Xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 12:39, 11/06/2017
Tự hào là địa phương có nhiều di tích nhất cả nước nhưng Hà Nội cũng phải đối mặt với không ít thách thức khi đang có hơn 1/3 số di tích cần sớm phải đầu tư chống xuống cấp với nguồn kinh phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Do đó, Thành phố đã đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác tu bổ, tôn tạo di tích nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng, nâng cao ý thức bảo vệ di sản.
Chùa Tây Phương - Di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Nhiều khó khăn trong tu bổ, tôn tạo
Thống kê năm 2016 cho thấy, Hà Nội có hơn 5.900 di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng. Có tuổi đời từ hàng trăm năm đến nghìn năm tuổi nên hầu hết di tích không tránh khỏi hiện tượng xuống cấp. Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, toàn thành phố hiện có khoảng 2.200 di tích bị hư hỏng, trong đó có hàng trăm di tích trong tình trạng báo động, cần tôn tạo gấp.
Trước sự cấp bách này, nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã dành tâm sức, kinh phí cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích. Mỗi năm, Thủ đô dành hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách và nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp sáng kiến, cách làm hay, làm dấy lên phong trào xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích. Thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương, từ đầu năm 2017 đến nay, nhân dân đã đóng góp hơn 42 tỷ đồng cho công tác này.
Tuy nhiên, công tác xã hội hóa bảo tồn, tôn tạo di tích vẫn còn những tồn tại nhất định nên chưa huy động được tối đa nguồn lực trong nhân dân. Việc ngành chức năng đình chỉ các công trình trùng tu, tôn tạo khiến di tích biến dạng đã tác động tiêu cực đến di tích và ảnh hưởng tới tâm lý của người dân khi đóng góp kinh phí. Bên cạnh đó, còn có một khó khăn khác, xuất phát từ yêu cầu của thành phố về việc phải làm rõ nguồn vốn đầu tư trong trường hợp sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, cơ cấu nguồn vốn cũng như bảo đảm tính khả thi của việc huy động bằng việc cam kết nguồn vốn. Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất cho biết: "Trước đây, địa phương thường đợi thành phố quyết chủ trương từ đó có cơ sở xin ý kiến nhân dân, sau đó mới huy động xã hội hóa. Nay thành phố yêu cầu phải có giải trình cụ thể kèm theo cam kết về nguồn vốn xã hội hóa rồi mới quyết định cho thực hiện hay không khiến địa phương khó "xoay" vì chưa biết nguồn huy động được bao nhiêu để cam kết". Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì cũng cho rằng: "Yêu cầu mới của thành phố khiến địa phương gặp lúng túng trong triển khai”...
Hiện nay, nhiều địa phương cũng gặp vướng mắc ở quy trình, thủ tục - những công việc đòi hỏi phải có nhiều thời gian. Vậy nên, đã có không ít di tích phải mất đến 2 - 3 năm mới có thể hoàn thành thủ tục. Trong thời gian đó, di tích xuống cấp trầm trọng hơn, khi tu bổ, kinh phí vượt quá số dự toán ban đầu nên càng khó khăn về nguồn vốn.
Khơi thông mọi nguồn lực
Dù còn những vướng mắc cần tháo gỡ, nhưng không thể phủ nhận tính chặt chẽ mà Quy định mới về giải trình nguồn vốn, cam kết số tiền huy động của thành phố quy định. Bởi quy định này nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng trong xây dựng nói chung và trùng tu, tôn tạo di tích nói riêng. Thực tế đã có địa phương xin chủ trương trùng tu, tôn tạo di tích bằng nguồn xã hội hóa, nhưng khi đang thực hiện dở dang lại phải đề nghị hỗ trợ vốn từ ngân sách vì không huy động đủ kinh phí từ cộng đồng.
Trao đổi về vấn đề huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa, Trưởng ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội, TS Nguyễn Thị Hòa cho rằng: "Vấn đề quan trọng nhất vẫn là các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phong trào xã hội hóa; kịp thời, khẩn trương phổ biến các quy định để người dân hiểu đúng, có quyết định đúng khi tham gia trùng tu, tôn tạo di tích. Việc huy động vốn, triển khai tu bổ, tôn tạo cần công khai, minh bạch, theo nguyên tắc khoa học, có sự giám sát của cộng đồng".
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, cho biết: Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã đặt mục tiêu tu bổ 20% số di tích xuống cấp. Hà Nội cũng chủ trương bảo tồn di sản theo hướng trọng điểm, tập trung cho các di tích đặc biệt cũng như di tích lịch sử cách mạng, nên nếu không có nguồn vốn xã hội hóa, bài toán này rất nan giải. Trong thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục tham mưu với Thành phố những giải pháp tích cực để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các cá nhân, tập thể tham gia tu bổ, tôn tạo di tích.