Nức danh nhà cổ xứ Bắc

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 15:30, 09/06/2017

Thấm thoát thế mà đã 4 năm trôi qua, hôm nay chúng tôi mới có dịp về thăm lại làng mộc Bương Phù Linh, thôn Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội. Vẫn thoang thoảng mùi hương từ các thớ gỗ quý tự nhiên như gỗ mít, lim, sến; vẫn tiếng máy cưa, máy mài, máy đục… leng keng vang giục giã khắp xóm làng. Tuy nhiên điều dễ nhận thấy hơn cả là bộ mặt làng quê nơi đây ngày càng thay da đổi thịt. Những ngôi nhà cao tầng nối nhau mọc lên san sát. Dọc hai bên đường là những dãy nhà, xưởng gỗ với k
Theo nức danh làm nhà cổ lâu nay trong làng – MƯỜI NHÀ CỔ, chúng tôi tìm đến xưởng sản xuất nhà cổ và nội thất của Ông Nguyễn Chí Mười để tìm hiểu thêm về sự phát triển của nghề mộc làng Bương.

Nức danh nhà cổ xứ bắc

Kế thừa và phát huy tinh túy trăm năm của nghề mộc làng Bương

Sinh trưởng ở một miền quê có nghề mộc cổ truyền nổi tiếng qua nhiều thế hệ Bương Phù Linh, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội; ông Nguyễn Chí Mười luôn mong muốn mọi người cùng nhau chung sức giữ gìn kiến trúc cổ cũng như một ngành nghề truyền thống vốn đã bị mai một theo thời gian. 

Tương truyền, nghề mộc nói chung và nghề làm nhà gỗ cổ của làng Bương nói riêng có cách đây vài trăm năm. Cùng với sự phát triển của xã hội, nghề mộc được người dân làng Bương lưu truyền và phát triển từ đời này qua đời khác cho tới ngày nay. Từ xa xưa, trong làng đã hình thành từng tốp thợ đi khắp nơi xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các ngôi đình, chùa, nhà thờ tổ… phục vụ nhu cầu của người dân trong cả nước. Những công trình nổi tiếng có bàn tay người thợ làng Bương tham gia cũng như phục dựng.

Khi được hỏi về bản thân công việc của xưởng sản xuất gia đình mình, ông Mười trầm tư một lúc rồi chia sẻ với chúng tôi rất thật lòng. Học hết phổ thông, chàng thanh niên Nguyễn Chí Mười quyết tâm theo thầy trong làng đi học nghề mộc. Trong ngày đầu theo thầy học nghề, anh Mười nhớ nhất lời dạy tiên quyết của thầy dành riêng cho những người làm nghề mộc. Đó là “chúng ta phải “học ăn”, “học nói” rồi mới “học làm”. Thấm nhuần lời nói của thầy, anh Mười càng hiểu hơn giá trị nghề mộc mà cha ông mình để lại.

Năm 1990, anh Nguyễn Chí Mười mạnh dạn mở xưởng riêng và chuyên sâu vào việc cất dựng các ngôi nhà cổ. Tính đến nay, nhà cổ Chí Mười đã có mặt ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam với những nét kiến trúc độc đáo riêng biệt. Theo tâm sự của Ông Mười: “Cách đây khoảng 20 năm, Ông cảm tưởng như nhà cổ chuẩn bị mai một mất đi. Nhưng qua sự phục chế của các cụ trong làng để lại, qua sự đam mê nghề nghiệp của bản thân, Ông học nghề của cha ông để đi phục vụ bà con, phục chế lại nhà cổ nhà thờ của các dòng họ; làm mới lại những nhà cổ và những đình chùa”. 

