Thăm thẳm vực sâu
Truyện - Ngày đăng : 16:09, 13/08/2022
Cao nhìn đồng hồ, chỉ còn vài phút nữa là đến giờ liệm. Nó không muốn để ông nội cứ mở trừng đôi mắt, mồm há ra đi vào quan tài. Chắc ông còn vương vấn gì đó nên mới không yên lòng ra đi. Nó khẽ ngồi xuống bên ông, miệng thì thầm: “Ông à! Bố con chém chết người bị công an bắt đi rồi. Ông đừng mong bố nữa nhé! Bố không về vuốt mắt, chống gậy được đâu. Ở nhà đã có cô chú và mẹ con cháu rồi. Ông hãy nhắm mắt, yên lòng đi đoàn tụ với bà ở thế giới bên kia nhé”. Cao nói xong, dùng bàn tay trái vuốt ba cái từ trán xuống miệng ké Sì, đôi mắt từ từ khép lại. Bàn tay phải cũng vuốt ba cái từ dưới cằm lên, cái miệng móm mém cũng ngậm chặt lại. Lúc này nhìn ông như đang say giấc.
***
Nhìn Thọ ngồi cúi gằm mặt xuống, những người cùng phòng giam tự hỏi không biết liệu gã có nhỏ vài giọt nước mắt khi biết tin ké Sì đã về với tổ tiên. Gã có tiếng là người máu lạnh mà.
Thọ vốn quá quen thuộc với nơi này. Năm mươi tuổi đã bao lần vào tù ra tội. Lần đầu do buôn bán hê rô in, chịu án bảy năm tù. Ra tù được ít lâu gã lại đánh người ta đến tàn phế khi chứng kiến kẻ đó đang “loỏng” (làm phép) vào bàn thờ nhà mình, thế là lĩnh ba năm "bóc lịch". Ngày mãn hạn tù chẳng ai đến đón. Ra đến cổng gã tự hứa với lòng mình sẽ không bao giờ bước chân vào chốn đày ải này nữa. Hai lần ngồi nhà đá gã đã thấm thía câu “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Nhưng vận hạn luôn đeo bám gã. Lần trước gã đã không được về chịu tang mẹ. Bây giờ bố nằm xuống cũng không thể về. Gã không biết mình làm phận con kiểu gì nữa. Một người con bất hiếu, bất nhân. Thiên hạ có mấy người như gã không? Gã suy nghĩ, khóe mắt cay cay.
***
Căn nhà vợ chồng Thọ nằm sâu trong lũng, cách biệt với bản làng. Ké Sì ở bản, sống một mình trong căn nhà sàn. Vợ chồng Thọ vào lũng cấy lúa, trồng ngô, trồng chuối, cam, chăn nuôi gia súc gia cầm, làm ao thả cá. Toàn bộ đất đai trong lũng Nặm Kim là của ông bà tổ tiên để lại. Khi nhà nước làm kênh mương thủy lợi, dẫn nước sinh hoạt về cho dân bản, gã đã xây bờ ao bằng gạch nung kiên cố thay cho cái bờ xây bằng đá hộc, đắp đất lúc nào nước cũng rò rỉ ra ngoài. Từ nay không còn lo cá thoát ra ngoài mỗi khi mưa lũ kéo đến nữa. Đã có tấm sắt đóng mở lối xả nước. Mùa hạn đóng xuống, lũ về kéo lên thuận tiện lắm.
Bình thường người làng chẳng ai đặt chân đến nhà gã. Nhưng ở nơi này cứ ba năm mưa thuận thì có một năm hạn hán. Năm nay tháng tư rồi tháng năm mà không có trận mưa to nào. Dân bản lũ lượt kéo vào lũng, người đem theo chai rượu, người đem theo bia, có người đem theo cả can rượu năm lít. Thọ trở thành người phân phối nước cho dân bản. Người này đủ nước cấy thì người kế tiếp liền đóng van xả nước để tích lại đợi hai, ba ngày rồi mới tháo.
