Gửi gắm tình yêu Người Hà Nội
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 14:35, 15/06/2017
Lời tòa soạn: Là tờ báo văn học nghệ thuật của Thủ đô nên hơn 32 năm qua Người Hà Nội luôn được đón nhận sự quan tâm, ưu ái của độc giả Hà Nội cũng như cả nước. Nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Người Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các độc giả, cộng tác viên thân thiết với kỳ vọng Người Hà Nội sẽ ngày càng đổi mới, phát triển.
Nhà thơ, dịch giả Trần Đương: Vườn ươm cho sáng tạo văn học, nghệ thuật
Kể từ khi là hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội (năm 1970), tôi trở thành độc giả của báo Người Hà Nội và cộng tác với báo qua nhiều thời kỳ. Dõi theo sự phát triển của báo, tôi thấy báo Người Hà Nội vẫn giữ được sự phong phú, hấp dẫn về nội dung và có vị trí xứng đáng trong làng báo Hà Nội.
Vì là tờ báo văn nghệ nên Người Hà Nội có màu sắc văn nghệ khá rõ. Bên cạnh việc giới thiệu các truyện ngắn, thơ, văn học dịch… các hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đều được phản ánh một cách kịp thời, nhất là các hoạt động văn học nghệ thuật diễn ra ở Thủ đô. Từ các vở diễn, triển lãm, đến các sáng tác, hội thảo... Tuy nhiên, theo tôi đánh giá mảng sáng tác của Người Hà Nội chưa thật sự có nhiều tác phẩm hay, nhất là thơ cần phải chọn lọc hơn nữa.
Dù thời cuộc khác nhau, nhưng phải thừa nhận ban biên tập hiện nay rất có trách nhiệm và luôn phấn đấu cải tiến về nội dung và hình thức. Điều này thể hiện rất rõ trong thời gian gần đây.
Người Hà Nội đến nay vẫn giữ được quan hệ thân ái đối với các cộng tác viên, tôn trọng, khích lệ họ viết bài. Vì vậy, dù khó khăn về mặt kinh tế, nhân sự nhưng báo vẫn được các cộng tác viên ủng hộ. Hầu hết các cộng tác viên khi viết bài cho báo đều không nghĩ đến nhuận bút hay chế độ đãi ngộ. Với họ, báo chính là một diễn đàn để họ có thể chia sẻ, bày tỏ suy nghĩ thái độ và giới thiệu các sáng tác của mình. Vì vậy báo cũng đã trở thành vườn ươm cho không ít những cây bút của Hà Nội…
Một điều tôi muốn nói nữa đó là Người Hà Nội tuy là tờ báo của địa phương nhưng vì là Thủ đô nên tờ báo vẫn có tầm ảnh hưởng trên cả nước và được nhiều người biết tới. Tôi nhớ cách đây không lâu trong một lần trở lại nước Đức, ghé vào chợ Đồng Xuân ở Berlin, tôi thấy thật bất ngờ vì trên sạp báo cùng với tờ Văn nghệ và Thanh niên… còn có cả Người Hà Nội. Là một cộng tác viên của báo tôi thấy rất phấn khởi. Nhắc lại một kỷ niệm cũ để thấy rằng Người Hà Nội đã có “sức vươn” về vị trị địa lý, thì càng phải nỗ lực hơn để có được “sức bật” về chất lượng nội dung. Như thế mới có thể khẳng định vị thế của mình trong làng báo Việt Nam.
Nhà văn Lê Phương Liên: Cần hướng đến xây dựng tâm hồn
Nếu có bạn hỏi tôi, sao dạo này chăm chỉ viết cho báo Người Hà Nội thế nhỉ? Tôi xin trả lời rằng, thực ra tôi đã từng viết cho những ấn phẩm đầu tiên của Hội Văn nghệ Hà Nội (tiền thân của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội ) từ những năm 1974, thời của các nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, nhà thơ Chu Hà… làm biên tập tạp chí Sáng tác Hà Nội. Sau đó vào những năm cuối thập niên 80, đầu 90 thời kỳ đổi mới văn học, tờ báo Người Hà Nội dưới sự lãnh đạo của nhà văn Tô Hoài (Tổng biên tập), có sức lôi cuốn người đọc, người viết và cũng đã khiến tôi gửi những truyện ngắn của mình tham gia trên trang báo. Thế rồi bẵng đi hơn hai chục năm qua, tuy là người quê gốc Hà Nội nhưng tôi lại đi xa, đi sâu vào lĩnh vực văn học thiếu nhi. Vì bận rộn chuyên môn tôi gần như xa rời không khí văn học "địa phương Hà Nội", thậm chí không đọc và có khi không biết "Người Hà Nội" còn tồn tại không?
