NSNA Tuyết Minh: Trên nẻo đường của nhiếp ảnh nghệ thuật
Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 08:34, 11/08/2022
Tôi quen biết nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Tuyết Minh cách đây gần 20 năm, khi tôi được chuyển công tác từ Viện Văn học sang làm việc cho Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, tọa lạc tại 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, cùng địa chỉ với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Tôi đã rất quý mến người phụ nữ là con người của công việc này: lúc ấy chị gánh vác trên vai cùng một lúc hai trách nhiệm: Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Hà Nội 1, thành thử cứ đi về từ nhà đến trụ sở hai Hội nói trên như con thoi cần mẫn.
Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam chúng tôi từ ngày đó đã hân hạnh được xem chị như một cộng tác viên ruột, bởi chị tin cậy gửi gắm không chỉ các tác phẩm chụp về nhiều đối tượng, chủ đề mà còn cả những bài tản văn, bút ký về cái đẹp của quê hương, phong tục các miền vùng trên đất nước, bản sắc văn hóa của con người thuộc nhiều dân tộc anh em, cùng những bài tiểu luận, suy nghĩ về nghề nghiệp, những thu hoạch bổ ích qua các chuyến đi sáng tác hoặc trong việc triển khai các hoạt động của người quản lý nhiếp ảnh…
Là một NSNA chuyên nghiệp, tâm huyết với nghề có ý thức tạo dựng thương hiệu của mình, cùng với các bài viết, bao giờ chị cũng công bố kèm theo những tấm ảnh mình chụp. Qua những tấm hình của chị chúng ta thấy được dụng công trong lao động sáng tạo nghệ thuật, sự say mê và không ngừng tìm tòi đổi mới về tư duy, góc nhìn khi chị bấm máy gửi hồn mình vào đó với những chủ đề, ý tứ sâu xa, tân kỳ…
Nhưng đến lần này, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận được bản thảo tập sách của chị - cuốn “Những chặng đường” tập bút ký - tiểu luận, chứ không phải là những tập sách ảnh, tản văn mà chị đã từng cho xuất bản trước đây.
Tập sách công phu chọn lọc 16 bài bút ký (mỗi bài trên dưới 10 trang in) và 2 bài tiểu luận xung quanh việc tổ chức sáng tác nhiếp ảnh và triển khai các liên hoan ảnh nghệ thuật sao cho có hiệu quả. Những bài nói trên được chị viết trong thời gian hơn 20 năm (từ tháng 10/1997 đến 12/2019), trong đó có một nửa số bài đã được công bố trên các Tạp chí Nhiếp ảnh, Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, Toàn cảnh, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Vietnam Potentials, tại các hội thảo khoa học. Các bài khác có ghi ngày hoàn thành bài viết nhưng nay mới công bố vào tập sách này.
Tập sách mới tuy chỉ dày hơn 250 trang in, song đã cho thấy NSNA Tuyết Minh là một tay máy nhà nghề, chuyên nghiệp và trình độ vững vàng, luôn xem nhiếp ảnh như là một trong những nghề cao quý của xã hội, một loại hình nghệ thuật cần cho cuộc sống con người. Nó là một loại nghệ thuật đặc thù, nghệ thuật của khoảnh khắc bất chợt, của ánh sáng và màu sắc do tự nhiên đem lại, song đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sự chuẩn bị, tích lũy kinh nghiệm không ngừng nghỉ, phải đam mê và cháy hết mình trong lao động nghề nghiệp (còn gọi là tác nghiệp, đôi khi ngẫu hứng và thăng hoa không ngờ trước được, cứ như là trời cho vậy!).
Qua 18 bài bút ký, NSNA Tuyết Minh đã hiện sự sung sức của một cây viết giống như một nhà văn, nhà báo. Chị kể, miêu tả tỉ mỉ, sinh động về những chuyến đi trong cuộc đời sáng tác ảnh nghệ thuật của mình và đồng nghiệp, trong những cuộc trưng bày ảnh Việt Nam tại cơ sở và ở nước ngoài. Chị đã đặt chân tới và gắn bó với những miền xa xôi của đất nước (miền xuôi, miền ngược, thành phố và nông thôn) sống chan hòa gần gũi với mọi tầng lớp người, tộc người Thái, Dao, Kinh, các thế hệ ở vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, tiếp xúc trải nghiệm, thu hoạch từ những nền văn minh của các nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc). Đi đến đâu, bằng mọi cách và với con mắt cùng phương thức thức tác nghiệp của NSNA, chị đã ghi vào tâm khảm, ghi chép cẩn thận vào giấy, vào những tấm ảnh chụp về cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, những phong tục tập quán độc đáo và giàu giá trị văn hóa, nhân văn của các dân tộc, quốc gia, tộc người mang bản sắc có một không hai, khiến chúng ta nhớ mãi không quên, thêm yêu mến, trân trọng và cảm phục tận đáy lòng.
Chị chăm chút ghi chép thật tỉ mỉ những tên người, tên các vùng đất nước ngoài vốn còn xa lạ với chúng ta, một cách kỹ càng, chính xác tuyệt đối, với những sự tích, truyền thuyết dân gian, câu chuyện giai thoại có liên quan khiến chúng ta không khỏi thích thú và khâm phục kiểu tác nghiệp “thực chứng, nói có sách mách có chứng” của Tuyết Minh.
Song chính những ghi chép về các phương diện nói trên về cảnh và người, phong tục và văn hóa, thiên nhiên và bối cảnh xã hội tại những nơi chị đã từng qua, đã đem lại những cảm nhận khoa học giàu sức thuyết phục. Chúng là những cơ sở cội nguồn, căn cốt để chúng ta hiểu một cách sâu sắc về sự ra đời, sự hiện diện tất yếu của những tấm ảnh mà chị và các đồng nghiệp đã gặt hái được từ những chuyến đi có một không hai, may mắn trời cho đó. Chúng vừa là những tấm ảnh, cũng là những tư liệu thực chứng để đời cho công chúng, cho mai sau tận hưởng.
Cuốn sách với 18 bài bút ký là phần chủ yếu của nội dung tác phẩm, có thể xem là tập du ký của nữ NSNA Tuyết Minh trên những nẻo đường sáng tác và đưa nhiếp ảnh đến với công chúng trong và ngoài nước. Trong tập sách này tác giả còn chủ tâm cho người đọc được thưởng thức đồng thời cả văn và ảnh minh họa, kiểu “thi trung hữu họa”, nên càng gây ấn tượng mạnh mẽ, hoàn hảo khi thưởng lãm về nhiếp ảnh nghệ thuật.
Với tập bút ký - tiểu luận mới này, NSNA Tuyết Minh còn có thể được xem là nhà báo, nhà văn, một cây bút văn xuôi (bút ký - tiểu luận) nổi bật trong giới nhiếp ảnh.