Tục “bầu hậu” làng Khúc Thủy
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 16:05, 15/06/2017
Thượng hạ quý bình hòa,
Bàng quan thân vật ngoa.
Ca nhi đương triển liễm,
Ước thúc bất tu đa.
Dịch nghĩa:
Trên dưới quý ở chỗ thuận hòa,
Chân thực chớ có đặt điều.
Hát xướng có mức độ
Lệ tục không nên rườm rà.
Chính nếp sống đẹp thuần hậu của người làng Khúc Thủy được truyền lại từ bao đời nay đã góp phần tạo nên một làng quê sung túc văn minh.
Theo các cụ già trong làng kể lại, dưới thời Nguyễn đất nước có chiến tranh loạn lạc. Triều đình huy động dân chúng chống giặc ngoại xâm. Dân làng Khúc Thủy nô nức tòng quân, lại quyên góp thóc gạo tiền bạc giúp nước. Vì vậy triều đình giao cho tình Hà Nội ban cấp cho dân làng tấm biển ngạch: Mỹ tục khả phong (Phong tục đẹp đáng biểu dương), vào ngày tốt tháng Năm năm Tự Đức 19 (1866). Hiện tấm biển được treo trước đình làng.
Đến hôm nay người làng Khúc vẫn tự hào về truyền thống dũng cảm chuộng nghĩa khí của trai làng Khúc Thủy. Chẳng thế mà niên hiệu Kiến Phúc năm thứ 1, triều đình lại ban sắc thưởng cho làng là: “Khúc Thủy xã Nghĩa Dân”. Thật hiếm có làng nào lại được hai lần tặng thưởng về thuần phong mỹ tục và tinh thần quả cảm kiên cường như ở Khúc Thủy.
Tấm bia “Nghĩa dũng hậu kỵ bi ký”, do Tuần phủ Yên Bái là Nguyễn Tấn Cảnh soạn năm Bảo Đại 2 (1927) đã ghi rõ: Vào năm Quý Mùi (1883) thời vua Tư Đức, tỉnh thành Hà Nội gặp cơn loạn lạc, giặc giã nổi lên khắp nơi, thừa cơ cướp phá xóm làng. Bấy giờ bọn giặc kéo vào làng Khúc Thủy cướp phá giết chóc rất tàn tệ, song dân làng muôn người như một đồng lòng chống trả quyết liệt. Giặc cướp không sao vào được làng đành phải tháo lui. Nhưng trong trận chiến đó có hai mươi người dân gan dạ của Khúc Thủy đã ngã xuống. Việc được tâu lên, triều đình ban thưởng cho những người đó hàm tòng cửu phẩm. Văn bia có đoạn viết: “Hơi ôi khi lâm sự chỉ nên đem so cùng tiết nghĩa, hễ có việc gì là bảo vệ che chở lẫn nhau, chỉ cốt sao cho làng xóm được yên ổn”.
Người Khúc Thủy vốn chuộng nghĩa trọng tình. Hai mười người đã ngã xuống vì dân làng đã được tôn làm Hậu Thần phối thờ ở đình, mãi mãi được dân làng hương khói phụng thờ. Tục “Bầu Hậu” này được thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ của người dân Khúc Thủy mà của tất cả mọi người dân đất Việt.