Thế rồi cơ duyên cộng tác với báo được trở lại khi biên tập viên của báo nhiệt tình kết nối, liên hệ đặt bài, tự nhiên tôi cảm thấy một niềm phấn chấn, muốn đóng góp cho tờ báo quê hương thêm phần ý vị. Khi mời tôi cộng tác, biên tập viên của báo cũng có nói với tôi: "Nhuận bút của báo chưa cao nhưng báo rất mong cô ủng hộ, gửi bài cộng tác". Tôi thiết nghĩ rằng, người viết tất nhiên cần nhuận bút, nhất là những người viết sống thực sự bằng nghề văn học. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng đặt vấn đề nhuận bút lên hàng đầu. Nếu từ những bài viết của mình, tờ báo thực sự lôi cuốn được bạn đọc, số lượng phát hành tăng lên thì chắc báo cũng sẽ không để cho các cộng tác viên của mình thiệt thòi. Tôi vẫn thường suy nghĩ như vậy khi gửi bài cho Người Hà Nội.
Một tờ báo có chỗ đứng trong trong lòng người đọc (nhất là những báo chí về văn hóa văn nghệ) trước hết phải là một tờ báo lương thiện. Người đọc sẽ tìm thấy ở đó những bài báo giàu chất thẩm mỹ, giàu tính chân thực, giàu lượng thông tin cập nhật dưới ánh mắt nhìn tinh tế, hướng đến việc xây dựng tâm hồn con người. Theo tôi mọi tiểu xảo "câu khách" đi vào việc thỏa mãn những sự tò mò lặt vặt đều có khả năng mang lại cho số phận tờ báo những rủi ro nhiều hơn là may mắn. Mong sao tờ báo Người Hà Nội sẽ có những bước đi chắc chắn xứng đáng với tên tờ báo, xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc nơi đất lành nghìn năm văn hiến.
Ông Phạm Bá Dực: Hãy là những “bữa tiệc tinh thần”
Đọc và viết bài cho báo là sự đam mê, là nhu cầu không thể thiếu của tôi. Từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, tôi cũng đã viết bài cộng tác cho một số tờ báo và tạp chí ở Hà Nội và một số tỉnh, thành khác. Sau khi nghỉ hưu, tôi có nhiều thời gian viết hơn.
Đối với báo Người Hà Nội, tôi đã viết những bài bút ký, tản văn đăng lần đầu vào tháng 5/2011. Là tuần báo của Hội VHNT Hà Nội, năm nay Người Hà Nội đã bước sang tuổi 32 – cái tuổi được coi là đủ độ chín của tuổi thanh xuân, với bề dày kinh nghiệm trong việc phản án lĩnh vực hoạt động VHNT Thủ đô.
So với các tờ báo khác, trang bìa của báo Người Hà Nội trình bày khá đẹp và bắt mắt. Khi là những bức tranh của những họa sĩ, lúc lại là những bức ảnh nghệ thuật tươi mới, thể hiện chất rõ nét nét riêng của tờ báo văn học nghệ thuật.
