Những vần thơ đầu tiên giữa Sài Gòn giải phóng
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 14:23, 15/05/2017
“Trong ngày tiến vào Sài Gòn, cái cảm giác tốc độ bao trùm ý nghĩ của chúng tôi. Sáng sớm còn ăn xôi chấm muối mè ở thị xã Phan Thiết, chập chiều, chiếc xe đò mác DESOTO đã thả chúng tôi xuống trụ sở cơ quan USAID của Mỹ ở đường Lê Văn Duyệt. Tôi như bị rơi tõm xuống đáy một cái đèn kéo quân khổng lồ. Tứ phía xe gắn máy phóng như điên. Quần áo đủ màu, mũ giày đủ kiểu. Một anh chàng khoác áo lương đen thời Khải Định đi sóng đôi với một cô diện mini juyp và phía dưới cái quần ống loe thật lực có lẽ hơn 45 phân là một đế guốc sơn son thếp vàng kiểu Nam Phương Hoàng hậu… Tôi chợt nhìn xuống đôi dép cao su chiến trường của mình và bật cười nhớ đến câu nói của một cậu chiến sĩ tôi gặp trong đêm xuất kích đánh vào Phan Thiết. Vừa lao lên được mấy bước về phía cái ụ phòng thủ cuối cùng của địch thì đôi dép cao su của cậu ta dở chứng bật tung một lúc cả hai quai. Cậu ta hét tướng lên: “Thế này thì là… rùa tốc chứ thần tốc cái gì!” Và phát cáu, cậu ta “vụt” luôn chiếc dép phản chủ, rồi cứ thế, một chân dép, một chân không, cậu ta tiến đến tận… Phan Thiết. Tôi cứ nghĩ mung lung như vậy và thong thả cuốc bộ dọc những con đường xe cộ lao đi vun vút. Tôi mong gặp lại anh bạn của mình lúc này quá. Không biết giờ này anh ta đã tìm cho mình được chiếc dép khác hay chưa?... Và trong đầu tôi bỗng lóe lên một phác thảo:
… Bàn chân đất đi nhanh hơn lịch sử
Năm mươi ngày vượt quá năm mươi năm
Nhà thơ Anh Ngọc (người đeo kính thứ 2 từ phải qua)
Và câu chuyện này nữa, một anh bạn nói với tôi: “Nếu không nghe người Sài Gòn nói, anh sẽ tưởng anh đã đến một thành phố nước ngoài.” Điều đó cũng không hoàn toàn sai. Nhưng chả lẽ với Sài Gòn, anh lại không tìm được một cái gì thân thiết với anh hay sao? Riêng tôi, những cái đó không phải là ít. Xin kể một điều trong số đó.
Một cái gì thật quen thuộc đang đập vào mắt tôi – một tấm băng đỏ. Người đeo băng là một cô gái có lẽ là sinh viên văn khoa gì đó, đội mũ rộng vành, quần loe, guốc sơn mài… Cô đứng ở chính giữa ngã tư đường, vị trí vẫn dành cho chiếc bục công an. Cô làm cái việc điều hành giao thông này tự nguyện và say mê đến ngạc nhiên. Tất nhiên, giữa cái ngã tư Sài Gòn đó, cô không thể có thời gian để trò chuyện với tôi dù một câu. Nhưng tôi đã đứng theo dõi không bỏ sót một cử chỉ nào của cô, và xem đó như một lời tự sự lý thú. Trong đầu tôi, một đoạn thơ nho nhỏ đã hình thành, và như các bạn sẽ thấy, nó chỉ là một phác thảo:
Dừng lại
Xin anh dừng lại
Xòe trước mắt một bàn tay con gái
Như nhị vàng giữa hoa nắng ngã tư.
Đèn đỏ bật rồi, anh định vượt qua ư?
Dừng lại.
Vẫn mềm mại một bàn tay con gái
Hồn nhiên đôi vết mực học trò
Mọi ngả đường trái chiều xin dừng lại
Cho một con đường: đi đến tự do
* * *
Những ngày đầu giải phóng ấy, người dân Sài Gòn cũng có nhiều cảm xúc, vừa là vui mừng vừa là nghi ngại. Còn nhớ, chúng tôi đến Sài Gòn đã quá bữa cơm chiều. Những đống lửa nhóm lên rải rác trong vườn Dinh Độc Lập đã tắt, chỉ còn le lói vài tia khói mỏng. Những chiếc xe tăng quen thuộc đang nằm nghỉ rải rác dưới các gốc me – loài cây đặc trưng nhất của đường phố Sài Gòn. Mấy anh bộ đội không bỏ cái lệ thường của bao năm hành quân, đang ngồi túm lụm dưới tháp pháo và rót cho nhau những giọt nước chè rừng dành dụm được trong những chiếc ca làm bằng vỏ bom bi, ống rốc két Mỹ…
Tôi đã đi một mạch 300 cây số dọc đường 1 tiến quân của chúng ta vào Sài Gòn, và tôi có một quan sát thú vị: tất cả mọi căn nhà hai bên đường đều mở tung cửa trên suốt đường chúng tôi tiến tới. Vậy liệu có một căn nhà nào trong những ngày này, vẫn đóng cửa im ỉm hay không? Tôi đã tìm và gặp một căn nhà như vậy. Trong căn nhà ấy có người hẳn hoi, tôi nghe rõ tiếng họ trò chuyện, tiếng trẻ con reo đùa khe khẽ. Tôi quyết định đeo băng đỏ vào tay (suốt một tháng qua, lúc nào tôi cũng có một tấm băng như thế trong túi áo) và gõ cửa căn nhà nói trên. Tôi nhìn qua khe cửa thấy mấy người trong nhà đùn nhau không ai dám ra mở cửa cho tôi. Cuối cùng, một cháu bé khoảng lên 9 lên 10 chen lên trước và vặn nắm đấm.
Cánh cửa mở toang. Tôi đứng trước chừng hai chục cặp mắt đang mở to, dò hỏi. Tôi kiếm cớ để lý giải sự đường đột của mình:
- Thưa gia đình, hôm nay ở Dinh Độc Lập có cuộc mít tinh ra mắt Ủy ban quân quản Thành phố, xin mời gia đình đến dự.
- Phải đi hết cả nhà ư, thưa quý ông?
- Tùy gia đình thôi, các cháu bé nên ở nhà kẻo đông quá có thể bị lạc đấy.
- Không, em đi cơ - Cậu bé đã dũng cảm ra mở cửa hét toáng lên: “Đi cả nhà má nhé, mặc anh Hai ở nhà mà trông nhà.”
Lúc em bé nói đến câu này, chợt bà mẹ trừng mắt nhìn em và giật gấu áo em như muốn lôi lại phía sau. Cử chỉ đó đã không lọt qua mắt tôi. Bà mẹ vội nói lảng:
- Vâng, quý ông yên lòng, chúng tôi sẽ đi cả nhà, cả nhà…
Tôi rời căn nhà được quãng thì có tiếng bước chân lẹp kẹp chạy theo. Cậu bé ban nãy níu lấy tay tôi thì thào một câu rồi biến mất: “Má nói dối, anh Hai em là cảnh sát đang trốn trong nhà, không chịu trình diện đâu.”
Tôi đã viết thử một cái gì về cái ấn tượng vừa gặp, cái mà ngôn từ Sài Gòn gọi là “mặc cảm” đó, nhưng tôi chưa viết được gì, ngoài mấy câu tươi tắn:
Thành phố sáng nay như đứa trẻ
Mở cửa ra là đã gặp nụ cười.