Người Lai Xá góp tiền xây bảo tàng nhiếp ảnh

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 11:30, 18/05/2017

Đúng ngày hội làng giỗ cụ Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký), cụ tổ làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá và kỷ niêm 125 năm làng nghề nhiếp ảnh (ngày 15/5/2017), người dân Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội đã khánh thành Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy “Đây là loại bảo tàng đầu tiên của cộng đồng một thôn/ làng và cũng là loại bảo tàng đầu tiên về một làng nghề ở Hà Nội”.

Cộng đồng chung sức

Được xây dựng trên khuôn viên đất nhà Hậu ngay kế bên đình Đụn, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá rộng hơn 100m2. Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Lai Xá, ý tưởng xây dựng bảo tàng được gợi ý từ PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và cũng là người con làng Lai Xá. Những năm 2008 - 2009, khi làng Lai Xá tập trung làm một số công trình văn hóa, mọi người cũng đã bàn chuyện xây dựng một phòng truyền thống để lưu giữ ký ức của làng nghề. Tuy nhiên lúc đó làng chưa đủ điều kiện xây dựng, nên chuyện xây nhà truyền thống đành gác lại. Đến năm 2012 - 2013, khi gia đình PGS. TS Nguyễn Văn Huy xây bảo tàng Nguyễn Văn Huyên ở Lai Xá, ông đã tư vấn cho người dân Lai Xá không nên làm nhà truyền thống, mà nên xây dựng bảo tàng.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy: “Lai Xá có kho tài liệu, thông tin về nghề ảnh vô cùng phong phú, làng cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Đây chính là những cơ sở để làng có thể thành lập bảo tàng nhiếp ảnh cũng như nắm lấy cơ hội này để phát triển”

Ý tưởng của PGS. TS Nguyễn Văn Huy phù hợp với nguyện vọng của dân làng nên đã nhanh chóng trở thành quyết tâm của chi bộ và nhân dân thôn Lai Xá. Một cuộc hội thảo khơi gợi về vấn đề xây dựng bảo tàng được tổ chức. Ngay sau đó không lâu bảo tàng cũng đã được khởi công xây dựng với nguồn kinh phí do cộng đồng vận động đóng góp. “Chúng tôi vận động người dân trong thôn, trong xã, cũng như người dân Lai Xá trong cả nước, ở nước ngoài đóng góp. Mỗi người, mỗi nhà góp một ít. Có kinh phí đến đâu, bảo tàng xây dựng đến đó” - Ông Thắng cho biết.

Sau 2 năm kể từ ngày khởi công, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Theo thiết kế ban đầu bảo tàng xây 3 tầng với kinh phí ước tính khoảng 3 tỷ đồng, tuy nhiên do không đủ kinh phí nên bảo tàng mới xây được 2 tầng. “Còn một tầng nữa khi nào vận động được thêm, chúng tôi sẽ xây dựng tiếp.” – Ông Thắng cho hay.

Không chỉ gợi ý tưởng, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng chính là người cố vấn, đồng hành giúp bảo tàng trong lĩnh vực chuyên môn trưng bày. Ông mời nhóm chuyên gia Pháp là bà Veronique Dolfus và ông Patrick Hoarau tham gia phần thiết kế nội thất trưng bày của bảo tàng, mời họa sĩ nội thất Đam Ca triển khai thiết kế chi tiết. Ông cũng tham gia trực tiếp cùng với lãnh đạo thôn Lai Xá trong việc triển khai công tác sưu tầm, tài liệu hiện vật cho bảo tàng.

Với sự chung sức của cộng đồng, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã có được hàng nghìn hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý như: máy ảnh cổ, máy ảnh hộp gỗ chụp phim kính, bộ chấm sửa ảnh, bao đựng ảnh và rất nhiều những bức ảnh quý… Đó là những kỷ vật của những người thợ ảnh, các gia đình của những chủ hiệu ảnh xưa như: hai anh em ông Phạm Văn Nên, Phạm Thành, ông Phạm Văn Hưng, con cháu của ông Phạm Văn Tám, Phạm Văn Mười (hiệu ảnh Tân Lai, Hải Phòng), ông Nguyễn Văn Bối (hiệu ảnh Minh Tân, Nam Định), ông Đinh Tiến Mậu ở TP. Hồ Chí Minh… Đặc biệt sự hỗ trợ của các tình nguyện viên đến từ Khoa Di sản, trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng đã giúp cho Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá có thêm nhiều câu chuyện thú vị bên lề các hiện vật, những người thợ nghề làng Lai Xá năm xưa. 


Nhà ảnh Thăng Long xưa ở Đại lộ Đồng Khánh, Hà Nội được trưng bày tại  Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.

Nhà ảnh Thăng Long xưa ở Đại lộ Đồng Khánh, Hà Nội được trưng bày tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.