Hôm đó thằng Ảnh vào rất sớm, dù đến trưa mới có thể khóa cổng xả. Mấy hôm nay Thọ như được tắm trong bia rượu. Bóng người chỉ còn một chấm nhỏ dưới chân mà vẫn nằm trên giường. Vợ sáng sớm đã ra đồng nhổ mạ, cấy lúa, trưa lại chạy về lo cơm nước cho chồng. Nấu chín rồi gọi Thọ không thèm dậy ăn. Gã thấy miệng đắng ngắt, đầu đau như có ai dùng búa đập vào.
Thọ không dậy ăn cơm. Ảnh thấy vậy thì thốt ra mấy lời: “Thật không công bằng chị nhỉ? Người đi làm đồng về mệt lại phải hầu hạ người nằm, gọi ăn cơm cũng không thèm dậy nữa”. Ảnh chỉ nói những điều thật. Nhưng Thọ lại suy nghĩ khác. Thọ chưa dậy mà thằng Ảnh chỉ chờ câu mời đãi môi đã ngồi xuống ăn cơm với vợ gã. Thọ khó chịu lắm. Gã nghe người ta nói ra nói vào rằng trong thời gian gã ở tù Ảnh đã qua lại với vợ gã. Thọ không tin vợ mình lại để cho thằng Ảnh ấp. Một thằng dở dở ương ương, lúc nào cũng hôi rình như vừa đi gánh nước đái trâu bò tưới cỏ voi về. Làng trên xóm dưới có chuyện gì là hóng hớt. Bây giờ nó vào canh nước lại nói xấu chủ nhà, thử hỏi làm sao không tức cho được.
- Tao khát nước quá, mày có thể rót cho tao một cốc nước không hả vợ? Thọ nói.
Vợ gã đứng dậy cầm ca nước sôi để nguội rót vào cái cốc nhựa rồi đem đến cho chồng, nhưng vừa bước chân đến cạnh giường thì bị Thọ dùng hai tay túm lấy cổ. “Tao chưa dậy mà mày đã mời người khác ăn cơm, mày không coi tao ra gì phải không?”. Cô vợ gầy như con cá mắm cố vùng vẫy nhưng cảm thấy đuối sức bèn cầu cứu: “Chú Ảnh ơi! Cứu chị với”. Ảnh nghe tiếng kêu cứu liền chạy ra khỏi nhà bếp đến bên giường Thọ. “Á mày giỏi lắm! Dám gọi thằng Ảnh đến cứu à? Đã thế tao cho cả hai cùng chết”. Nói xong Thọ vùng dậy, chân không xỏ dép bước đến căn bếp rút con dao chặt xương ra chém vào người, vào đầu Ảnh. Ảnh chạy được mươi bước chân thì ngã xuống cái ao nước chỉ ngang đầu gối. Máu hòa với nước loang một khoảng rộng bằng tấm cót phơi thóc. Vợ Thọ chạy đi được một quãng khá xa liền dừng lại gọi điện cho dân làng vào ứng cứu. Mọi người đến nơi thì Ảnh đã không còn hơi thở.
***
Khi chiếc còng số tám tra vào tay Thọ vẫn chưa kịp hoàn hồn. Thọ biết mình không còn cơ hội để làm người. Sau này, khi có những phút giây nghĩ về cuộc đời, gã oán hận những người trong bản đã đem rượu vào đầu độc mình. Nhưng rồi nghĩ kỹ thì Thọ tự trách mình nhiều hơn. Người ta đem rượu đem bia đến mình không uống là xong, đằng này... Thôi không nên oán trách ai vào lúc này nữa. Tất cả đều đã quá muộn rồi. Ngày trước mẹ mất gã đã không về chịu tang được. Giờ bố mất gã cũng không về được. Vợ, em gái, em rể và cả hai con của Thọ cũng không thể làm gì hơn. Ai có thể bảo lãnh cho kẻ giết người, đã có hai tiền án về chịu tang bố được. Trong phòng giam không có hương, không vàng mã, cũng chẳng có khăn tang, Thọ đành hướng về quê nhà vái vọng để đưa tiễn bố về nơi chín suối. Không biết linh hồn bố có thông cảm cho người con bất hiếu này không?
