Món quà của Giáo sư Nhật Bản với Hà Nội

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 10:00, 17/05/2017

GS. Ejima Akiyoshi - kiến trúc sư người Nhật Bản đã từng tham gia nghiên cứu và trùng tu một số công trình kiến trúc ở phố cổ Hội An, nhà cổ Bắc Ninh… ông đã dành tặng cho Bảo tàng Hà Nội một món quà ý nghĩa đó là mô hình cổng làng Mông Phụ được làm bằng gỗ bách hội - một loại gỗ quý của Nhật Bản.
GS.KTS Ejima Akiyoshi cho biết ông rất vinh dự vì trong một thời gian dài được tham gia hoạt động tu bổ công trình kiến trúc dân gian và nhà ở tiêu biểu của Việt Nam. Với tư cách là chuyên gia về tu bổ kiến trúc do Chính phủ Nhật Bản cử sang, nhiệm vụ của GS.KTS Ejima Akiyoshi là hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện hoạt động tu bổ công trình kiến trúc nhà ở dân gian, kiến trúc tôn giáo, lịch sử. Ông từng tham gia nghiên cứu một số công trình kiến trúc ở phố cổ Hội An, nhà cổ Bắc Ninh… Đặc biệt từ năm 2007 đến năm 2012 ông tham gia dự án bảo tồn di sản văn hóa của làng cổ Đường Lâm.

Món quà của Giáo sư Nhật Bản với Hà Nội
GS.KTS Ejima Akiyoshi

Trong số 5 di tích của làng cổ Đường Lâm được UNESCO trao giải thưởng danh dự về bảo tồn di sản văn hóa năm 2013, đáng chú ý có di tích cổng làng Mông Phụ. Cổng làng Mông Phụ được xây dựng từ thời Hậu Lê năm 1553 – thời vua Lê Thần Tông, là một trong những cổng làng cổ nhất Việt Nam, mang những nét kiến trúc độc đáo. Cổng làng Mông Phụ đã bị hư hại nghiêm trọng và được tu bổ lại năm 2008 trong khuôn khổ của dự án hợp tác Việt – Nhật.

GS.KTS Ejima Akiyoshi cho biết để đảm bảo tính nguyên gốc và chính xác của công trình kiến trúc khi tu bổ các chuyên gia Nhật phải tuân thủ những bước tiêu biểu như: điều tra lấy thông tin về công trình; nghiên cứu, đo đạc hiện trạng công trình, tiếp đó mới là quyết định những bước tiến hành tu bổ. “Phương pháp dùng mô hình để phục dựng lại những phần bị mất của bộ phận hoặc cả công trình kiến trúc đó là một phương pháp khá phổ biến của Nhật Bản và cũng đã được chúng tôi áp dụng trong quá trình tu bổ một số công trình kiến trúc tiêu biểu ở Việt Nam. Chúng tôi muốn thông qua mô hình để lấy ý kiến của người dân địa phương, bổ sung những điểm mà các chuyên gia đã hình dung, từ đó phục dựng lại bộ phận đã bị mất một cách giống nhất, thật nhất”- GS.KTS Ejima Akiyoshi chia sẻ.

Vì thế, trước khi tiến hành tu bổ, tôn tạo cổng làng Mông Phụ, các chuyên gia Nhật Bản cũng đã tiến hành điều tra để lấy thông tin về công trình. Kết quả điều tra cho thấy cấu trúc tường gạch, hệ thống cột gạch, vì kèo và hàng cột gỗ của cổng làng vẫn còn nguyên. Tuy nhiên toàn bộ cửa, khung cửa cũng như 2 cánh cửa đã bị phá dỡ. “Chúng tôi đã dùng phương pháp mô hình hóa để phục dựng lại 2 cánh cổng đã bị mất cũng như toàn bộ khung cổng, sau đó hỏi ý kiến của các cụ cao niên trong làng về mô hình mà chúng tôi hình dung. Trong quá trình phục dựng, chúng tôi làm 1 mô hình tương tự như mô hình tặng cho Bảo tàng Hà Nội nhưng với kích cỡ nhỏ hơn” - GS.KTS Ejima Akiyoshi cho biết.

Mô hình cổng làng Mông Phụ mà GS.KTS Ejima Akiyoshi trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội được ông phục dựng sau khi đã kết thúc công việc của mình tại Việt Nam. Trên cơ sở các số liệu đo đạc công phu, ông đã phục dựng mô hình cổng làng có kích thước rộng 60cm, sâu 60cm, cao 63cm, bằng 1/10 so với kích thước thật. Điều đặc biệt là các cấu kiện của mô hình rất chi tiết và có thể tháo ra, lắp vào phục vụ cho công tác tập huấn, tu bổ và giảng dạy.

Phát biểu tại buổi lễ trao tặng, Giáo sư sử học Phan Huy Lê bày tỏ sự xúc động trước món quà mà GS.KTS Ejima Akiyoshi dành cho Bảo tàng Hà Nội. Theo ông, mô hình cổng làng Mông Phụ thu nhỏ này không chỉ thể hiện tấm lòng của giáo sư đối với di sản Việt Nam mà còn rất ý nghĩa đối với các sinh viên kiến trúc, các kiến trúc sư, khi muốn nghiên cứu, tìm hiểu về cổng làng. GS Phan Huy Lê cũng hy vọng Bảo tàng Hà Nội sẽ lưu giữ, bảo quản tốt và phát huy tối đa giá trị của hiện vật này.

Đặng Thủy