Lưu giữ những tinh hoa của cha ông ta để lại là hành động thể hiện một sự trân trọng, biết ơn đối với những thế hệ cha ông đi trước đã tạo ra những sản phẩm có giá trị cả về vật chất và tinh thần cho thế hệ sau. Bên cạnh đó, việc phát huy những tinh hoa này còn là hành động nhằm đưa những tinh hoa nghệ thuật kiến trúc nhà cổ bay cao, bay xa hơn nữa. Không dừng lại ở công việc xây dựng các ngôi nhà cổ, nhà sàn Tây Nam Bộ, Nguyễn Chí Mười còn hướng đến việc đào tạo một thế hệ những người thợ mộc trẻ nắm bắt, gìn giữ tinh hoa làng nghề. Trong thời kỳ nền kinh tế nhiều biến động lớn kéo theo không ít thách thức đối với sự phát triển của cả làng nghề mộc Phù Yên hiện tại, mặc cho nhiều xưởng mộc khác nhiều người thợ đến làm rồi lại ra đi nhưng Cơ sở xây dựng nhà cổ và nội thất Chí Mười vẫn duy trì số lượng 30 thợ với nhiều lứa tuổi khác nhau và có thu nhập ổn định.

Nức danh nhà cổ xứ bắc

Người thợ cả tài - tâm - đức vẹn toàn

Đối với ông Nguyễn Chí Mười, những người theo nghề mộc, xây dựng nhà cổ thì ngoài yếu tố phải khỏe mạnh, phải có đôi tay rắn rỏi thì còn cần phải hội tụ cả “cái Tài” lẫn “cái Tâm” và “cái Đức” và luôn đặt chữ Tín lên hàng đầu. Đặc trưng của nhà gỗ cổ là mọi chi tiết đều phải chạm trổ công phu, tỉ mỉ. Để làm được một ngôi nhà gỗ cổ cần trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi cả sự dụng công và dụng tâm. Do vậy, ngoài đôi tay khéo léo, kỹ thuật điêu luyện thì người thợ cần phải đem cả tâm huyết của nghề - “sinh nghề, tử nghiệp” thì tác phẩm làm ra mới đẹp vừa mang đậm giá trị văn hóa dân tộc và vẫn giữ nét độc đáo riêng mình.

Hiện nay, cả nước có rất nhiều làng nghề mộc và phục dựng nhà cổ, tuy nhiên theo đánh giá và so sánh của nhiều người thì những sản phẩm của làng Bương nói chung và nhà cổ mang thương hiệu Nguyễn Chí Mười làm ra thường có hoa văn đẹp, chất lượng đảm bảo hơn so với những nơi khác. “Hữu xạ tự nhiên hương”, “tiếng lành đồn xa”  mà nhiều khách hàng từ những nơi xa cũng cất công tận cơ sở nhà ông Mười để đặt hàng.

Không chỉ chú trọng phát triển cho cơ sở sản xuất cho cơ sở của mình, với ông Nguyễn Chí Mười việc xây dựng quê hương và thúc đẩy sự phát triển của nghề mộc cả làng Bương Phù Yên, Trường Yên luôn đau đáu trong tâm trí của Ông. “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” là sự ngưỡng mộ mà nhóm phóng viên chúng tôi xin dành gọi cho riêng Ông Mười khi nói về việc ông đã và đang làm cho bà con làng mộc thôn mình. Xét thấy, việc phát triển làng nghề còn có ý nghĩa rất lớn đối với an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương và các vùng lân cận nên bản thân Ông luôn là người đi tiên phong hưởng ứng các chủ trương của các cấp chính quyền nhằm phát triển nghề mộc như vận động các hộ sản xuất tham gia các chương trình tôn vinh của thành phố… và mới đây là việc cùng với các hộ sản xuất tại làng tham gia đề nghị thành phố xét duyệt công nhận làng mộc Bương Phù Linh, Trường Yên là làng nghề truyền thống. Đây chính là những cơ sở, điều kiện để làng nghề tiếp tục phát triển ổn định, bền vững trong tương lai. 

Chúng tôi hy vọng rằng niềm đau đáu trong Ông sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực, rồi một ngày không xã cả làng mộc quê Ông sẽ được đón nhận là làng nghề truyền thống và tiếp tục được các cấp chính quyền địa phương và thành phố tạo điều kiện mọi mặt để phát triển nghề và giữ gìn tinh hoa nghề mộc của cha ông để lại cho con cháu mai sau.

Ly Ly