Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo

Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 15:17, 12/08/2022

Năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba 1442 là năm đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Năm này xảy ra nhiều sự kiện lớn, tất cả đều liên quan đến cuộc đời Nguyễn Trãi, trong đó có vụ án Lệ Chi Viên.
Ức Trai  tâm thượng quang  khuê tảo
Danh nhân Nguyễn Trãi

Nói về nguyên nhân vụ án này, GS Đào Duy Anh, trong “Tiểu sử Nguyễn Trãi” in trong “Nguyễn Trãi toàn tập” - NXB Khoa học xã hội - 1969, viết: “Lê Thái Tông có 5 vợ. Trong số 5 người này có Nguyễn Thị Anh và Ngô Thị Ngọc Dao. Nguyễn Thị Anh sinh Bang Cơ được phong làm thái tử. Một đêm, Nguyễn Thị Anh nằm mơ thấy Ngọc Hoàng sai một vị tiên đồng đầu thai vào bà Ngọc Dao. Từ đó, Thị Anh sợ rằng, một khi bà Ngọc Dao sinh hạ quý tử, thì ngôi thái tử của Bang Cơ sẽ không còn nữa. Thị Anh bèn tìm mọi cách hãm hại bà Ngọc Dao. Trước đó, Thị Anh đã từng vu cáo bà Ngọc Dao có dính líu vào vụ làm bùa của bà Huệ Phi có ý làm hại thái tử. Chính Thị Anh đã xui vua Thái Tông khép bà Ngọc Dao vào tội voi giày.
Không muốn thấy cảnh đau lòng, Nguyễn Trãi đã tìm cách cứu Ngọc Dao. Ông đã bảo Thị Lộ khuyên vua không nên nghe lời xúc xiểm mà làm một việc thất đức. Nghe lời Thị Lộ, vua Thái Tông cho phép đưa bà phi Ngô Thị Ngọc Dao tạm lánh ở chùa Huy Văn, phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa. Ngày 20/7, bà Ngọc Dao sinh người con trai đặt tên là Tư Thành. Sau đó, để tránh sự mưu hại của Nguyễn Thị Anh, Nguyễn Trãi đưa hai mẹ con Tư Thành ra An Bang, Quảng Ninh. Từ đấy, Thị Anh thâm thù Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, tìm mọi cơ hội để trả thù. 
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, viết: “Ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1/9/1442), Lê Thái Tông đi duyệt võ ở Chí Linh, có vào Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Ngày mồng 4 tháng 8 vua về đến vườn Lệ Chi huyện Gia Định, bỗng bị bệnh ác rồi băng. Trước đây, vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung cho làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi, xã Đại Lai trên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”. Ngay sau đó, Thị Lộ bị bắt, Nguyễn Trãi đang đi kiểm tra ở Đông Bắc, được tin vua Thái Tông mất, vội trở về Thăng Long cũng bị bắt. Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ bị buộc tội âm mưu giết vua. “Ngày 16 tháng 8 (19/9/1442) giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến ba đời”. Giải thích căn nguyên việc hành hình Nguyễn Trãi, sử giải thích: “Trước là Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy thích lắm, cùng với Thị Lộ cợt nhả, đến đây đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bệnh ác mà chết, cho nên Trãi bị tội ấy”. 
Giờ đây, đọc lại những trang sử cũ, giúp chúng ta suy ngẫm về cuộc đời Nguyễn Trãi. Ông là nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc. Khi nước có giặc, ông lặn lội vào Lội Giang (Thanh Hóa) để dâng lên Lê Lợi “Bình Ngô sách”; khi đất nước yên bình, ông giữ việc đọc quyển trong kỳ thi đình đầu tiên (năm 1442) để cùng vua Lê Thái Tông kén chọn người tài ra giúp nước. Năm 1460, khi Nguyễn Trãi qua đời đúng 18 năm, hoàng tử Tư Thành do vợ chồng ông cưu mang lúc còn trứng nước, được các quan đại thần trung nghĩa rước lên làm vua, hiệu là Lê Thánh Tông. Lúc này, những người tài do Nguyễn Trãi chọn trong cuộc thi đình đầu tiên của thời Lê sơ lần lượt giữ chức vụ trọng yếu trong triều. Lê Thánh Tông ở ngôi 38 năm, là “một ông vua giỏi bậc nhất của nước ta, làm cho nước giàu mạnh, văn học mở mang” đã đưa quốc gia Đại Việt bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Trong thành tựu chung đó, có công ươm mầm của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
Tiếc thay, từ khi xảy vụ án Lệ Chi viên, đến nay đã 580 năm mà chính sử triều Lê vẫn giữ quan điểm chính thống, kết tội Nguyễn Thị Lộ giết vua và Nguyễn Trãi phải liên lụy. Còn Nguyễn Trãi, cả dân tộc này, từ vua tới dân, trước sau vẫn giữ tấm lòng kính trọng và tiếc thương vị khai quốc công thần. Năm 1453, vua Lê Nhân Tông, có lần đến Bí thư các, xem “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, nhà vua đã khẳng định công lao, sự nghiệp của Nguyễn Trãi: “Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp yên giặc loạn, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh tướng của bản triều không ai sánh bằng”.
Năm 1464, vua Lê Thánh Tông, có thể nghe lời khuyên của mẹ là Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, trả ơn nghĩa thuở trước, mới chính thức minh oan cho Nguyễn Trãi. Ông được truy tặng tước Tế văn hầu, đúng tước hiệu như Lê Thái Tổ ban phong trước đây; lại cho con là Anh Vũ giữ chức huyện quan. Từ khi bị tru di, tác phẩm của Nguyễn Trãi thất tán nhiều, được Trần Khắc Kiệm đời Lê rồi Dương Bá Cung đời Nguyễn thu thập lại, gọi là “Ức Trai di tập” gồm những tác phẩm còn được lưu giữ của Nguyễn Trãi.
Như vậy, từ đời Lê đến đời Nguyễn, Nguyễn Trãi đã ba lần được minh oan. Tất cả những lần đó, Lê Nhân Tông rồi Lê Thánh Tông chỉ nhất nhất ca ngợi công lao và cuộc đời Nguyễn Trãi, mà không một lời nhắc đến Nguyễn Thị Lộ và vụ án thảm khốc. Nhân kỷ niệm 580 năm ngày mất của Nguyễn Trãi, người Anh hùng dân tộc được nhân loại tôn vinh là Danh nhân Văn hóa Thế giới, xin được giới  thiệu nguyên văn bài Chế và một bài thơ “Ngự chế” của Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi.  