Về nội dung, báo đã có chuyên trang, chuyên mục phong phú như: Truyện ngắn, Tản văn, Sáng tạo – Cống hiến; Tác giả tác phẩm; Hà Nội với cả nước, Văn học nước ngoài…
Trang “Thời sự” cập nhật nhiều vấn đề chính trị, thời sự của Thủ đô và đất nước. Tuy nhiên, các bài viết mới chỉ dừng ở mức độ phản ánh; Trang “Văn hóa dân gian Thăng Long – Kẻ Chợ” khá hấp dẫn. Qua các bài viết, bạn đọc được trở về những mạch nguồn văn hóa dân gian, được “sống lại” và tìm thấy, hiểu sâu sắc hơn tinh hoa văn hóa thấm đẫm hồn dân tộc mà tổ tiên, ông bà đã sáng tạo và để lại cho tới ngày nay; Trang “Thơ – Thơ và lời bình”, các tác giả đã giúp cho người đọc hiểu sâu hơn cái hay, cái đẹp của thi ca, giúp người làm thơ thấy được những hạn chế về gieo vần lập tứ, chọn chữ nghĩa sao cho hợp lý với văn cảnh…
Nhìn tổng thể, Người Hà Nội có nhiều chuyên mục phong phú đa chiều và sâu sắc giúp người đọc hiểu và yêu văn chương, nghệ thuật hơn.
Trong nhịp sống hối hả của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc thường xuyên được dự “bữa tiệc tinh thần” chất lượng, phong phú và hấp dẫn của sách và báo một điều vô cùng ý nghĩa tựa như sống không thể thiếu khí trời… Tôi mong báo Người Hà Nội luôn bày được “bữa tiệc tinh thần” hấp dẫn để độc giả chúng tôi thưởng thức. Đó cũng là cách mà báo chí góp phần cổ vũ cho văn hóa đọc.
Đại tá - Nhà văn Phạm Thanh Cải: Nên quảng cáo cho chính mình
Thời gian qua khi đất nước mình chuyển sang nền kinh tế thị trường, không riêng gì báo giấy, các loại báo điện tử, báo hình, báo nói… báo nào cũng gặp những khó khăn.
Để có thể đứng vững trong giai đoạn hiện nay, với Người Hà Nội, một tờ báo là tiếng nói của văn nghệ sĩ Thủ đô, trước hết, phải xem đối tượng đọc của mình là những ai? Từ xác định được đối tượng độc giả của báo chúng ta phải xác định đội ngũ độc giả ấy đọc những gì? Sở thích của họ là gì? Họ đang quan tâm đến vấn đề gì?
Thứ hai, chúng ta phải xem xét xuất bản như thế nào? Tờ báo của chúng ta gồm những chuyên mục gì? Nội dung như thế nào? Chọn nội dung nào là điểm nhấn của tờ báo. Thời đại này là thời đại bùng nổ thông tin và độc giả chỉ dành được một ít giây phút ít ỏi để đọc báo. Thế nên, những tin tức phải cô đọng, ngắn gọn, đủ thông tin; những bài viết, truyện ngắn đừng quá dài…
Cách chọn loại giấy in cũng phải tính theo bài toán tối ưu – vừa trang trọng vừa hợp lý tài chính. Bên cạnh đó, tờ báo nào cũng có quảng cáo, thế nhưng, nhiều tờ báo lại quên quảng cáo ngay cho chính mình. Trong khi vài tờ báo thường giới thiệu nội dung, hình thức của số báo sắp phát hành trước một vài ngày trên các phương tiện như báo điện tử, trang facebook, thì tờ báo Người Hà Nội lại chưa làm được việc này. Chính vì thế, độc giả của báo chỉ là độc giả truyền thống, độc giả quen biết chứ không thêm được một lượng độc giả mới!
Nói tóm lại, khó khăn do nền kinh tế thị trường gây ra cho báo chí thì đã rõ. Nhưng cái khó khăn lớn hơn gây ra cho báo giấy là xã hội ngày càng hiện đại, phát triển của ngành điện tử kỹ thuật số đi vào mọi ngõ ngách trong xã hội, tới từng nhà, từng người. Vì vậy Người Hà Nội cũng cần phải không ngừng tự đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và nghệ thuật để thu hút độc giả.
Khó khăn, thách thức lớn như vậy, nhưng với sự sắp xếp lại cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, đội ngũ nhà báo có nhiệt tình có năng lực, tôi tin rằng một ngày không xa Người Hà Nội sẽ vươn lên, luôn là người bạn thân thiết không thể thiếu của độc giả, khi tờ báo đã đi vào lòng người đọc.