Bảo tàng kể chuyện làng nghề

Khi hay tin bảo tàng sắp khánh thành, ngày nào cụ Phạm Văn Nên – nguyên Chủ nhiệm HTX Nhiếp ảnh Nắng Xuân ở Hà Nội (những năm 70 – 80 của thế kỷ trước) cũng đến ngắm nghía hiện vật và kể chuyện nghề ảnh những năm xưa. Ông Nên bảo: “Đây là giấc mơ bao năm qua của những người Lai Xá. Nhưng giá như bảo tàng được thành lập sớm hơn, khoảng cuối những năm 1990 thì sẽ sưu tập được nhiều hiện vật quý hơn nữa. Cũng vì hồi ấy, khi công nghệ số lấn át, chúng tôi đã hủy bỏ rất nhiều máy ảnh cổ…”

Trong không gian trưng bày gần 300m2, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã sử dụng khoảng 140 - 150 tấm ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt trưng bày và 14 - 15 tủ kính, bàn trưng bày với khoảng 100 - 150 hiện vật. Các tài liệu và hiện vật của bảo tàng đã đem đến cho công chúng nhiều câu chuyện thú vị về nghề nhiếp ảnh của người Lai Xá không chỉ ở Hà Nội mà ở khắp cả nước. Đầu tiên là chuyện về ông tổ nghề - cụ Nguyễn Đình Khánh mở hiệu ảnh đầu tiên vào năm 1892 ở phố Hàng Da, Hà Nội với những hiện vật quý như ống kính máy ảnh cụ Khánh sử dụng, một số tấm ảnh do cụ chụp và tấm pano lớn bằng sơ đồ kể về ông tổ nghề cùng học trò của mình đã gây dựng nên một mạng lưới những người Lai Xá làm nghề ảnh trong khắp cả nước. Tiếp đó là các hiệu ảnh nổi tiếng của người Lai Xá suốt 5 thập niên của thế kỷ 20 cho đến 1975 ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định… Nhất là, bảo tàng còn kể câu chuyện người Lai Xá theo cụ Khánh Ký vào lập nghiệp ở Sài Gòn từ những năm 1920 và dần dần trở thành một cộng đồng người Sài Gòn gốc Lai Xá với trên dưới nghìn người. Hai hiệu ảnh ở Sai Gòn được chọn giới thiệu là Thiên Nhiên ảnh viện của cụ Nguyễn Duy Niên và Viễn Kính ảnh viện của ông Đinh Tiến Mậu…

Nghề ảnh với người Lai Xá hiện nay cũng được kể ở đây qua bốn hiệu ảnh của người Lai Xá ở ngay trong không gian của thôn - phố Lai Xá (hiệu Văn Lai, Sơn Hà, Thủ Đô, Đức Lai), một hiệu ảnh ở nội thành Hà Nội (hiệu ảnh 441 Bạch Mai). Ở Sài Gòn, hiệu ảnh Mỹ Lai kiên trì giữ vững tên thương hiệu của mình suốt hơn 80 năm qua. Một số sản phẩm ảnh của các bậc tiền bối cũng được giới thiệu tại bảo tàng theo chuyên đề: ảnh chân dung, ảnh thờ, nghệ thuật ảnh sáng trong chụp ảnh, ảnh ghép và ảnh tô mầu bằng tay.

Ngoài ra, bảo tàng còn có những không gian nho nhỏ dành cho du khách khám phá bếp núc của nghề ảnh, đặc biệt nghề ảnh thời chiến tranh với căn buồng tối in phóng ảnh xưa. Ở đó trưng bày một số máy ảnh, thuốc ảnh, máy phóng ảnh và kỹ thuật chấm sửa ảnh bằng tay cùng câu chuyện về người Lai Xá đã vượt qua những khó khăn khan hiếm thuốc ảnh, giấy ảnh thời chiến như thế nào. Để du khách trải nghiệm với cách chụp ảnh xưa, bảo tàng còn tái hiện lại biểu tượng một phòng chụp ảnh theo phong cách xưa với một máy ảnh cổ, hộp gỗ trên giá 3 chân.

Có thể nói sự ra đời của Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá là một hiện tượng khá độc đáo trong hệ thống các bảo tàng Việt Nam. Độc đáo bởi đây là một bảo tàng thôn đầu tiên, cũng là một bảo tàng làng nghề đầu tiên do cộng cộng đồng tự đóng góp xây dựng. Và không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của làng, cùng với Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, gallery ảnh Nguyễn Anh Tuấn và những điểm di tích như đình Đụn, các nhà cổ… Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá còn hứa hẹn là một “điểm du lịch hấp dẫn” đối với du khách khi đến với Thủ đô.

Để có thể xây dựng được bảo tàng đã là khó, tuy nhiên để bảo tàng hoạt động hiệu quả cũng là một việc không dễ dàng gì. Là bảo tàng đầu tiên của một thôn nên câu chuyện duy trì hoạt động là cả một thách thức lớn đối với người Lai Xá. “Dân làng Lai Xá mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, của cộng đồng để bảo tàng dần hoàn thiện về cơ sở vật chất, ổn định đội ngũ quản lý vận hành để hoạt động của bảo tàng ngày càng hiệu quả hơn.”- Ông Nguyễn Văn Thắng bày tỏ.

Hoàng Anh