Phố Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 15:43, 08/06/2017

Phố Bùi Thị Xuân dài 830m, rộng 8m. Từ phố Nguyễn Du (số nhà 43) đến phố Thái Phiên (số nhà 6D) cắt ngang các phố Trần Nhân Tông, Tuệ Tĩnh, Tô Hiến Thành, Đoàn Trần Nghiệp.
Đây nguyên là đất các làng Thuần Mỹ, Đông Hạ và Phúc Lâm Tiểu, đều thuộc tổng Tả Nghiêm (sau đổi thành tổng Kim Liên), huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn Thuần Mỹ hợp với thôn Hồi Thuần thành thôn Hồi Mỹ. Thôn Đông Hạ đổi ra là Đông Tân. Đình Hồi Mỹ nay là số nhà 9 Bùi Thị Xuân. Đình Đông Tân nay là số nàh 87 Triệu Việt Vương.

Thời Pháp thuộc là đường số 80 (Voie N080) năm 1919 đặt tên là phố Đuy-vi-nhô (Rue Duvigneau). Năm 1945 đổi thành phố Minh Khai, năm 1949 đổi thành phố Huyền Trân Công Chúa. Từ tháng 6/1964 đổi tên phố Bùi Thị Xuân cho đoạn từ Nguyễn Du đến phố Đoàn Trần Nghiệp dài 730m, đến tháng 6/2005 điều chỉnh kéo dài thêm 100m nữa cho đoạn từ phố Bùi Thị Xuân (số nhà 181) cắt qua phố Đoàn Trần Nghiệp đến phố Thái Phiên (số nhà 6D).

Nay thuộc phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng.

Bùi Thị Xuân (?-1802) nữ tướng thời Tây Sơn. Bà quê ở thôn Phú Xuân, nay là xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Bà cùng chồng là Trần Quang Diệu coi việc quân. Năm 1801, Nguyễn Ánh đánh úp Phú Xuân (kinh đô đời Tây Sơn, nay là thành phố Huế). Vua Quang Toản chạy ra Bắc. Tới mùa xuân năm sau, ông tổ chức phản công. Bùi Thị Xuân cũng đem theo năm nghìn quân chặn giặc. Trong trận tấn công lũy Trấn Ninh (ở địa phận tỉnh Quảng Bình), quận Tây Sơn bị tổn thất nặng, Quang Toản rút quân nhưng Bùi Thị Xuân vẫn quyết đánh. Chỉ đến khi được tin thủy quân Tây Sơn đã bị phá, bà mới chịu rút lui.

Trong thời gian này, Trần Quang Diệu đang trấn giữ phủ Quy Nhơn bị cô lập, phải theo đường núi phía Tây mà chạy ra Bắc. Ngày 7/6 Âm lịch (1802), ông tới Nghệ An thì sa vào tay quân Nguyễn Ánh. Ông bị giải vào Phú Xuân, bị xử tử cùng ngày với vua Quang Toản (ngày 7/11). Bùi Thị Xuân cũng bị giặc bắt.

Một giáo sĩ phương Tây là Bi-xa-se (Bissachère) đã chứng kiến những giờ phút cuối đời của Bùi Thị Xuân đã mô tả: “Con gái bà, độ 15 tuổi, bị vứt cho voi giày… đến lượt bà cũng bị xử theo nhục hình này. Nhưng trong tư thế hiên ngang bà tiến thẳng trước voi khiến con vật này phải đứng sững như sợ oai vũ của bà”. Ngoài ra một người khác được chứng kiến là giáo sĩ E-i-ô ghi lại rằng “Vị nữ tướng đó đã chết với một thái độ can đảm quá phi thường”.