Hoàng Mai chuyện cũ

Hà Nội xưa - nay - Ngày đăng : 07:47, 20/10/2021

Nằm giữa thái ấp của Thượng tướng Trần Khát Chân đời Trần, làng Hoàng Mai có kinh tế văn hóa phát triển. Năm 1435, trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi viết: “Hoàng Mai có rượu cúc tiến vua”. Sách Quốc triều đăng khoa lục cho biết, dưới triều Nguyễn từ năm 1837 đến năm 1906, làng có 9 người đậu cử nhân. Đặc biệt, năm Kỷ Mão 1879, làng có 3 người dự thi Hương thì cả 3 đều đỗ, trong đó có Nguyễn Cát và Nguyễn Như Ngọc là phụ tử đồng khoa. Hoàng Mai còn có Nguyễn Hiên giỏi thơ văn được tôn vinh “Thanh Trì tứ hổ” gồm Côn, Hiên, Điền, Đẩu. Để hiểu thêm đời sống tinh thần phong phú của một làng cổ ven đô, xin được giới thiệu mấy chuyện cũ làng Hoàng Mai:

Hoàng Mai chuyện cũ
Gác chuông chùa Nga My, quận Hoàng Mai.

Bốn con chó đá

Hoàng Mai có hai thôn, thôn Đông và thôn Đoài. Làng có con đường trục dài 1700 mét chạy theo hướng Đông Tây. Đầu phía Tây giáp đường Trương Định; đầu phía Đông nối với đường Tam Trinh. Tại đầu làng Hoàng Mai có hai cây đa to, bên mỗi gốc đa có chôn hai con chó đá cao 0,7 mét, do đó người Hà thành thường gọi ngõ vào này là Ngõ bốn con chó đá. Đi vào khoảng 200 mét, có Cổng Ngoài, xây theo lối cổng thành, bề ngang vừa đủ để khiêng kiệu, khiêng đòn, có hai cửa gỗ lim chắc chắn. Hai bên cổng phía ngoài là ao sâu, đêm hôm hoặc khi có động thì tuần đinh sẽ đóng cổng lại. Mặt ngoài, phía trên cửa cổng đắp bốn chữ lớn: Song Mai ấp môn. Năm 1942, ông Hàn Lân, một địa chủ giàu có ở Bắc Giang, có con trai du học tiến sĩ ở Pháp, ông mua đất và lập trại ở đầu làng, dân vẫn gọi là trại Hàn Lân. Ông tổ chức khao các cụ ở làng, và ông không muốn người các nơi gọi đường vào làng Hoàng Mai là Ngõ bốn con chó đá, một cái tên chẳng lấy gì làm đẹp nên đã xin các cụ cho phép đào và vứt bốn con chó đá ra Đồng Bầu. Từ ngày bốn con chó đá bị ông Hàn Lân vứt đi, người Hà Nội đã quên dần tên làng (hay ngõ) bốn con chó đá.

Giếng cổ

Làng có 9 giếng, đường kính 25 mét, sâu 5 đến 7 mét. Thôn Đoài có giếng Gia, giếng Bô, giếng Cầu; thôn Đông có giếng Tây, giếng Trung, giếng Đông… Các giếng đều được xây bằng gạch, mặt giếng thả bèo ong, bèo cái để làm sạch nước. Trong nhiều thế kỷ, giếng không chỉ cấp nước ăn cho dân làng mà còn có tác dụng điều không khí và làm đẹp cảnh quan, hơn thế giếng còn là nơi giao lưu và hò hẹn của nhiều cặp trai tài gái sắc. Một cái nhìn ý tứ qua vành nón, một dáng đi thon thả với đôi thùng nước và hai bắp chân trắng ngần của người thương đã làm say lòng bao chàng trai… Từ ngày làng lên phố, dân Hoàng Mai chuyển dùng nước máy, nhiều giếng đã bị san lấp. Trước nguy cơ này, những người tâm huyết với quê hương đã đề nghị các cấp giữ bằng được một vài giếng. Tháng 8/2003, trước đề nghị thấu tình đạt lý, quận cấp phần lớn kinh phí, dân góp hàng trăm ngày công tôn tạo giếng xóm Đông và xóm Trung. Giếng hình lòng chảo, sâu từ 7 đến 9 mét, tường bảo vệ  1,2 mét, xung quanh phân ô, trên cùng xây mui mái theo kiểu cổ. Quanh thành giếng lát gạch đỏ, trồng cây đề, cây si tạo bóng mát và đặt các ghế đá. Điều thú vị là khi nạo vét lòng giếng xóm Đông, thấy tấm bia đá cỡ 0,5 x 1 mét, tạo năm Bảo Đại thứ 4 (1929) ghi tên một số người giáp Tây Nội góp ruộng và tiền sửa đình, chùa và xây các giếng nước của làng.

