Tục nuôi trẻ ở Đại Từ
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 09:38, 31/05/2017
Đại Từ là một làng cổ ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa, thuộc huyện Long Đàm (Đầm Rồng), nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội. Làng Đại Từ nằm tiếp giáp với dòng sông Tô, nơi khi xưa thuyền bè tấp nập qua lại. Phía Đông là con đường cái quan, phía Tây là sông Tô Lịch, Phía Nam là đầm Linh Đàm. Với địa thế nói trên, Đại Từ có cả một vùng thoáng đãng từ phía Nam, luôn đem lại làn gió nồm tốt lành.
Ngoài ra, làng còn được hưởng tác động điều hòa khí hậu của khu đầm rộng bát ngát. Thêm đó, bao đời, làng Đại Từ có một quy hoạch rất đáng chú ý, làng nằm ven đầm, từ Đông sang Tây, vốn hình thoi dài, nên cả chiều dài hướng Nam là dải đầm rộng mênh mông, ba phía kia là lũy tre dày kín.
Cả làng khi xưa có hai nghề chính là nghề làm hàng xáo và nghề nuôi con nuôi. Truyền thuyết làng Đại Từ kể rằng:
Xưa các cô tiên hay xuống chơi ở đầu làng, rồi một cô đã để “quên” hai bầu vú ở Cầu Tiên. Vì là vú tiên nên dân làng không dám lạm dụng, họ nghĩ đến việc chia một nửa cho thiên hạ. Từ đó, người làng có tục nhận con nuôi. Đứa trẻ nào đến tay bà mẹ Đại Từ đều được chăm sóc. Cái nghĩa “quý con người hơn con mình” của các bà làm cả Thăng Long xúc động, nhà vua đã ban khen “Đại Từ nghĩa dân”. Đại Từ xưa có 6 xóm (nay là 7 tổ dân phố) với khoảng 30 dòng họ chuyên nhận con nuôi, đặc biệt là hai họ Nguyễn và Vũ. Dòng họ nào cũng nhận con nuôi. Riêng họ Trần thì nuôi ít hơn vì họ làm hàng tấm (hàng vải).
Khi xưa nhận con nuôi, người Đại Từ, Hoàng Mai có truyền thống coi như con đẻ, chăm sóc tận tình từ bữa ăn đến giấc ngủ.
Không ai còn nhớ truyền thống nhận con nuôi của làng có từ bao giờ. Chỉ biết, từ xưa ở làng Đại Từ đã có nhiều gia đình nhận trông, nuôi trẻ thuê, không chỉ trẻ trong làng mà cả trẻ ở các làng bên, thậm chí trong nội thành.
Những đứa trẻ trong thành, chủ yếu là con nhà buôn bán, kẻ chợ, những cậu ấm cô chiêu con nhà giàu có, mới được gửi đến làng cậy nhờ nuôi giúp. Và họ rất mừng: Ở nhà có quấy khóc suốt ngày đêm, thì đến làng Đại Từ, bú sữa mẹ Đại Từ, nằm võng làng Đại Từ, hóng gió làng Đại Từ, đứa trẻ lại im thin thít. Những người đàn bà Đại Từ vừa nuôi con mình vừa nuôi con người, nhưng cũng lạ, sữa lúc nào cũng không thiếu, người nhiều sữa thì còn nuôi ba đứa trẻ một lúc. Tối đến, khi các bé đã ngủ say, các mẹ mới bắt đầu làm gạo xáo. Cứ thế, những đứa trẻ lớn lên cùng nhau, không phân biệt con đẻ, con nuôi, cùng ăn, cùng học, cùng chơi. Có nhà đón con về sớm, khi hết khóc dạ đề, có nhà bắt con về tự nuôi khi con được ba tuổi, cũng có nhà gửi cho đến khi con đã trưởng thành mới mang về dựng vợ gả chồng.
Cứ hai tuần hoặc mỗi tháng một lần, bố mẹ đẻ lại cho người gánh gạo, đỗ, đồ gia dụng, quần áo, và một thứ không thể thiếu là tiền xuống làng Đại Từ. Tiền do hai bên bố mẹ thỏa thuận, không nhà nào giống nhà nào vì những đứa trẻ gửi nuôi ở làng không đồng đều nhau về độ tuổi. Có nhà dư giả còn cho bố mẹ nuôi của con mình thêm tiền. Tiếng lành về việc nuôi con mát tay nên trong làng Đại Từ lúc nào cũng đầy ắp tiếng trẻ và tiếng ru.
