Tục khuyến học ở làng Giàu

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 10:40, 09/06/2017

Làng Giàu nay là xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Giống như nhiều làng xã ở Việt Nam nói chung, ở đâu cũng có những Tục lệ nhất định được mọi người theo từ đời này qua đời khác, không theo là trái lệ làng. Trái lệ làng khác gì là làm sai phép nước. Xin kể lại tục khuyến hộc ở làng Giàu, đó là tục lập.
Hội làng văn:

ở làng Giàu ngày xưa, ngoài một trường tiểu học dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp còn có lớp dạy tư tại nhà.

Trẻ làng độ 8,9 tuổi nếu gia đình có ăn, có mặt mới dám cho con đi học chữ (ngày xưa đủ ăn, đủ mặc là hiếm).

Để khuyến khích việc học, từ xưa làng đã hình thành mỹ tục, đó là lập Hội làng văn. Hội làng văn ở Phù Lưu Tế mỗi năm mở một lần vào ngày mồng Mười tháng Bảy âm lịch.

Hội làng văn có từ bao giờ, các cụ cao tuổi nhất làng cũng không nhớ. Các cụ cho biết mục đích mở ra Hội làng văn nhằm khuyến khích con em tỏng làng ham học để mở mang dân trí. Các cụ thường hay nhắc nhở con cháu: “Có học mới nên khôn” hoặc “Nhân bất học bất tri lý”, hoặc “Nên thợ, nên thầy nhờ có học”.

Chuyện kể rằng: “Cách nay cả mấy trăm năm, ngày ấy làng thì rộng, dân cư thưa thớt, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn. Mặc dù vậy nguyện vọng sâu kín của mọi người là làm sao con cái được học hành tử tế. Chỉ có thế con mới hơn cha, nhà mới có phúc: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Sự mong muốn của mọi người được một ông thầy từ nơi xa đến với ý định lập trường lớp, chiêu sinh con em ở làng và trong vùng đế học. Ông cho biết, ông đã đỗ Cống sinh, nhưng không ham thích quan trường, chỉ ưa việc dạy học. Tuy nhiên ông rất khó tính. Ông về làng không được các Chức dịch đón tiếp trọng thụ như quy định của triều đình đã ghi trong bi ký. (Ở Phù Lưu Tế hiện nay còn bia đá hình trụ cao chừng 0,9m, rộng 0,45m. Xưa đặt ở am Khổng Tử. Ở đó ghi rõ lễ nghi đón tiếp từng bị đỗ đạt trong các kỳ thi ngày xưa). Sự tự ái của ông Cống quá độ, đến mức ông viết lời nguyền: “Làng này không trogj thầy thì đời đời sẽ không ai trong làng đỗ đạt”. Lời nguyền viết trên giấy, được dán vào lòng cối đá đập lúa, đem ném xuống sông. Sau đó ông lại nói: “Gia đình nào đông con trai, cho đi học, muốn đỗ thì lặn xuống sông, tìm cái cối đá ấy, vớt đưa lên bờ. Làm được , con cái đi học sẽ đỗ. Y lời ông, mấy năm sau khi cái cối đá có lời nguyền độc nằm dưới lòng sông được mấy gia đình trong làng đông con trai, khi cho con đi học, rồi đi thi, đã rủ nhau lặn xuống sông sâu, tìm mãi mới thấy cái cối, nhưng chẳng thể nào vần nó lên được. Dù không được cối đá lên bờ nhưng người làng vẫn kiên tri cho con cái theo đuổi việc học. Các cụ xưa đã xác định: “Học để làm người”, “Học để biết điều hay lẽ phải”, “Học để làm điều không, tránh điều dại””. Từ đó các cụ thống nhất lập “Hội làng văn” để khuyến khích việc học của con cháu. Hội quy định nội dung thực hiện như sau:

- Ngày mở hội: Mồng Mười tháng Bảy âm lịch.

- Tuổi vào hội: 7-8 tuổi (chỉ riêng con trai)

- Thủ tục vào hội: Khi con 7-8 tuổi, gia đình đến báo cho ông trưởng họ, trưởng họ trình làng các cụ trong làng.

- Khi trình làng: Các gia chủ đem trình các cụ một cơi trầu năm quả cau, chục trầu không, một cút rượu và một seo tre (gốc tre giống) trồng vào lũy tre chắn sóng theo bờ đê tước đền làng, các cụ lão làng biết và lễ Thần. Lễ xong con em gia chủ được ghi vào danh sách. Sau đó chờ ngày mồng Mười tháng Bảy lên đền lễ Thần và thụ lộc. Con em nhà nào không làm việc này đương nhiên sẽ không được mời dự Hội lễ làng văn. Mỗi năm một lần trồng, từ mấy seo tre ban đầu đã trở thành lũy tre giữ đê khi nước lũ về, giữ làng khi giặc đến đánh.