Thánh làng nào làng ấy thờ

Đình Hoàng Mai dựng năm 1799, dân gọi đình Cả, tên chữ Biểu Trung Từ. Ban đầu, đình thờ Trần Khát Chân và em là Trần Hãng, đều là tướng giỏi cuối đời nhà Trần. Đầu thế kỷ XVI, thời nhà Mạc, Xóm Lẻ làng Hoàng Mai xin tách riêng lập làng mới, đặt tên gọi Tương Mai (tương có nghĩa tương đồng, sánh ngang). Theo quy định thời xưa, khi muốn lập làng là phải có đình, đền. Khi đình dựng xong, người Tương Mai đã thương lượng với các cụ Hoàng Mai để Tương Mai được thờ Trần Khát Chân, người có công giết Chế Bồng Nga trên sông Hải Triều (sông Luộc), cứu thành Thăng Long khỏi bị quân Chiêm Thành tàn phá. Việc trao đi đổi lại dùng dằng mãi, vì Hoàng Mai là một làng lớn, nơi có thái ấp và dinh thự của Trần Khát Chân phải thờ ông anh và Tương Mai phải thờ ông em Trần Hãng là hợp lẽ. Nhưng bấy giờ, Tương Mai có người đỗ tiến sĩ làm quan to trong triều, thế lực lớn nên đã nhiệt tình biện hộ và ý nguyện của người Tương Mai đã thành hiện thực. Sự việc tế nhị này đã lắng dịu hơn 4 thế kỷ. Sắc phong các triều đại phong cho Trần Hãng, Thành hoàng làng Hoàng Mai là Hương Mai đại vương, vì thế Hoàng Mai có tục kiêng húy gọi hương là nhang. Trong báo cáo của lý trưởng làng Hoàng Mai gửi Viện Viễn đông Bác cổ năm 1938 nói rõ “Làng Hoàng Mai, tổng Hoàng Mai, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông thờ Hương Mai đại vương”. 

Sự thật đã rõ, nhưng từ những năm 90 trở lại đây, trong các tài liệu có tính pháp lý và các sách báo đều nói đình Hoàng Mai thờ Trần Khát Chân. Ngay cả ngày giỗ thánh vào 24 tháng 4 âm lịch, trong diễn văn của phường sở tại cũng nói như vậy. Sự nhầm lẫn đáng tiếc này diễn ra đã lâu, không biết đến bao giờ cơ quan chức năng mới giải quyết để người Hoàng Mai được thỏa nguyện: “Chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”.

Hoàng Mai và bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính
Gần 60 năm trước, người viết bài này đã có dịp đến làng Hoàng Mai. Ngày ấy, làng ở liền cửa ngõ Thủ đô mà vẫn giữ được nét rất riêng. Đó là con đường làng được lát gạch nghiêng hình chữ nhân; những ngôi nhà cổ lợp ngói ta đã rêu phong. Quanh mỗi nhà là những hàng rào bằng ô dô, cúc tần được xén tỉa phẳng phiu. Trong màu xanh ngút ngàn của cây và hoa, hiện lên những hàng cau cao vút, những giàn trầu. Giờ đây trở lại Hoàng Mai cảnh sắc đã hoàn toàn thay đổi, chỉ còn sót lại đó đây vài cây cau. Những cây cau thân thương đã gợi tôi nhớ tới nhà thơ Nguyễn Bính. Năm 1939, Nguyễn Bính đến Hoàng Mai. Chính cảnh đẹp bình dị nơi đây đã tạo cảm xúc để ông sáng tác bài thơ Tương tư - thi phẩm bất hủ đã nằm lòng trong trái tim của bao người yêu thơ:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng.
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
Bảo rằng cách trở đò giang
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?
Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?
Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?
Nhà em có một giàn giầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Lan Châu