BÀI CHẾ PHONG TẶNG TƯỚC HẦU CHO LÊ TRÃI (1)
Thuận mệnh trời, theo vận nước, Hoàng thượng nói rằng: Ta vì muốn bắt chước phép nhà Ân mà trị nước để mở rộng cơ nghiệp của tổ tông, muốn dựa theo lệ nhà Chu mà ghi công để thực hiện trị an cho đất nước, cho nên cần làm việc ban cấp sắc phong, sửa sang phần mộ.
Xét vị công thần khai quốc trước kia được phong tước Trụ quốc Tán trù bá, đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu là Lê Trãi đem đạo học chân chính mà giúp việc nước nhà, vạch kế hoạch rộng lớn mà sửa nền thịnh trị. Trong buổi Tổ phụ ta khởi nghĩa ở Lam Sơn để gây dựng lại cơ đồ nước Việt, ông đã vào Lội Giang (2) theo quân, lập được nhiều thành tích tốt trong việc bình Ngô, danh vọng của ông vang lừng trong bốn bể, mưu lược của ông rõ rệt dưới hai triều(3). Dẫu rằng thời mệnh không đi đôi với nhau, khó biết được lẽ huyền bí; nhưng công lao của ông được ghi chép lâu ngày hiện còn thấy trong sổ sách. Trước kia ông đã được ban ân rất hậu, ngày nay càng nên tặng thưởng thêm. Vì lẽ đó, nay đổi tước Bá, tặng tước Hầu, vừa để biểu dương công lao cống hiến cho nước, vừa để nêu rõ đạo học cho đời.
Than ôi! Rồng hổ gió mây hội trước, tưởng lại tiền nhân. Văn chương sự nghiệp dấu xưa, truyền cho hậu thế.
Vậy gia phong tặng Trụ quốc Tế văn hầu (4), đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu.
 Lê Thánh Tông
Chú thích
(1) Do có công lớn trong Khởi nghĩa Lam Sơn nên Nguyễn Trãi được vua ban quốc tính, họ vua.
(2) Lội Giang, tên một khúc sông của phần trên sông Mã thuộc vùng Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
(3) Hai triều, tức hai đời vua nhà Hậu Lê: Lê Thái Tổ (1428 - 1433) và Lê Thái Tông (1433 - 1442)
(4) Tước phong triều Lê có 5 bậc: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Nguyễn Trãi được Lê Thái Tổ phong Tế Văn Hầu, xếp thứ hai.
Ức Trai  tâm thượng quang  khuê tảo
BÀI THƠ NGỰ CHẾ
*Phiên âm
Dư tĩnh tọa pháp cung hà tư kim tích quân minh thần lương dữ đương kim cơ nghiệp chi thịnh, ngẫu thành nhất luật
(Xuất “Quỳnh uyển cửu ca tập”, Hồng Đức nhị thập ngũ niên)
Cao đế anh hùng cái thế danh,
Văn hoàng trí dũng phủ doanh thành.
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo,
Võ mục hung trung liệt giáp binh.
Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển,
Nhị Thân phụ tử bội ân vinh.
Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự,
Bát bách Cơ Chu lạc trị bình.
*Dịch nghĩa
Ta ngồi trong chính điện, hồi tưởng xưa nay vua sáng, tôi lành và cơ nghiệp thịnh vượng của nước nhà ngày nay ngẫu thành bài thơ.