Án tử đang lơ lửng trên đầu và khoản tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân Thọ không biết kiếm đâu ra được. Không lẽ các con của gã sẽ phải nai lưng ra làm để trả nợ thay bố sao? Người có tiền thì để tiền, người không tiền thì để lại đức, để tiếng thơm cho con cháu. Liệu sau này các con có oán trách gã đã nhuốm đen lý lịch của chúng? Chắc chúng hận bố lắm. Giá như gã biết kìm bước chân trước vực sâu, giá như gã biết nghĩ cho các con thì đâu đến nông nỗi này. Tiếng là vợ chồng nhưng vợ gã có được mấy ngày hạnh phúc, những bữa cơm dẻo canh ngọt thì ít, cơm chan nước mắt thì không thể đong đếm. Hối hận ư? Thọ cũng biết trên cõi đời nghiệt ngã này không có loại thuốc nào chữa được hối hận. Muộn. Muộn quá rồi. Thọ không còn cơ hội quay đầu lại nữa. Con đường gã đi đã gần điểm cuối cùng rồi.
“Cùng là nông dân nhưng sao chúng mày khổ thế? Như tao đây mưa không ướt chân, nắng không xuống đầu mà vẫn ăn sung mặc sướng, ngày nào cũng thịt cũng cá”. Gã ngẫm lại câu mình nói với người trong bản năm nào, giờ thấy chua xót cho bản thân. Thà ăn ngô, ăn cháo nhưng không phải lo nghĩ gì. “Mười hang ếch ắt có một hang rắn ở, mày buôn bán thứ đó có ngày bước chân vào nhà đá”. Ké Sì đã nhiều lần khuyên can nhưng Thọ không chịu nghe. “Ông già thì biết cái gì! Thời buổi này có chí làm quan có gan làm giàu”. Nhưng giàu đâu chẳng thấy. Mấy ngày qua gã nghĩ nhiều đến lời nói của bố. Bố đã đi. Rồi con cũng sẽ theo bố. Sẽ sớm thôi. Ngày gặp lại bố mẹ ở thế giới bên kia con sẽ quỳ xuống cho hai người định tội. Gã tự hứa với lòng mình như thế.
***
Ngày hôm nay sao dài đến thế? Thọ đưa mắt nhìn ra ngoài qua khe cửa sổ chấn song sắt. Ánh mặt trời chiếu lên lá cây còn đọng lại những giọt nước mưa sáng lung linh như những hạt ngọc đủ sắc màu. Những con chim chỉ to bằng ngón tay cái vẫn cần mẫn tìm những chú sâu trong lớp lá cây. Chúng tự do và vui sướng biết bao. Đợi mãi rồi bóng tối cũng chùng chình kéo đến. Thọ ăn cơm rồi ngả lưng xuống chiếu. Chẳng bao lâu gã đã chìm vào giấc mộng. Thọ mơ gặp lại bố mẹ. Vợ chồng ké Sì ngồi trên ghế, nhìn thấy thằng con trai hai người đứng dậy toan cầm gậy định đánh. Nhưng rồi hai người lại ngồi xuống khóc. Thọ giật mình khi thứ mà rỉ ra từ khóe mắt của cha mẹ không phải là nước. Mà đó là những giọt máu. Thọ từng nghe nói khi người ta giận con đến mức không thể tha thứ thì nước mắt của họ chảy ra sẽ không còn là những giọt nước mắt bình thường. Tim của họ đang tan nát, vỡ vụn rồi...
“Mé ơi! Pá ơi!”. Thọ gọi toáng lên. Những người cùng phòng nhìn Thọ ngơ ngác nhưng không ai lên tiếng. Ngày mai người ta sẽ đưa bố gã lên nằm cạnh mẹ gã ở phía chân núi mờ xa.