quên khi tham gia làm chủ biên 2 tập “Tuyển thơ Thăng Long - Hà Nội 10 thế kỷ” dày trên 2.000 trang khổ lớn. Giáo sư Vũ Khiêu đã có những lời khuyên rất thiết thực và sâu sát về tiêu chí chọn lựa tác giả, nhất là các tác giả cổ điển, cách nhận định các bài thơ Hán - Nôm từ xa xưa. Hay khi tôi chọn lựa một đề tài rất khó là “Kẻ sĩ Thăng Long”, để nhận làm một tập sách chuyên khảo về tầng lớp trí thức Thăng Long xưa, Giáo sư Vũ Khiêu đã động viên tôi chân tình, đồng thời có những chỉ dẫn về phương pháp, để dễ đi vào kho tàng Hán Nôm ở những khu vực nào, nhằm có được những tư liệu quý hiếm nhất về “kẻ sĩ” mọi thời, nhất là đặc thù của họ qua các triều đại Lý, Trần, Lê.
... Hôm nay, tiễn người thầy của nhiều thế hệ đã vừa theo cánh hạc lên tiên, tôi mãi mãi ghi nhớ phẩm chất cao quý mà giản dị của ông, một trí thức chân chính, một công dân Hà Nội đầy cốt cách tài hoa, một vị anh hùng trên diễn đàn văn hóa của thời kỳ đổi mới, sẽ còn lưu lại lâu dài trong tâm trí mọi người!