(Trong tập “Quỳnh uyển cửu ca”, năm Hồng Đức thứ 25 - 1494)
Cao đế nổi tiếng anh hùng, trên đời không ai sánh kịp,
Văn hoàng trí dũng, kế thừa nghiệp lớn,
Ức Trai trong lòng rạng vẻ khuê tảo(1)
Võ Mục trong bụng chất chứa giáp binh(2)
Mười anh em họ Trịnh vẻ vang phú quý,
Hai cha con họ Thân cùng hưởng ân vinh,
Cháu hiếu tôn Hồng Đức kế thừa nghiệp lớn,
Vui hưởng cuộc trị bình tám trăm năm như đời Cơ Chu(3).
*Nguyên chú của tác giả:
Vua thái tổ Cao hoàng đế, dấu vết ở Lam Sơn, một khi kéo cờ khởi nghĩa, giặc Minh thua chạy, khôi phục đất nước, hai kinh vững vàng, hơn 20 thành mở cửa đầu hàng, dựng cơ nghiệp muôn năm, giải phóng trăm họ, lập thành công lớn, từ xưa chưa thấy.
Vua Thái tông Văn hoàng đế, kế thừa nghiệp lớn, trong lặng ngoài yên, văn giáo mở mang, vũ oai lừng lẫy, thóc gạo thừa thãi, nhân vật phồn thịnh.
Thừa chỉ Quan phục hầu Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, đậu khoa bảng đời Hồ. Khi Thánh tổ mới mở cơ nghiệp, theo về nơi Lội Giang, bên trong thì trù tính phương lược, bên ngoài thì thảo văn thư chiếu dụ các thành, văn chương giúp nước, rất được tín nhiệm.
Tư mã Lê Khôi, thụy là Võ Mục, cháu gọi Thái tổ Cao hoàng bằng chú, thâm trầm hùng dũng, tài lược hơn người, đánh quân Minh tới đâu, được đấy, trấn thủ thành Thuận Hóa(4), người Chiêm Thành khiếp sợ.
Thái úy Trịnh Khả, con là Trịnh Bá Quát, Trịnh Công Lộ, Trịnh Công Ngộ, Trịnh Đạt, Trịnh Quý Thuật, Trịnh Quý Địch, Trịnh Hựu, Trịnh Giang. Anh em hơn 10 người, đều làm quan, rất là quý hiển.
Thân Nhân Trung, con là Thân Nhân Tín, trước sau nối gót, khoa bảng đậu cao. Nhân Trung quan nhị phẩm, chức luận ân. Nhân Tín giữ chức từ lâm, vào hàng Ngọc thự(5).
.......................................................................................
Chú thích
(1) Khuê tảo: Khuê là sao Khuê, tảo là cỏ tảo, tượng trưng cho văn chương
(2) Giáp binh trong bụng: chỉ người có nhiều mưu lược, giỏi cầm quân
(3) Cơ- Chu: Thời cổ đại Trung Quốc, nhà Thành Chu họ Cơ, truyền nghiệp làm vua được 800 năm, câu này ý nói cơ nghiệp trị bình lâu dài
(4) Thuận Hóa: Chỉ đất từ Quảng Trị, Thừa Thiên trở vào
(5) Từ lâm, Ngọc thự: Đều là biệt danh của Viện hàn lâm
*Nhóm Lê Quý Đôn dịch thơ
Cao đế anh hùng dễ mấy ai,
Văn hoàng trí dũng kế ngôi trời.
Văn chương Nguyễn Trãi lòng soi sáng.
Binh giáp Lê Khôi bụng chứa đầy.
Mười Trịnh vang lừng nền phú quý,
Hai Thân sáng rạng vẻ cân đai.
Cháu nay Hồng Đức nhờ ơn trước,
Cơ nghiệp Thành Chu vận nước dài.
(Trích “Hoàng Việt thi văn tuyển”, tập II và tập III, NXB Văn hóa - Hà Nội 1958).

Trần Văn Mỹ