Phụ nữ Đại Từ thường sống ngăn nắp, sạch sẽ, đức tính hiền từ, nhất là làng được ở vào địa thế thuận lợi, khiến con người được hưởng không khí thoáng đãng từ phía Nam. Về phía Bắc thì nhờ lũy tre dày đặc, tránh được những cơn gió bấc khắc nghiệt. Giếng nước ăn tốt lành cũng là một yếu tố có tính quyết định. Có lẽ vì những lí do trên mà làng Đại Từ nổi tiếng mát tay nuôi trẻ.
Người dân ở đây thường nói: Làng Đại Từ có dải đất hình cô Tiên, lành lắm.
Đất lành, dân cũng lành mới nuôi được con thiên hạ. Lúc nào cũng phải giữ cho con mình nuôi được sạch sẽ, không bao giờ để nhếch nhác, nếu lỡ để bẩn thỉu, ốm o, sẽ mang tiếng cả làng.
Thường các gia đình trong làng nhận nuôi trẻ từ lúc lọt lòng đến 4, 5 tuổi thì cho về với gia đình. Thủ tục hết sức đơn giản. Gia đình có con muốn nhờ nuôi chỉ cần mang cơi trầu, lạng thuốc đến nói chuyện, kèm theo một chút quà nhỏ. Khi đã nhận con nuôi, người Đại Từ coi như con đẻ, chăm sóc tận tình từ bữa ăn đến giấc ngủ. Khi ốm đau, tận tình chạy chữa thuốc thang. Nhiều đứa trẻ vừa lọt lòng đã được đưa đến nhà mẹ nuôi, nhờ chính dòng sữa của mẹ nuôi mà lớn lên thành người. Không chỉ nhờ nuôi hẳn, nhiều người còn đến Đại Từ mong đỡ đầu con cái họ, để đứa trẻ hay ăn, chóng lớn. Vì vậy, khi sinh nở xong, họ mang một chai rượu, cơi trầu đến nhà bố mẹ nuôi làm lễ gia tiên xin cho con mình ghé cửa nương nhờ, sau đó mời bố mẹ nuôi đến nhà xem mặt đứa trẻ và nhường quyền cho bố mẹ nuôi đặt tên cho đứa bé. Sau này khi lớn lên thì cứ mồng Năm (Đoan Ngọ) ngày Tết, bố mẹ đẻ sẽ dắt đứa bé đến tết nhà bố mẹ nuôi.
Lại có nhiều nhà khó nuôi, sợ ma tà quấy nhiễu nên người mẹ đem con bỏ đường, bỏ chợ, nhưng dặn trước người làng Đại Từ trực sẵn đưa về nuôi, sau vài giờ hoặc vài ngày sẽ đến chuộc lại nhận làm con nuôi. Đây là cách đánh tráo con đẻ thành con nuôi, con nuôi là con đẻ lừa ma để không sài đẹn, ốm đau, quặt quẹo... Trong các gia đình có con nuôi, anh em kết nghĩa với nhau thân tình, nhận bố mẹ của anh em cũng như bố mẹ của mình và ngược lại, bố mẹ cũng nhận người anh em kết nghĩa với con mình như con cái trong nhà. Nhiều người con nuôi, dù đi làm ăn xa vẫn giữ mối liên hệ. Ngày lễ Tết họ thu xếp công việc gia đình, con cái về thăm lại cha mẹ nuôi thuở bé của mình. Tình cảm rất khăng khít.
Hiện nay làng đã thành phường, người dân Đại Từ giờ chủ yếu làm nghề buôn bán, không còn giữ được truyền thống nhận con nuôi như xưa nữa. Sông hồ, đầm ao, làng mạc, đất đai đã bị thu hẹp nhiều, nhưng danh tiếng một làng Đại Từ chuyên nuôi con thiên hạ thì không hề bị quên lãng mà vẫn lưu truyền với những câu chuyện thật đẹp. Và người dân vùng hồ Linh Đàm vẫn cố gắng, trân trọng gìn giữ bốn chữ vua ban “Đại Từ nghĩa dân” như một ký ức tốt đẹp của làng mình.
Theo “Tục hay, lệ lạ Thăng Long – Hà Nội”, NXB Phụ nữ 2016